Thứ Bẩy, 20/04/2024 12:51:59 GMT+7

Tin đăng lúc 16-07-2015

Lượt xem: 4239

5 năm thực hiện chỉ thị 494/CT-TTG: Tạo đà cho sản xuất trong nước phát triển

Sau 5 năm đi vào thực tế, Chỉ thị 494/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả của chủ trương đúng đắn này, các bộ, ngành và chính các doanh nghiệp (DN) cần tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp.
5 năm thực hiện chỉ thị 494/CT-TTG: Tạo đà cho sản xuất trong nước phát triển
Ảnh minh họa

Tạo chuyển biến tích cực

 

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 494/CT-TTg về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Để đưa Chỉ thị 494 đi vào cuộc sống, các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản pháp luật quan trọng. Riêng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-BCT ngày 26/8/2010 cùng nhiều văn bản khác nhằm quán triệt tinh thần thực hiện Chỉ thị 494 tới các đơn vị thuộc Bộ và các tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc ngành Công Thương. Đặc biệt, Bộ đã ban hành Danh mục các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được gồm khoảng 215 sản phẩm, nhóm sản phẩm.

 

Nhờ vậy, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 494, các đơn vị, các DN ngành Công Thương đã nâng cao tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước, góp phần giảm chi phí sản xuất- kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, tăng cường kết nối hợp tác trong và ngoài ngành, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án. Các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị xem xét tiêu chí lựa chọn dựa trên nguyên tắc hình thành những gói thầu sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được; thúc đẩy sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

 

Việc thực hiện Chỉ thị 494 đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm mới thay thế hàng nhập khẩu. Các đơn vị đã triển khai nghiêm túc Chỉ thị 494, tạo được nhận thức sâu rộng từ tập đoàn, tổng công ty đến các DN thành viên và lãnh đạo các DN thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích quốc gia trong việc sử dụng hàng hóa trong nước; bước đầu thay đổi nhận thức của các chủ đầu tư, các DN về máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, đặc biệt trong các DN sử dụng vốn nhà nước.

 

Đối với các DN có yêu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, lãnh đạo DN đã quan tâm và thực hiện một cách chủ động, nghiêm túc những giải pháp ưu tiên sử dụng ngày càng nhiều hàng hóa trong nước trong sản xuất- kinh doanh và các dự án đầu tư.

 

Các DN sản xuất hàng hóa trong nước đã đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành đối với công tác tăng cường việc sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được và tham gia cùng với Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện chủ trương này. Chính sách này đã có những tác động tích cực đến tình hình sản xuất- kinh doanh của DN, một số DN có sản phẩm trong Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được có cở sở thuận lợi hơn khi tham gia đấu thầu bán các sản phẩm của mình trong các dự án có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và xã hội. Bên cạnh đó, các DN trong ngành Công Thương và các doanh nghiệp cơ khí đã và đang tích cực triển khai các hoạt động tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để cung ứng cho thị trường trong nước các sản phẩm máy móc, thiết bị bảo đảm chất lượng, đáp ứng được những nhu cầu của thị trường trong nước.

 

Những nút thắt cần tháo gỡ

 

Mặc dù việc sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, máy móc, thiết bị sản xuất trong nước đã có chuyển biến tích cực, nhưng do chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã của các sản phẩm, hàng hóa trong nước còn chưa đáp ứng tốt các yêu cầu của chủ đầu tư, đặc biệt là các sản phẩm kỹ thuật cao, nên hiệu quả thực hiện Chỉ thị 494 chưa được như kỳ vọng.

 

Thêm vào đó, cơ chế, chính sách cũng còn một số hạn chế như: Thiếu hàng rào kỹ thuật (nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến tiêu chuẩn tiêu hao năng lượng, bảo vệ sức khỏe người sử dụng...) đối với các hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm cơ khí. Việt Nam cũng chưa có các chính sách hỗ trợ đối với DN sản xuất máy móc, thiết bị trong nước sản xuất được, cũng như chưa có chính sách hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, mua bán bản quyền thiết kế... Những yếu tố này đã hạn chế sức lan tỏa của Chỉ thị 494.

 

Ngoài ra, thực tế triển khai Chỉ thị 494 trong 5 năm qua cũng bộc lộ một số thách thức như: Khó khăn trong việc chia nhỏ gói thầu; nhiều hồ sơ mời thầu đặt điều kiện tiên quyết ưu tiên cho hàng nhập ngoại, loại bỏ hàng sản xuất trong nước... Thực tế, nhiều chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước nhưng trong hồ sơ mời thầu lại yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước phát triển như G7 hoặc từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan... hoặc quy định sản phẩm phải nhập khẩu đồng bộ, nguyên chiếc, gây cản trở đối với hàng hóa sản xuất trong nước và hạn chế sự tham gia của nhà sản xuất, cung ứng nội địa.

 

Thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp

 

Hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đang và sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng ẩn chứa nhiều thách thức cho nền kinh tế nói chung và các DN nói riêng, đặc biệt là về khả năng cạnh tranh của hàng Việt. Do vậy, nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị 494 trong thời gian tới có ý nghĩa tối quan trọng trong việc thúc đẩy nội lực kinh tế đất nước.

 

Để làm được điều đó, tất cả các cơ quan nhà nước, các DN cần thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục quán triệt, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các DN thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 494, góp phần hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Là nhân tố then chốt trong việc phát huy hiệu quả Chỉ thị 494, các DN sản xuất trong nước phải không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả cạnh tranh... để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ đó, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các khách hàng có nhu cầu sử dụng. Đồng thời, các DN cần tăng cường đội ngũ nhân lực trình độ cao, đầu tư trang thiết bị công nghệ và cải tiến quản lý. Hơn nữa, trong công tác đấu thầu lựa chọn sản phẩm, cần nghiêm túc sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được theo danh mục của Bộ Công Thương đã ban hành.

Bên cạnh đó, nhà nước cần tạo điều kiện tối đa để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghiệp trong nước. Trước mắt, Chính phủ cần ban hành các chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển một số ngành quan trọng như: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao...

 

Cần tiếp tục quán triệt, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các DN thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 494, góp phần hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang