Thứ Năm, 28/03/2024 17:46:53 GMT+7

Tin đăng lúc 27-01-2020

Lượt xem: 3132

3 công ty fintech sẽ thay đổi nền thanh toán tại Việt Nam

Thanh toán điện tử tại VN bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2019, với những khoản vốn ngoại khổng lồ rót vào. Trong bức tranh đó, có 3 công ty khởi nghiệp Việt góp phần lớn trong việc thay đổi bộ mặt nền thanh toán kỹ thuật số.
3 công ty fintech sẽ thay đổi nền thanh toán tại Việt Nam
Thanh toán điện tử tại VN bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2019

MoMo, ví điện tử số 1 Việt Nam

 

Xét về số lượng người dùng, MoMo đang nắm vị trí quán quân trong các ví điện tử tại Việt Nam, với gần 15 triệu người dùng, liên kết trực tiếp với 24 ngân hàng, 100.000 điểm chấp nhận thanh toán và hơn 12.000 đối tác cung cấp dịch vụ trong nước và quốc tế. Công ty khởi nghiệp thuần Việt này có công lớn nhất trong việc tạo ra thị trường ví điện tử, đồng thời hình thành và thúc đẩy thói quen thanh toán di động cho người dân.

 

Là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service), từ năm 2007, MoMo là sản phẩm ví điện tử đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Ở những năm 2010, để tạo thói quen tiêu dùng cho khách hàng, MoMo đã phải xây dựng chiến lược O2O (online to offline) vốn còn mới mẻ thời điểm đó. Công ty này liên kết hình thành một hệ thống cửa hàng MoMo trên toàn quốc để người dân chuyển tiền cho nhau, và nạp tiền vào “Ví MoMo” vẫn là khái niệm rất mới. Năm 2013, đơn vị này cũng tiên phong làm ứng dụng (application) cho ví điện tử trong bối cảnh Internet, 3G và smartphone của Việt Nam còn chưa phổ biến.

 

Tự nhận mình là một cánh tay nối dài của ngân hàng, MoMo len lỏi vào những khu vực địa lý ngân hàng chưa tiếp cận đến, đồng thời thu hút được nhóm khách hàng nhỏ mà ngân hàng chưa nhắm tới. Người dân có thể dùng MoMo để mua một tài khoản hay ứng dụng game trên các chợ ứng dụng, hoặc mua vé xem phim, vé máy bay, đặt phòng khách sạn, mua bảo hiểm… Với chiến lược này, MoMo đã được cài lên di động của hơn 10% dân số Việt Nam.

 

Hình thành thói quen tiêu dùng cho người dân từ những chi tiêu vụn vặt hàng ngày, MoMo tăng trưởng không ngừng và hiện nay bắt đầu tiếp cận được nhóm khách hàng rộng lớn hơn khi chính phủ đẩy nhanh chính sách thanh toán không tiền mặt.

 

Mới đây, MoMo là ví điện tử kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, ngay tiếp sau đó hợp tác với Trung tâm Hành chính công tỉnh Khánh Hoà để người dân có thể thanh toán phí các dịch vụ hành chính công qua ví điện tử. Việc tiếp cận theo hướng này sẽ giúp công ty khởi nghiệp Việt mở rộng khách hàng cực kỳ nhanh chóng. Ban lãnh đạo công ty đang xúc tiến để được trở thành trung gian thanh toán cho nhiều tỉnh thành khác. Đại diện Ví MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp (Phó Chủ tịch, đồng sáng lập) chia sẻ kỳ vọng năm 2020, 20% giao dịch của MoMo sẽ đến từ các dịch vụ công.

 

Phát triển theo hướng “siêu ứng dụng”, MoMo hiện cho người dùng thanh toán đa dịch vụ, từ vé máy bay, vé xe, thanh toán hoá đơn điện nước, mua thẻ cào,... đến thanh toán phí bảo hiểm, mua hàng trên các trang thương mại điện tử...

 

Payoo - nền tảng thanh toán số 1 Việt Nam

 

Khác với MoMo định hướng vào người dùng cuối, Payoo - sản phẩm của Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt (VietUnion) - lại nhắm vào khối doanh nghiệp. Payoo xây dựng nền tảng để các doanh nghiệp và đối tác xây dựng các sản phẩm và dịch vụ trên đó. Hiện nay, người dân đóng tiền điện nước, Internet, thanh toán bảo hiểm... tại gần như tất cả các cửa hàng tiện lợi, bưu cục, siêu thị bán hàng công nghệ... đều dựa trên nền tảng do Payoo xây dựng.

 

Tính đến đầu năm 2019, Payoo liên kết với hơn 10.000 điểm thanh toán trên toàn quốc, thanh toán trên 350 loại hóa đơn dịch vụ. Với lượng người dùng lớn và thường xuyên, tổng giá trị giao dịch qua Payoo đạt khoảng 3 tỷ USD/năm.

 

Một báo cáo không chính thức của Ngân hàng Nhà nước vào quý 2/2019 cho thấy, Payoo dẫn đầu thị trường Việt Nam so với các ví điện tử khác về tổng giá trị giao dịch, đứng thứ hai về số lượng giao dịch.

 

Cũng như MoMo được các quỹ ngoại rót những khoản vốn kỷ lục để mở rộng tập khách hàng, Payoo hồi năm 2011 cũng được Tập đoàn NTT Data (Nhật Bản) đầu tư. Với những cú hích này, công ty khởi nghiệp Việt đã có nhiều bước tiến vững chãi, tiếp cận được các đối tác khó như điện lực, công ty cấp nước, các nhà cung cấp dịch vụ Internet... để đơn giản hoá việc thanh toán hoá đơn.

 

Trước khi có Payoo, người dân khi cần đóng tiền điện, tiền nước, Internet, mua thẻ cào... phải đến các địa điểm khác nhau; hoặc nhân viên các nhà cung cấp này phải đến từng nhà khách hàng để thu tiền. Nhưng hiện nay, hầu hết dịch vụ đều có thể thanh toán tại chỉ một trong chục ngàn cửa hàng tiện lợi hay các siêu thị bán hàng ICT trên toàn quốc.

 

Mới đây nhất, Payoo triển khai xây dựng hệ thống thanh toán đa kênh tại một kết nối duy nhất. Tại 200 cửa hàng trong trung tâm mua sắm Aeon Mall Hà Đông, Payoo đã làm được việc cho thanh toán Zalo Pay, Ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab, thẻ quốc tế (Visa, MasterCard, JCB), thẻ ATM của tất cả các ngân hàng nội địa, thanh toán qua QR Code trên 21 ứng dụng của 18 ngân hàng trên một máy tính tiền duy nhất.

 

VNPay, công ty fintech “khủng” nhất Việt Nam năm 2019

 

Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) thành lập tháng 3/2007, cùng thời với MoMo và Payoo nhưng ít được biết đến hơn trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, VNPay nổi lên như một đơn vị cung cấp một mã QR (QR Code) duy nhất cho phép ứng dụng của hơn 40 ngân hàng có thể thực hiện giao dịch.

 

Thông thường, các ví như MoMo, ZaloPay, Payoo đều phát triển QR Code để người sử dụng dùng smartphone quét mã QR để trả tiền. Tuy nhiên vấn đề là mỗi đơn vị phát triển một mã QR khác nhau, dẫn đến tình trạng tại một quầy hàng có thể có nhiều QR Code khác nhau.

 

Tuy nhiên, VNPay đã nhảy vào xây dựng mã VNPay QR. Mã này cho phép ứng dụng của hơn 40 ngân hàng khác nhau có thể thanh toán được, tránh tình trạng mỗi ngân hàng tự xây dựng một mã QR. Có thể nói, VNPay đã tạo một cú hích lớn khi thống nhất được phương thức thanh toán QR ở đầu người dùng cuối.

 

Tháng 11/2019, công ty mẹ của VNPay công bố nhận được cam kết đầu tư lên tới 300 triệu USD, cao hơn bất kỳ công ty fintech nào tại Việt Nam. Khoản cam kết của SoftBank Vision Fund và quỹ GIC của Chính phủ Singapore biến VNPay thành tay chơi mới đáng gờm tại thị trường thanh toán đang nở rộ tại Việt Nam, hứa hẹn tạo đột phá mới trong thời gian tới.

 

Theo Vietnamnet

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang