Thứ Bẩy, 20/04/2024 05:49:54 GMT+7

Tin đăng lúc 24-06-2020

Lượt xem: 1251

11 địa phương kết nối cung - cầu lao động trực tuyến

Hình thức giao dịch việc làm trực tuyến đã thu hút 731 lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp tại các điểm cầu giao dịch với 288 lao động trúng tuyển và 332 người được hẹn phỏng vấn lần 2.
11 địa phương kết nối cung - cầu lao động trực tuyến
Lao động phổ thông tại các địa phương thiếu hụt trầm trọng sau đại dịch Covid-19

Thời điểm hiện nay, Việt Nam đã kiểm soát cơ bản dịch Covid-19 nhưng những ảnh hưởng mà đại dịch đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế gây hệ luỵ nặng nề đến thị trường lao động, khiến hàng ngàn người bị ảnh hưởng sinh kế, nhất là những người lao động nghèo. Do đó, ngay khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi, các doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất, vấn đề đặt ra là giải quyết việc làm cho những người đã bị mất việc, đảm bảo số lượng lao động cung ứng trở lại cho thị trường lao động, ổn định cuộc sống sau dịch Covid-19.

 

Trước tình hình đó, phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối cung cầu lao động 11 tỉnh, thành phố trên toàn quốc được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo phối hợp chuyên môn giữa Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và 11 trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh/thành phố gồm: Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hóa, Lào Cai, Bình Dương ngày 18/6/2020 vừa qua đã diễn ra thành công nhằm tăng cường kết nối việc làm cho người lao động. Thông qua phiên giao dịch, các địa phương mở rộng được địa bàn tuyển dụng, cung ứng lao động, tư vấn, tuyển sinh,.... đáp ứng nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp dần hướng tới cân bằng thị trường giữa các khu vực, vùng miền.

 

Theo đó, phiên giao dịch đã thu hút 2.790 lao động và 250 cơ quan, doanh nghiệp tham dự với nhu cầu tuyển dụng 29.169 vị trí việc làm trống. Nhu cầu tuyển dụng trình độ đại học, cao đẳng tập trung vào các nhóm ngành, nghề quản lý điều hành, kỹ thuật, cơ khí, phiên dịch viên, công nghệ thông tin,... Đối với trình độ trung cấp chủ yếu tập trung tuyển dụng ngành, nghề công xưởng, kỹ thuật viên, cơ điện tử, phiên dịch,... trong đó, chiếm phần lớn là nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông.

 

Thực tế cho thấy, sau khi Việt Nam cơ bản khống chế đại dịch Covid-19, cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường, các doanh nghiệp ở vào tình trạng thiếu hụt nhiều lao động phổ thông. Lý giải về tỉnh trạng thiếu hụt lao động phổ thông sau dịch, hầu hết các địa phương đều cho rằng, nguyên nhân chính là do khoảng thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp doanh nghiệp buộc phải cho công nhân tạm nghỉ việc. Một số doanh nghiệp lớn buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bởi họ cho rằng không còn cách nào khác, dẫu rất muốn giữ người làm.

 

Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp cần lao động lại khó khăn. Trong khi đó, một số doanh nghiệp đã đưa ra phương án giữ người chờ phục hồi sau dịch để tránh tình trạng “khát” lao động như cho công nhân tạm nghỉ việc bằng cam kết. Mặc dù vậy, sau khoảng thời gian tạm nghỉ, người lao động phải lo cho cuộc sống nên tìm việc khác hoặc về quê sinh sống không quay lại. Đây là tình trạng chung, chủ yếu tập trung tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương,...

 

Thông qua phiên giao dịch việc làm kết nối 11 tỉnh, thành phố thông qua hình thức trực tuyến lần này đã có 731 lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp tại các điểm cầu giao dịch. Trong đó, có 288 lao động trúng tuyển, 332 người được hẹn phỏng vấn lần 2. Thông qua phiên giao dịch, nhiều lao động đã được tư vấn các thông tin về việc làm, qua đó giúp người lao động hiểu rõ những thế mạnh, khả năng của bản thân trước yêu cầu của thị trường lao động để có kế hoạch đào tạo phù hợp trong thời gian tới.

 

Phiên giao dịch việc làm trực tuyến, cũng như các phiên giao dịch việc làm trực tiếp do hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội được tổ chức thường xuyên, giúp kết nối cung cầu lao động trên các địa bàn các địa phương, liên thông giữa các vùng, miền tạo điều kiện cân bằng, ổn định thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hỗ trợ kịp thời giữ nguồn lực lao động khi doanh nghiệp tái sản xuất. Qua đó, giúp thị trường lao động cả nước từng bước đồng bộ, hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế tại các địa phương và trên cả nước thời kỳ hậu Covid-19.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang