Thứ Sáu, 26/04/2024 01:50:11 GMT+7

Tin đăng lúc 24-07-2020

Lượt xem: 1113

7 nhiệm vụ lớn trong phòng chống tội phạm, buôn lậu

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ 7 nhiệm vụ lớn trong phòng chống tội phạm, buôn lậu.
7 nhiệm vụ lớn trong phòng chống tội phạm, buôn lậu
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia). Ảnh: VGP/Lê Sơn

Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) sáng 23/7, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cơ bản đồng ý với các nội dung báo cáo của Bộ Công an, Bộ Tài chính, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề lớn.
 

Theo Phó Thủ tướng, trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị tác động rất bất lợi của đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta đã duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, kinh tế không bị rơi vào suy thoái, tốc độ tăng trưởng tuy thấp nhất trong nhiều năm nhưng là mức tăng thuộc nhóm cao nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Những thành tích nổi bật trên có sự đóng góp quan trọng của BCĐ 138/CP, BCĐ 389 quốc gia và các lực lượng chức năng từ Trung ương đến cơ sở.

 

Về công tác phòng, chống tội phạm, đã tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân; ban hành nhiều chủ trương, văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành cùng tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm. Kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 8,4% số vụ tội phạm xâm phạm trật tự an toàn, xã hội so với cùng kỳ năm 2019. Điều tra khám phá nhiều chuyên án lớn, đặc biệt là tội phạm liên quan đến băng nhóm tín dụng đen, xã hội đen, nhiều vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao… như băng nhóm do Nguyễn Xuân Đường ở Thái Bình, băng nhóm do đối tượng Loan “cá” cầm đầu ở Đồng Nai...

 

“Chúng ta đã làm tốt công tác điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, nhất là việc phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư công; đã đưa ra xét xử khách quan, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân, đề cao tính thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.

 

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 75.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 11.300 tỷ đồng (tăng 83% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó số thu từ lực lượng thuế và hải quan tăng rất ấn tượng, lần lượt là 98% và 44%), khởi tố 1.128 vụ án, với hơn 1346 đối tượng. Đặc biệt, các lực lượng đã tập trung làm tốt công tác ổn định thị trường, chống sản xuất, kinh doanh, các mặt hàng y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ và các địa phương.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, công tác phòng, chống tội phạm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như mặc dù được kiềm chế song hoạt động của tội phạm có tổ chức vẫn diễn ra phức tạp, có sự đan xen, núp bóng doanh nghiệp, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo, mất nhân tính, trong đó có 6 vụ đốt nhà để giết người. Tội phạm chống người thi hành công vụ tăng 21,76% so với cùng kỳ 2019. Tình trạng bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em gia tăng… Tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm. Tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy vẫn gia tăng mạnh (tăng 6,42%).

 

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tuy đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc từ nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh trên môi trường mạng. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp... nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

 

Nguyên nhân của những yếu kém này là do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy chế, quy trình công tác, có biểu hiện bao che, thậm chí có trường hợp bảo kê cho tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng khi thi hành công vụ. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có lúc chưa nghiêm, chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Một số quy định pháp luật liên quan công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, sơ hở, có khoảng trống, nhất là liên quan đến việc xác định xuất xứ, xác định hàng giả...

 

7 nhiệm vụ lớn trong công tác phòng chống tội phạm và chống buôn lậu

 

Để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau.

 

Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 138/CP, BCĐ 389 quốc gia về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của BCĐ 138/CP và BCĐ 389 quốc gia. Xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

 

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, báo cáo kết quả lên Trưởng BCĐ 138/CP, BCĐ 389 quốc gia.

 

Hai là, các bộ, ngành thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường trực BCĐ và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm; các kế hoạch chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

Làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục sơ hở, yếu kém để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

 

Ba là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức.

 

Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, bản lĩnh, có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Bốn là, thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án. Đối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, ma túy, tín dụng đen, xã hội đen, tội phạm vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, đất đai, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, buôn lậu, nhất là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, sản xuất, kinh doanh hàng giả... cần tổ chức điều tra triệt phá tận gốc, xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

 

Năm là, tiếp tục rà roát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng mạnh chế tài xử lý để răn đe, phòng ngừa vi phạm hiệu quả. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác. Mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

 

Sáu là, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 44/TW-KL ngày 22/1/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Bảy là, các bộ, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm, đúng quy định của pháp luật việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức, đặc biệt là đối với các địa phương trọng điểm về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

Các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ được giao

 

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả chức trách của mình, nhất là các bộ, ngành có lực lượng chuyên trách trong công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như công an, biên phòng, hải quan, thuế, cảnh sát biển, quản lý thị trường.

 

Theo đó, Bộ Công an làm tốt nhiệm vụ thường trực của BCĐ 138/CP, thực hiện nghiêm quy định về thông tin, báo cáo theo quy chế hoạt động của BCĐ. Chỉ đạo các lực lượng công an triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm về môi trường, ma túy, sử dụng công nghệ cao, xâm hại, bạo hành trẻ em, mua bán người... Xử lý nghiêm đối với cán bộ, chiến sĩ có hành vi bao che, dung túng, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm để tội phạm hoạt động, gắn với trách nhiệm của giám đốc công an địa phương.

 

Bộ Tài chính làm tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của BCĐ 389 quốc gia; linh hoạt trong việc phân công nhiệm vụ, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp tốt với Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác tham mưu, xây dựng các kế hoạch chuyên đề, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Chủ động phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong việc chỉ đạo điều tra, xử lý một số vụ việc điển hình, dư luận quan tâm.

 

Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hóa quy trình; cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp bảo đảm đúng thời hạn quy định, không để nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phối hợp với bộ, ngành, địa phương có giải pháp đồng bộ tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam. Triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

 

Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai, kho tàng, bến bãi, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, đảm bảo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, kiên quyết không để tình trạng vận chuyển hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, buôn lậu diễn ra trên địa bàn quản lý, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 ở các nước đang diễn biến phức tạp. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát biển tăng cường phối hợp với bộ đội biên phòng, công an, hải quan, quản lý thị trường... xác lập chuyên án triệt phá các đường dây buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, các loại hàng hóa khác qua đường biển.

 

UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, không để phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng trong thực thi công vụ.

 

UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về tình hình an ninh trật tự, về các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trên địa bàn. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh tội phạm và các điểm nóng về an ninh trật tự.

 

Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát hoạt động công vụ của công chức hải quan bằng camera và quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, nhất là khi công chức hoạt động công vụ ở ngoài trụ sở, như kiểm tra sau thông quan, kiểm tra thực tế hàng hóa.

 

Tổng cục Thuế tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về thuế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ; có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng chuyển giá, khai báo gian dối về giá, chi phí để trốn thuế; làm tốt công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với các lực lượng liên quan.

 

Tổng cục Quản lý thị trường làm tốt công tác nắm tình hình, phối hợp lực lượng, chia sẻ thông tin với các lực lượng liên quan. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương, điều chuyển, bố trí công tác khác nếu địa bàn để xảy ra tình trạng bày bán, tàng trữ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc kéo dài. Xây dựng quy trình giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ của công chức quản lý thị trường. Đẩy mạnh việc phòng, chống mua bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, gian lận thương mại qua môi trường mạng internet.

 

Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí theo dõi, kiểm tra đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban. Tăng cường công tác nắm tình hình, thu thập thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, về hoạt động của các lực lượng chức năng để tham mưu, đề xuất Trưởng Ban có ý kiến chỉ đạo kịp thời.

 

Theo Báo Chính Phủ

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang