Thứ Năm, 28/03/2024 15:58:29 GMT+7

Tin đăng lúc 26-11-2020

Lượt xem: 804

4 nguy cơ có thể khiến dịch Covid-19 xâm nhập Việt Nam

Việt Nam đang ở vùng trũng, vì vậy, nhiều người có thể trở thành bệnh nhân mang virus SARS-CoV-2 lây lan ra cộng đồng nếu chúng ta lơ là phòng dịch.
4 nguy cơ có thể khiến dịch Covid-19 xâm nhập Việt Nam

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Việt Nam đang đối mặt mối nguy rất lớn. Sau giai đoạn chống dịch đợt 2, Việt Nam trải qua hơn 3 tháng không có ca mắc trong cộng đồng. Tuy nhiên, bệnh nhân 416 đã xuất hiện ở Đà Nẵng, kết thúc chuỗi 99 ngày.

 

Trao đổi với Zing về nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, các chuyên gia dịch tễ và điều trị Covid-19 bày tỏ lo lắng chúng ta đang ở vùng trũng, ca nhập cảnh và bệnh nhân trong nước đều có thể trở thành nguồn mang virus.

 

Ai có thể trở thành nguồn lây bệnh?

 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết hiện nay, nhu cầu giao lưu qua lại giữa khu vực biên giới ngày càng nhiều. Nguồn nhập cảnh lậu là mối nguy rất lớn.

 

Theo thống kê tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới”, Bộ Y tế cho biết chúng ta có 20.161 trường hợp nhập cảnh trái phép, 8.340 người Việt được các nước trao trả qua cửa khẩu. Riêng trong ngày 23/11, cơ quan chức năng đã phát hiện 80 người nhập cảnh trái phép.

 

“Nếu có nguồn lây từ bên ngoài vào không được kiểm soát tốt, việc nhiễm chồng chéo trong cộng đồng có thể xảy ra. Điều này là thách thức rất lớn cho Việt Nam và vai trò của lực lượng kiểm soát biên giới”, bác sĩ Khanh cho biết.

 

Ngoài ra, chuyên gia này nhận định một mối nguy cơ tiềm ẩn hiện nay là khu cách ly có trả phí tại khách sạn. Cách đây không lâu, người dân Hà Nội lo lắng về việc hai nhân viên khách sạn phải cách ly tập trung do tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19. May mắn, hai người này âm tính với nCoV.

 

“Việc quản lý người cách ly, các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo hộ tại khu vực này không chặt chẽ như cơ sở y tế. Vấn đề theo dõi sức khỏe, thiết kế lối đi riêng cho người cách ly, xử lý chất thải… còn lỏng lẻo. Nhân viên tại khách sạn cách ly phải được huấn luyện chặt chẽ. Trong thời gian chờ xét nghiệm, tất cả chuyên gia phải được xem là người có virus và cách ly nghiêm ngặt”, bác sĩ Khanh khẳng định.

 

Cùng bày tỏ lo lắng về vấn đề này, một chuyên gia điều trị Covid-19 tại TP.HCM, chia sẻ hiện tại, các chuyến bay quốc tế và cứu hộ công dân ngày càng đông đúc. Họ là những người từ nước ngoài - nơi đang có ổ dịch.

 

Sau 14 ngày cách ly, cơ quan chức năng chưa giám sát triệt để được nhóm người này do họ di chuyển rất nhiều nơi. Chúng ta từng ghi nhận nhiều trường hợp từ Việt Nam sang nước ngoài có xét nghiệm dương tính. Điều này chứng tỏ có sự tồn tại của kháng thể.

 

“Giả thuyết có thể đặt ra là họ từng nhiễm nCoV nhưng không biểu hiện triệu chứng cụ thể. Lúc này, sự lây nhiễm có thể âm ỉ diễn ra trong cộng đồng”, chuyên gia này cho biết thêm.

 

Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Khanh chia sẻ thêm bệnh viện cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ cao. Nếu trường hợp nhiễm virus không được phát hiện sớm, những người này sẽ vào bệnh viện khi có triệu chứng. Điều này đặt ra vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện, lấy mẫu, cách ly tại cơ sở khám, chữa bệnh.

 

"Người trong bệnh viện buộc mang khẩu trang, không để người nghi ngờ đến các khoa bệnh nặng. Bệnh viện ở Đà Nẵng là bài học kinh nghiệm điển hình”, ông nhận định.

 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nhận định thời tiết cuối năm là điều kiện thuận lợi phát sinh nhiều siêu vi gây bệnh đường hô hấp. Do đó, việc giữ vệ sinh, xét nghiệm tầm soát càng phải thực hiện nghiêm do số lượng bệnh nhân hô hấp rất đông.

 

“Triệu chứng của Covid-19 tương tự các dấu hiệu cảm, cúm. Do đó, nó có thể đánh lừa chúng ta. Việc vô tình bỏ qua ca nhiễm có thể khiến nhiều người trong phòng bệnh, khoa điều trị, thậm chí cả bệnh viện bị nhiễm virus và nguy hiểm hơn là lọt ra cộng đồng”, bác sĩ Nam nói.

 

Ông cũng bày tỏ lo lắng khi người dân Việt Nam đang trở lại cuộc sống bình thường như giai đoạn trước dịch, các bệnh viện, người dân có sự lơ là trong phòng chống dịch cơ bản.

 

“Ở nơi cộng đồng, người dân đang có sự chủ quan. Bộ Y tế dù đã ra thông điệp 5K (khẩu trang - khoảng cách - khử khuẩn - không tụ tập - khai báo y tế), nhưng không được tuân thủ triệt để. Mặc dù quy định phạt tiền khi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng được đưa ra, công tác xử lý vi phạm vẫn chưa triệt để”, bác sĩ Nam nói thêm.

 

Vaccine chưa phải là tất cả

 

Nhận định về diễn biến dịch bệnh tại các nước ôn đới và trong nước, bác sĩ Khanh cho biết chỉ đến khi có vaccine Covid-19, tình hình này mới được cải thiện. Nguyên nhân là các nước này có mức độ lây lan rất cao, việc cách ly chỉ mang tính chất tạm thời, làm chậm sự lây lan, giảm gánh nặng cho khối điều trị do nguồn virus và người mang mầm bệnh quá lớn. Ngoài ra, văn hóa khẩu trang, rửa tay của các nước cũng không giống Việt Nam.

 

“Miễn dịch cộng đồng chỉ có thể đạt được khi mức độ lây nhiễm là 70% dân số. Do đó, việc chờ đến miễn dịch cộng đồng đối với virus SARS-CoV-2 là chưa thể. Việt Nam chỉ có thể thở phào yên tâm khi tình hình dịch trên thế giới ổn định và có vaccine. Nếu không, chúng ta phải luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

 

Nhận định về tương lai vaccine Covid-19 tại Việt Nam, bác sĩ Khanh cho rằng nếu thử nghiệm thành công, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp cận được bằng nhiều giải pháp. Các nghiên cứu vaccine trong nước cuối năm 2021 có thể triển khai. Ông khẳng định Việt Nam có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu vaccine. Do đó, người dân có thể lạc quan và tin tưởng “vaccine made in Vietnam”.

 

“Vaccine cần có thời gian nhất định để phát huy tác dụng bảo vệ. Cộng đồng cũng cần có thời gian nhất định để đạt được độ bao phủ vaccine. Do đó, vaccine Covid-19 thử nghiệm thành công vẫn chưa phải là tất cả, chúng ta phải kết hợp các biện pháp phòng vệ cá nhân”, bác sĩ Khanh nói thêm.

 

Việt Nam có kinh nghiệm chống dịch

 

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, người điều trị cho bệnh nhân 91 (43 tuổi, phi công người Scotland) giai đoạn 1, cho rằng trải qua nhiều đợt bùng phát dịch, y tế Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong dự phòng và điều trị.

 

Việc khởi động khoanh vùng, năng lực xét nghiệm Covid-19 tại Việt Nam đang thực hiện khá tốt. Do đó, trong mùa đông sắp tới và Tết Nguyên đán, chúng ta không cần quá lo lắng nếu luôn sẵn sàng tâm thế phòng dịch.

 

Bác sĩ Khanh cho biết ngành y tế đang thực hiện nhiều giải pháp để phòng dịch bệnh sau gần 3 tháng không ghi nhận ca mắc mới. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất xét nghiệm mẫu thử thức ăn nhập khẩu từ nước có dịch bệnh cao. Đây cũng là vấn đề đáng lưu tâm khi một số nước trên thế giới đã triển khai phương pháp này.

 

“Từ khi tiếp nhận điều trị bệnh nhân 91, ngành y tế có nhiều kinh nghiệm khi tiếp nhận ca bệnh nặng. Tuy nhiên, nếu bùng phát dịch số lượng lớn, nhiều ca bệnh nặng, chưa chắc ngành y tế của chúng ta có thể gánh nổi. Điều này đòi hỏi người dân và toàn xã hội cùng chung tay”, bác sĩ Phong nói.

 

Theo Zing


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang