Thứ Sáu, 19/04/2024 13:28:38 GMT+7

Tin đăng lúc 18-02-2018

Lượt xem: 1410

30 năm thu hút FDI: Nhìn lại và bước tiếp

Sau khi về đích sớm, vượt xa mục tiêu cả năm vào tháng 10 vừa qua (28 tỷ USD so với kế hoạch là 25 USD), đầu tư nước ngoài tiếp tục lập kỷ lục mới với 35 tỷ USD vốn đăng ký trong cả năm 2017 - cao nhất trong 10 năm trở lại đây. 
30 năm thu hút FDI: Nhìn lại và bước tiếp
Sản xuất vỏ ô tô xuất khẩu tại Casumina. 

Đặc biệt, vốn thực hiện cũng ở mức rất cao, ước khoảng 17 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Đó là những con số thật ý nghĩa khi mà năm 2017 chính là dịp kỷ niệm 30 năm kể từ khi triển khai thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài 1987. 

 

Nhân duyên tốt đẹp

 

“Phần thưởng lớn nhất mà Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài chính là sự khẳng định FDI là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam, thành công của FDI cũng là thành công của Việt Nam”, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nói với phóng viên.

 

Về phía Việt Nam, theo ông Võ Trí Thành, khu vực này có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện như GDP (trên 20%), sản lượng công nghiệp (trên 50%), kim ngạch xuất khẩu (gần 70%) và công ăn việc làm (cả trực tiếp và gián tiếp khoảng 12-13 triệu, theo một số nghiên cứu) và quan trọng hơn cả là “những bài học chính sách đáng giá”.

 

Chia sẻ quan điểm này, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư, kể rằng, năm 2011, ông được tham dự một sự kiện rất đặc biệt do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức.

 

Đó là lễ kỷ niệm 10 năm kết thúc hợp đồng hợp tác kinh doanh với Telstra (Australia), nghĩa là hợp đồng đó kết thúc vào năm 2001; là dịp mà VNPT bày tỏ sự cảm ơn đối với đối tác của mình. Ở thời điểm VNPT và Telstra hợp tác với nhau, Mỹ còn chưa bỏ cấm vận, vậy mà Telstra đã không ngần ngại đem đến Việt Nam những công nghệ thuộc loại tiên tiến nhất.

 

Quan trọng hơn, như lãnh đạo VNPT ghi nhận, Telstra đã giúp xây dựng được ở VNPT phương thức kinh doanh tiếp cận người tiêu dùng, đào tạo nhân lực, trong đó có nhiều người sau này nắm giữ những vị trí chủ chốt ở VNPT và đặc biệt là đã “nâng cấp” trình độ quản lý doanh nghiệp cho đối tác Việt Nam.

 

“Bên cạnh dòng ngoại tệ chảy vào, đây chính là những yếu tố mà chúng ta mong muốn ở đầu tư nước ngoài. Chất lượng của dòng vốn đầu tư thể hiện ở những yếu tố như thế, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, làm ấm nền kinh tế”, chuyên gia kỳ cựu về FDI nhận định. 

 

Phát huy nội lực

 

Dù đã có không ít câu chuyện ấm lòng mà Telstra chỉ là một ví dụ, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vẫn không quên lưu ý rằng, nhiều nghiên cứu cho thấy tác động lan tỏa về công nghệ, kỹ năng… của FDI ở Việt Nam còn yếu.

 

Nguyên nhân đến từ cả hai phía: có khi nhà đầu tư nước ngoài chưa đủ lòng tin để chuyển giao hết những kỹ năng và bí quyết kinh doanh; cũng có khi do còn hạn chế cả về quy mô lẫn năng lực mà các công ty trong nước không đủ khả năng tiếp nhận hiệu ứng lan tỏa tích cực đó.

 

Tương tự, từ góc nhìn vĩ mô, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Các luồng vốn nước ngoài cũng có thể gây ra rủi ro bất ổn, nói một cách đơn giản là khi có quá nhiều tiền thì không dễ gì tiêu hóa được”. 

 

Bằng chứng là ngay trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO, FDI cùng các dòng vốn khác ồ ạt đổ vào đã gây khó khăn cho chính sách tiền tệ, tăng áp lực lạm phát, thị trường chứng khoán và bất động sản. Hệ lụy là nghiêm trọng, nhất là khi thiếu những chính sách kinh tế vĩ mô đối ứng thích hợp”.

 

Đó là chưa kể một số dự án FDI sử dụng công nghệ không thân thiện môi trường hoặc vận hành bất chấp luật pháp về môi trường. Thảm họa môi trường biển miền Trung năm 2016 đã để lại dư âm buồn cho cả 2 quý đầu 2017.   

 

Phát biểu tại một diễn đàn được tổ chức tháng 12 vừa qua, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng nhận định, trong bối cảnh thế giới đã và đang chuyển đổi sâu sắc, đặc biệt là dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thiết kế hệ thống chính sách để “không chỉ thu hút, mà còn tối đa hóa hiệu quả FDI” là một thách thức đối với các cơ quan quản lý.

 

Vị Cục trưởng nêu ví dụ: “Giá một robot sử dụng trong ngành may mặc bây giờ chỉ khoảng 20.000 USD. Tôi được biết có doanh nghiệp trước đây sử dụng hàng ngàn công nhân, bây giờ sau khi “robot hóa” hầu hết các công đoạn chỉ còn vài chục người, mà công suất không hề giảm, thậm chí tăng. Thế thì thu hút FDI bằng nhân công kỹ năng đơn giản với giá thấp là không ăn thua nữa rồi”! 

 

Dù đã nhận diện rất rõ thách thức xây dựng và vận hành được một bộ lọc tốt, lựa chọn cho được những nhà đầu tư có thực tâm, thực lực; xây dựng và vận hành một nhà nước kiến tạo, liêm chính và phục vụ - như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh - song từ ý chí đến thực tế vẫn còn có khoảng cách rất xa.

 

Đây là nhận xét của những nhà đầu tư đến từ nhiều nền kinh tế, châu lục khác nhau tại các Diễn đàn Doanh nghiệp, Diễn đàn Phát triển cuối năm 2017.

 

Theo nhận định của cả các chuyên gia trong nước và nước ngoài, không chỉ năm 2017 hay năm 2018, mà đến những năm 2022, 2023… Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài.

 

Tuy nhiên, triển vọng tốt đẹp có thành hiện thực hay không còn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của Chính phủ. Cũng không thể thiếu nỗ lực tự thân của chính các doanh nghiệp hai bên trong chặng đường tiến về phía trước.

 

Những mốc thời gian đáng nhớ 

- Tháng 12-1987: Ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thu hút được 213 dự án, tổng vốn đăng ký 1,793 tỷ USD.

- Tháng 6-1990: Sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài lần đầu tiên; tháng 12-1992: Sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài lần thứ hai. Thu hút đầu tư nước ngoài đã nâng lên 459 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 5,28 tỷ USD. Trong giai đoạn này, vốn FDI tăng tốc, làn sóng đầu tư thứ nhất bắt đầu.

- Năm 1996: Sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư nước ngoài 1996. Do tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực, nhịp tăng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện năm 1997 tăng 25%, nhưng năm 1998 đã giảm 40%, năm 1999 giảm tiếp 22%.

- Năm 2000: Tiếp tục sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài. Thu hút FDI năm này tiếp tục chậm lại, chỉ đạt 2,838 tỷ USD.

- Năm 2005: Ban hành Luật Đầu tư chung, thay thế Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Đầu tư trong nước. Vốn FDI tăng mạnh trở lại, làn sóng đầu tư thứ hai bắt đầu. Năm 2005, thu hút được 6,839 tỷ USD.

- Năm 2014: Sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư 2014, tạo một bước đột phá về tư duy, bởi từ nay, doanh nghiệp và nhà đầu tư được làm những gì mà pháp luật không cấm. Làn sóng đầu tư thứ ba bắt đầu. Năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dự kiến vượt 35 tỷ USD.

 

 

Nguồn Báo Sài Gòn giải phóng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang