Thứ Sáu, 29/03/2024 13:21:40 GMT+7

Tin đăng lúc 04-07-2015

Lượt xem: 4224

6 tháng đầu năm 2015: Sản xuất công nghiệp có sức phục hồi mạnh

Sáng ngày 1/7/2015, Bộ Công Thương tổ chức Giao ban trực tuyến sơ kết tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm 2015 tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì buổi họp. Tham dự buổi giao ban trực tuyến còn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Tổng công ty, Tập đoàn thuộc Bộ Công Thương và lãnh đạo các Sở Công Thương.
6 tháng đầu năm 2015:  Sản xuất công nghiệp có sức phục hồi mạnh

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chủ trì buổi giao ban

 

Phát biểu tại buổi giao ban, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, buổi giao ban trực tuyến sơ kết tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ Công Thương nhằm nhìn nhận, đánh giá những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015, đồng thời các đơn vị cũng cần phải nêu ra được những phát sinh, tồn tại. qua đó hướng đến tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình trong 6 tháng cuối năm, nhằm hoàn thành cao nhất các mục tiêu mà Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương.

 

Xuất khẩu sẽ đạt mục tiêu đề ra trong năm 2015

 

Giao ban trực tuyến sơ kết tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm 2015

 

Báo cáo sơ kết tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm 2015, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2015 có xu hướng phục hồi rõ rệt. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ một số năm gần đây.

 

Về tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 9,53% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ của một số năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao với 9,95%, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung (đóng góp 1,57 điểm phần trăm); ngành khai khoáng tăng 8,18% (cùng kỳ năm trước giảm 1,13%).

 

Tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá, tồn kho ở mức thấp hơn cùng kỳ, đây là dấu hiệu cho thấy sản xuất trong nước tiếp tục xu hướng phát triển.

 

Nguyên nhân của những kết quả đạt được trên là do Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng  hàng Việt Nam" và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tiếp tục được triển khai đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao sức mua trong nước, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy xuất khẩu, đảm bảo nhập khẩu một cách hợp lý, đồng thời khuyến khích việc sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, chú trọng phát triển thị trường nông thôn, miền núi, hải đảo... cũng là những nhân tố góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, tác động tích cực đến sản xuất ngành công nghiệp.

 

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch

 

Theo báo cáo tại buổi họp, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng khoảng 9,3% so với năm 2014, tương đương 6,6 tỷ USD. Trong đó các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 29,4%, ước đạt hơn 22 tỷ USD, giảm 2,9%. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 67,8% ước đạt hơn 52 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2014.

 

Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước đạt gần 81,5 tỷ USD, tăng khoảng 17,7% so với năm 2014, tương đương 12,3 tỷ USD. Trong đó khối doanh nghiệp trong nước đạt 32,7 tỷ USD, chiếm 40%, tăng 7,7%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 48,8 tỷ USD, chiếm 60%, tăng 25,5% so với năm 2014. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại, linh kiện điện thoại đều tăng cao.

 

Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt hơn 10 tỷ USD, chiếm 12,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt là các mặt hàng thuỷ sản ước đạt 3 tỷ USD, giảm 14,5%; cà phê ước 1,4 tỷ USD, giảm 34,8%; gạo ước 1,3 tỷ USD, giảm 8,9% và cao su ước đạt 464 triệu USD, giảm 5,2%, v.v...

 

Giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản và khoáng sản giảm đã ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

 

Ông Nguyễn Tiến Vỵ cũng cho biết, xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản đã tăng cao trong năm 2014 nhưng do đã đến ngưỡng về năng lực sản xuất nên khó có khả năng tiếp tục tăng trường. Một số mặt hàng của nhóm nông, thuỷ sản như gạo, cà phê, hạt tiêu, chè, thuỷ sản có lượng xuất khẩu giảm, một mặt do yếu tố thời vụ nhưng mặt khác cũng cho thấy sự khó khăn trong tiêu thụ, điều này cần được lưu ý theo dõi để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp.

 

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu

 

Liên quan đến xuất nhập khẩu, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, dù kinh tế thế giới đã có sự hồi phục, nhưng xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn cung tăng, dẫn đến khó khăn khác về giảm giá, cạnh tranh. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực cũng đang gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Trong 5 tháng đầu năm, trừ Nhật Bản có tăng trường tốt, còn Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia đều có mức tăng trưởng xuất khẩu thấp. Dự báo trong 6 tháng cuối năm, Việt Nam có thuận lợi với các thị trường mới mở ra, hội nhập sẽ khiến làn sóng doanh nghiệp nước ngoài vào tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên nếu không có các giải pháp kịp thời về vốn cho trung và dài hạn, lãi suất, hỗ trợ cho doanh nghiệp… thì trong 6 tháng tới thực hiện mục tiêu về xuất khẩu sẽ còn hạn chế nhất định.

 

Mặc dù xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn, nhưng với những tín hiệu tích cực từ thị trường như hiện nay cùng với những giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, ông Phan Văn Chinh cho rằng sẽ đạt được chỉ tiêu đưa xuất khẩu đạt 10% và giữ nhập siêu ở mức 5% như kế hoạch đã đề ra cho năm 2015.

 

Doanh thu hợp nhất của PVN tháng 6/2015 giảm

 

Tại buổi giao ban trực tuyến, ông Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, ngành dầu khí đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất đề ra. Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tiếp tục được triển khai theo kế hoạch. Tính đến hết tháng 5 năm 2015, PVN đã tiến hành thi công 13 giếng khoan thăm dò, thẩm lượng, trong đó có 8 giếng khoan đã kết thúc, 1 giếng khoan treo giếng tạm thời và 4 giếng khoan đang thi công. Tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 6 đạt 2,54 triệu tấn, tăng 13,6% so với kế hoạch. Tính chung 6 tháng đạt 14,9 triệu tấn, vượt 1,23 triệu tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

Ông Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

 

Về sản lượng khai thác dầu thô, tháng 6 tập đoàn đã khai thác được 1,59 triệu tấn, nếu tính 6 tháng đạt 9,26 triệu tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai thác dầu thô trong nước 6 tháng đạt 8,38 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Khai thác khí đạt 5,53 tỷ mét khối. Ngoài ra, sản xuất xăng dầu đạt 3,48 triệu tấn. Sản xuất điện đạt 14,49 tỷ kWh; sản xuất đạm đạt 797.000 tấn.

 

Tuy nhiên, ông Đỗ Chí Thanh cũng cho biết, mặc dù các chỉ tiêu về sản xuất đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng doanh thu hợp nhất của Tập đoàn trong 6 tháng năm 2015 giảm do tác động của giá dầu thô. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất của PVN trong nửa đầu năm đạt 168.000 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2014 và lợi nhuận sau thuế đạt 23.600 tỷ đồng. Ông Thanh lý giải, tuy sản lượng khai thác dầu, khí, đạm... đều tăng nhưng do giá dầu thấp đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn. Trong 6 tháng giá dầu dao động từ 63-65 USD/thùng thấp hơn mức dự tính từ đầu năm là 100 USD/thùng. Lãnh đạo PVN cũng chia sẻ, trong năm nay Tập đoàn sẽ khai thác dầu vượt 1 triệu tấn so với kế hoạch từ đầu năm nhằm đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mà Chính phủ giao.

 

 

Ghi nhận ý kiến của PVN, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, việc khai thác dầu có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất công nghiệp và kinh tế nói chung. Khi xây dựng kế hoạch cho năm 2015, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 6,2% đã tính kế hoạch khai thác dầu thô trong nước khoảng 14,74 triệu tấn và dự kiến giá dầu thô là 102 USD/thùng (tương đương 700 USD/tấn). Tuy nhiên, do giá dầu từ đầu năm đã giảm mạnh so với dự kiến từ đầu năm nên trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ 6 tháng đầu năm đã giao cho Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch giao nhằm khai thác dầu vượt kế hoạch từ đầu năm. Con số mà PVN đưa ra còn phải cân nhắc thêm nữa.

 

EVN nhanh chóng khắc phục sự cố ở Nhiệt điện Vĩnh Tân 2

 

Báo cáo thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm cũng như nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, tình hình sản xuất cung ứng điện của Tập đoàn ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho các hoạt động văn hóa xã hội, sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Hệ thống điện được vận hành đạt hiệu quả kinh tế, khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than, huy động các nguồn nhiệt điện dầu phục vụ công tác lưới, chống quá tải, giữ điện áp…, vận hành hợp lý các nhà máy thủy điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đồng thời đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho hạ du.

 

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

 

Sản lượng điện 6 tháng đầu năm ước đạt trên 75,6 tỷ kWh, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Điện thương phẩm 6 tháng ước đạt 68,4 tỷ kWh, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Về nguồn điện, đã hòa lưới phát điện 5 tổ máy với tổng công suất 2.654 MW, gồm: Nhiệt điện Mông Dương 1, Nhiệt điện Duyên Hải 1 và Tổ máy 2 nhiệt điện Ô Môn. Hoàn thành đưa vào vận hành các công trình quan trọng để đảm bảo cấp điện trong các tháng mùa khô năm 2015.

 

Theo ông Nguyễn Tài Anh, trong tháng 5 và tháng 6, do tình hình nắng nóng kéo dài khiến cho nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đã có một số khiếu nại của người dân liên quan chủ yếu đến lĩnh vực công khai, minh bạch ghi chỉ số và chỉ số lũy tiến trong cách tính giá điện, EVN đã thực hiện công tác truyền thông, giải thích cho người dân hiểu, công khai, minh bạch kiểm soát ghi công tơ hàng tháng đến người dân, đồng thời giải thích cho người dân hiểu về biểu giá điện căn cứ theo văn bản quy phạm theo quy định, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương đã đề ra.

 

 

Đối với sự cố ô nhiễm tại Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, EVN đã nhận trách nhiệm, đồng thời chân thành cáo lỗi với chính quyền, nhân dân khu vực bị ảnh hưởng và nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đồng thời, EVN đã sử dụng các biện pháp cấp bách xử lý phát tán bụi ra môi trường và được tiến hành rất khẩn trương theo đúng cam kết với chính quyền và nhân dân địa phương, hạn chế đáng kể tình trạng phát tán bụi ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. EVN cũng đã đưa ra hàng loạt các giải pháp bảo vệ môi trường lâu dài.

 

Ông Nguyễn Tài Anh cũng khẳng định, 6 tháng cuối năm, EVN sẽ tiếp tục đảm bảo ổn định cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như phục vụ đời sống của người dân đồng thời đề ra được các phương án nhằm sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết. Đồng thời, sẽ đưa vào vận hành các công trình trọng điểm theo đúng tiến độ đã đề ra.

 

Tiếp thu các ý kiến tại buổi giao ban, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tất cả các đơn vị thuộc Bộ Công Thương để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong 6 tháng đầu năm 2015. Đồng thời, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, 6 tháng đầu năm, bối cảnh khó khăn nhưng công nghiệp và thương mại góp phần giữ ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2 % năm 2015.

 

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra cho hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, cần tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất. Tập trung vào phát triển sản xuất công nghiệp nhằm tăng năng lực sản xuất trong năm 2016 và những năm tiếp theo; thực hiện các chính sách, giải pháp để phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm; Khẩn trương hoàn thành Nghị định về công nghiệp hỗ trợ nhằm triển khai khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thực hiện chương trình Nhận diện thương hiệu Việt và đề nghị các Sở Công Thương tiếp tục mở rộng thêm điểm bán hàng Việt đi đôi với quản lý chất lượng; Làm tốt hơn nữa công tác chống buôn lậu, hàng giả, kém chất lượng trong 6 tháng cuối năm. Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cũng như tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang