Thứ Sáu, 26/04/2024 06:36:28 GMT+7

Tin đăng lúc 16-02-2018

Lượt xem: 2421

2018 tiếp tục là năm “giảm chi phí cho doanh nghiệp”

Năm 2018, Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương “giảm chi phí cho doanh nghiệp”.
2018 tiếp tục là năm “giảm chi phí cho doanh nghiệp”
Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương “giảm chi phí cho doanh nghiệp” trong năm 2018

Đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về chủ trương giảm chi phí cho doanh nghiệp trong năm 2018 và chiến lược khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường quan hệ với doanh nghiệp FDI.

 

Về giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tháng 5/2017, chủ đề của năm 2017 được chọn là “giảm chi phí cho doanh nghiệp”. Một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị năm 2018 tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề giảm chi phí cho doanh nghiệp để tác động đối với cộng đồng doanh nghiệp sẽ rõ nét hơn và phát huy các kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã triển khai năm trong 2017.

 

Tại Nghị quyết số 1/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Chính phủ tiếp tục đề ra các nhiệm vụ như: (i) Cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp...

 

Với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01 nêu trên, có thể nói Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương “giảm chi phí cho doanh nghiệp” trong năm 2018.

 

Về giải pháp năm 2018 để giảm chi phí thường xuyên, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước: Cắt giảm chi phí thường xuyên, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta. 

 

Giảm đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2021; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế; rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế.

 

Vấn đề về tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã được Chính phủ nhận diện từ lâu. Kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã bước đầu đạt được kết quả khả quan. 

 

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, kết quả còn chậm so với kỳ vọng của Chính phủ và mức độ cạnh tranh ngày càng cao trong khu vực. Một trong những nguyên nhân chính là do các chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chưa được thực thi tốt và hiệu quả. 

 

Ở cấp độ doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng còn nhiều hạn chế trong việc nâng cao năng lực đổi mới công nghệ để chủ động tham gia liên kết với khu vực doanh nghiệp FDI. 

 

"Vấn đề cốt lõi là mỗi doanh nghiệp trong nước phải chủ động trong việc tận dụng các chính sách ưu đãi, lợi thế cạnh tranh để nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời phải có chiến lược tiếp cận những doanh nghiệp nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị", Thủ tướng nói. 

 

Đồng thời, chính sách đầu tư nước ngoài không tự động tạo ra liên kết và thúc đẩy việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp trong nước. 

 

Giải pháp tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI là đẩy mạnh thực thi các chính sách, giải pháp được ban hành thời gian qua về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển đủ khả năng trở thành đối tác, nhà cung cấp cho các Tập đoàn đa quốc gia...

 

Bên cạnh việc thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia, cần chú trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thứ cấp có năng lực cạnh tranh, có khả năng tham gia chuỗi sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao trong một số lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước còn yếu và thiếu; khuyến khích các doanh nghiệp FDI chủ động liên kết với doanh nghiệp trong nước, tìm ra mô hình hợp tác thích ứng với từng sản phẩm.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang