Thứ Năm, 25/04/2024 08:16:24 GMT+7

Tin đăng lúc 24-07-2014

Lượt xem: 4002

5 năm cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn thành phố Hà Nội

Từ năm 2009 đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động hàng năm gắn với các nhiệm vụ cụ thể của Ngành. Đồng thời, chủ động phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo cuộc vận động của Tp. Hà Nội, các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn Thủ đô triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
5 năm cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn thành phố Hà Nội

Để Cuộc vận động không mang tính hình thức, Sở tập trung tuyên truyền cuộc vận động tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, các đơn vị trực thuộc Sở, các doanh nghiệp lĩnh vực công thương trên địa bàn thành phố, với nhiều nội dung, hình thức thích hợp, từng bước thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn. Hằng năm, chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” được triển khai thường xuyên trên địa bàn Thành phố; Sở đã chủ trì, phối hợp với Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo hàng Việt, gắn kết nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Thông tin cho các doanh nghiệp Hà Nội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước; Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức thông tin báo chí Trung ương và Hà Nội về tình hình triển khai thực hiện cuộc vận động.

 

Các chương trình, đề án đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng đã được thành phố và các doanh nghiệp chủ động triển khai thực hiện, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô; Hàng năm, Sở Công Thương đều xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Tp. Hà Nội. Riêng năm 2009, Sở đã chỉ đạo Tổng công ty Thương mại và các đơn vị thành viên thực hiện 20 chuyến bán hàng nông thôn. Qua từng năm, số lượng các doanh nghiệp tham gia chương trình đã tăng lên đáng kể, được tổ chức tốt hơn thông qua các hình thức: Phiên chợ Việt; Bán hàng nông thôn tại các huyện, thị xã; Bán hàng lưu động và bán hàng chính sách phục vụ các xã miền núi; Tổ chức các trung tâm thương mại lưu động bán hàng bình ổn giá tại các quận, huyện; Tổ chức các Trung tâm thương mại bán hàng liên kết trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại giữa Hà Nội và 7 tỉnh Tây Bắc” tại tỉnh Sơn La và Lào Cai. Trong năm 2013, Hà Nội đã tổ chức 38 chuyến bán hàng phiên chợ Việt và 526 chuyến bán hàng lưu động; tổ chức triển khai bán hàng miền núi phục vụ bà con tại 13 xã của 4 huyện: Thạch Thất, Mỹ Đức, Quốc Oai và Ba Vì trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Trong 06 tháng đầu năm 2014 đã tổ chức được 05 phiên chợ Việt phục vụ công nhân tại các Khu công nghiệp và chế xuất. Chương trình tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan báo đài Trung ương và địa phương. Nhờ đó, mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện, góp phần đưa hàng Việt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân, người lao động được mua sắm và hưởng các dịch vụ chăm sóc khách hàng có chất lượng, giá cả hợp lý.

 

 

Bên cạnh đó, Sở còn tổ chức thành công Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hanoi Gift Show hàng năm; Hội chợ hàng Việt Nam Tp. Hà Nội năm 2013; Tổ chức chương trình “Sinh viên với khuyến mại giảng đường”; Chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội vào tháng 11 hàng năm; Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể xúc tiến thương mại trọng điểm trên địa bàn Thành phố. Tạo điều kiện để các thương nhân đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn: Hàng năm, các doanh nghiệp tổ chức từ 120 đến 200 hội chợ, triển lãm thương mại và gần 10.000 chương trình khuyến mại trên địa bàn thành phố.

 

Để người tiêu dùng Thủ đô quan tâm sử dụng ngày càng nhiều hơn các sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, Hà Nội cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam của Nhà nước để trục lợi, kinh doanh, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là hàng hóa nhập lậu giá rẻ từ nước ngoài để gắn nhãn mác của các nhà sản xuất trong nước có uy tín trên thị trường nhằm thu lợi bất chính, ảnh hưởng đến uy tín các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Tính từ năm 2009 đến tháng 5/2014, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 42.430 vụ, số vụ đã xử lý 39.893 vụ. Tổng số thu 335,6 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính trên 101,4 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu 151,2 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy 83 tỷ đồng.

 

Cùng với các giải pháp trên, Sở Công Thương Hà Nội đã huy động, động viên các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn như Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thống Nhất, Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp... phát huy vài trò, trách nhiệm tiên phong trong việc hưởng ứng tham gia cuộc vận động. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất kinh doanh các mặt hàng có chất lượng, thương hiệu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng nhằm động viên kịp thời các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích cao trong thực hiện cuộc vận động...

 

Qua việc triển khai các nội dung thực hiện cuộc vận động, nhận thức của cộng đồng người dân trên địa bàn Thành phố đối với hàng Việt Nam (nhất là địa bàn vùng nông thôn, các xã miền núi) đã được nâng lên rõ rệt, thể hiện bằng việc mua sắm, tiêu dùng hàng Việt chiếm tỷ lệ cao...; nhiều giải pháp về quản lý nhà nước, tạo môi trường hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hệ thống phân phối cố định và bền vững, tiêu thụ hàng hóa. Qua đó, các doanh nghiệp đã thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, với xã hội, coi đó là văn hoá, là đạo đức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt.

                                                  

                                                                                                     Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội      

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang