Thứ Sáu, 19/04/2024 23:11:14 GMT+7

Tin đăng lúc 19-05-2016

Lượt xem: 5697

Ai đã lên Tuyên Quang, xin đừng quên uống rượu Na Hang

Tuyên Quang - mảnh đất thuộc vùng cao Đông Bắc, nơi có những người dân cần cù lao động, sáng tạo, cùng với những sản vật nổi tiếng như cam sành, ngô nếp, bánh khảo, chè…, đặc biệt không thể không nhắc tới loại rượu ngô Na Hang nổi tiếng.
Ai đã lên Tuyên Quang, xin đừng quên uống rượu Na Hang
Một trong những công đoạn nấu rượu của đồng bào dân tộc (Nguồn Internet)

 

Khi đến đây, ngoài các thú vui thưởng thức các đặc sản được chế biến bằng nguyên liệu của chính người dân địa phương, du khách còn được thử nhiều loại rượu khác nhau, nhưng không thể không thử nhấp một ly rượu ngô Na Hang  được. Chỉ cần thử một chút thôi là đã đủ cảm nhận được vị cay cay, một chút mát mát, hòa quyện vị ngọt thấm vào từng giác quan trong cơ thể.

 

Để có được hương vị đặc biệt mang bản sắc văn hóa riêng của người dân tộc, ngoài nguyên liệu chính là ngô thì chất gây men không thể thiếu đó là lá rừng. Men lá được pha chế từ 20 loại thảo dược quý như củ riềng, sả, vát vẹo, rau răm, nét ti, chá pái, lác tọc, nhân trần, lác khà, tham chàng, tham ngàm, chí ốt, lá ớt,… có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp và các bệnh ngoài ra. Sau khi các loại thảo dược được rửa sạch, băm nhỏ và phơi khô thì mang trộn đều chúng với nhau, giã nhỏ và đem đun lên. Đợt nước đầu dùng nước nhào bột, còn nước hai thì để ngâm gạo. Muốn rượu có hương vị thơm ngon phải trộn trực tiếp gạo với củ riềng, rau răm và lá quế xay. Đặc biệt nguyên liệu cần là men, phải được ủ ít nhất 10 ngày. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, nấu rượu thì men mà càng trắng, càng phồng thì rượu sẽ càng ngon và có vị đậm thanh hơn.

 

Công đoạn làm men quá cầu kỳ, men được nắm chặt có hình tròn, men nắm đến đâu là được xếp trên ổ rơm đến đó, khi xong mới tiến hành phủ một lớp chăn mỏng lên để ủ. Thời gian ủ diễn ra chừng khoảng vài ngày khi lớp bông trăng trắng xuất hiện bao quanh bánh men và có mùi thơm, cầm tay có cảm giác mềm, ướt thì đó là lúc men đã được.

 

Người dân tộc có thú vui uống rượu say trong những lần đi chợ

 

Loại ngô để nấu rượu cũng phải được chọn kỹ, giống ngô vàng, hạt đều tăm tắp, mẩy, không bị mọt. Ngô được bung trong nồi đồng khoảng nửa ngày, bếp lửa phải giữ cho cháy đều và đủ nước để ngô nở bung ra. Khi được ngô, đổ ra một cái nong to, chờ nguội mới rắc men, trộn đều, vun lên thành đống và dùng chăn to đậy lên. Đợi đến khi ngô xuất hiện lớp màng màu trắng, sờ tay thấy nóng ấm là có thể đem đi ủ trong chum khoảng hơn 10 ngày thì đem đi nấu. Muốn biết rượu ngon hay không, người sành rượu chỉ cần ngửi, nếu thấy mùi nồng, thơm thì rượu đó ắt phải là rượu ngon. Người dân địa phương uống rượu bằng chén vại cổ ngày xưa, to hơn chén dưới xuôi, uống tới đâu biết tới đó bởi sức nóng lan tỏa trong cơ thể.

 

Anh Vũ Quốc Huy (Tổ Dân phố 12, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Vì hay có chuyến công tác trên Na Hang nên tôi cũng không ít lần được thưởng thức thứ rượu ngon và đặc biệt này. Hương vị của nó thì không có thể lẫn vào đâu được, chỉ cần nhấp một ngụm cũng đủ cảm nhận được vị chan chát hòa quyện thêm vị ngọt, đắng của các loại thảo dược và lá rừng cùng và các nguyên liệu chính như ngô và gạo. Cứ lần nào có dịp về đây thì tôi đều mua một ít về làm quà biếu mọi người. Rượu Na Hang rất nặng nên nếu ai có tửu lượng kém thì chỉ cần uống hai đến ba chén là đã say rồi”.

 

Ai đã lên Tuyên Quang, xin đừng quên uống rượu Na Hang. Thứ rượu ngon nhờ có loại men đặc biệt, cách nấu riêng độc đáo, nhưng có thể vì tấm lòng người dân địa phương chỉ biết gửi lòng mình qua chén rượu, khiến du khách không chỉ say vì uống, mà còn say trong nỗi nhớ trào dâng bởi sự chất phác, mộc mạc, một nắng hai sương của bà con các dân tộc vùng cao Na Hang.

Hà Huế

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang