Thứ Sáu, 29/03/2024 18:58:13 GMT+7

Tin đăng lúc 18-11-2019

Lượt xem: 18426

2020, tiếp tục xuất khẩu thêm 2 triệu tấn than

Năm 2019, xuất khẩu than bị ế 800 nghìn tấn, chỉ bán được 1,2 triệu tấn trên tổng số hơn 2 triệu tấn được phép xuất khẩu. Năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị cho xuất trên 2 triệu tấn.
2020, tiếp tục xuất khẩu thêm 2 triệu tấn than
Năm 2020: Nhập khẩu 15 triệu tấn than, xin xuất khẩu trên 2 triệu tấn than tốt

Theo báo cáo của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), năm 2019 TKV được phép xuất khẩu 2 triệu tấn than. Nhưng khối lượng than xuất khẩu ước thực hiện năm 2019 khoảng 1,2 triệu tấn (bằng 59% kế hoạch).

 

Tổng công ty Đông Bắc được phép xuất khẩu 50 nghìn tấn, nhưng dự kiến chỉ bán được 10 nghìn tấn.

 

Đáng chú ý, đây là năm thứ 3 liên tiếp xuất khẩu không hết lượng than được Bộ Công Thương cho phép xuất. Trong hai năm 2017 và 2018, lượng than xuất khẩu cũng thấp hơn kế hoạch đặt ra do phía Trung Quốc từ chối.

 

Theo các đơn vị này, nguyên nhân chính của việc thực hiện xuất khẩu than năm 2019 thấp hơn kế hoạch là do thị trường xuất khẩu than truyền thống của TKV và Tổng công ty Đông Bắc chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khu vực châu Âu với yêu cầu cao về chất lượng than và tiến độ giao hàng.

 

Thời điểm đầu năm 2019, giá than thế giới ở mức cao, than xuất khẩu của Việt Nam có sức hấp dẫn với các nhà sử dụng nước ngoài. Tuy nhiên, đến tháng 5/2019 sau khi kế hoạch xuất khẩu than được thông qua, TKV và Tổng công ty Đông Bắc mới có cơ sở tổ chức thực hiện xuất khẩu than nên các đối tác truyền thống (đặc biệt là Nhật Bản) đã tìm kiếm nguồn than thay thế và ký kết các hợp đồng mua bán than trong năm 2019 với các nhà cung cấp khác.

 

“Đây cũng là thời điểm giá than thế giới có chiều hướng giảm nên việc tìm kiếm đối tác mới gặp nhiều khó khăn”, TKV cho biết.

 

Dù than xuất khẩu năm 2019 không đạt kế hoạch, nhưng 2 đơn vị kể trên tiếp tục đề nghị được xuất khẩu hơn 2 triệu tấn than vào năm 2020.

 

Theo báo cáo của TKV, Tổng công ty Đông Bắc, 2 đơn vị này đã rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ than năm 2020 theo nguyên tắc đảm bảo cung cấp tối đa than cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, ưu tiên trước hết cho sản xuất điện và chỉ xuất khẩu các loại than mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết.

 

Trong văn bản lấy ý kiến các bộ ngành, Bộ Công Thương bày tỏ đồng tình với kế hoạch xuất khẩu than năm 2020 của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc.

 

Theo Bộ Công Thương, năm 2020, TKV và Tổng công ty Đông Bắc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu các chủng loại than phù hợp, có giá cạnh tranh (dự kiến khối lượng than nhập khẩu của cả 2 đơn vị năm 2020 khoảng 15 triệu tấn) về pha trộn (pha trộn giữa các loại than nhập khẩu, giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước) để được các chủng loại than đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện, đảm bảo hiệu quả.

 

Bộ Công Thương phân tích: Theo dự báo của thị trường than thế giới (Global Coal, Platt…), giá xuất khẩu than tốt kể trên năm 2020 khoảng 3,2-3,3 triệu đồng/tấn.

 

Bộ Công Thương tính toán: Nếu xuất khẩu thì giá trị kinh tế thu về cao hơn (khoảng 45.000 - 215.000 đồng/tấn) so với tiêu thụ loại than này ở thị trường trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho ngành than.

 

Liệu việc xuất khẩu than có ảnh hưởng đến cấp than cho nhà máy điện không khi nhiều nhà máy trong nước "kêu" thiếu than?

 

Bộ Công Thương cho rằng khối lượng than đề nghị xuất khẩu như trên chỉ tương đương với nhu cầu than của 1 nhà máy điện có công suất khoảng 600 MW và chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 1,4%) so với dự kiến tổng công suất điện huy động toàn quốc năm 2020 (khoảng 41.828 MW).

 

“Do đó, việc xuất khẩu ảnh hưởng không lớn đến kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện  năm 2020 đang được Bộ Công Thương xem xét phê duyệt”, Bộ Công Thương nhận định.

 

Theo Vietnamnet


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang