Thứ Ba, 23/04/2024 18:25:12 GMT+7

Tin đăng lúc 27-06-2022

Lượt xem: 531

Ăn côn trùng lạ, coi chừng rước họa

Lâu nay, việc sử dụng các loại côn trùng, ấu trùng lạ làm thức ăn đã trở thành thói quen của nhiều người. Những món ăn như: Sâu ban miêu, mối, bọ xít hay các côn trùng lạ khác… thậm chí đã trở thành đặc sản. Nhưng hệ lụy sức khoẻ từ những loại đặc sản này rõ ràng là không thể lường hết.
Ăn côn trùng lạ, coi chừng rước họa
Ảnh minh họa

Hồi tháng 5, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (60 tuổi, ở Hà Nội) bị nhiễm nấm Aspergillus fumigatus sau khi ăn mối. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân T. mua mối sống về làm món mối rang. Tuy nhiên, do ăn không hết, nên bệnh nhân có bỏ thức ăn thừa và lượng mối còn sống vào trong tủ lạnh bên cạnh các thức ăn chín như giò, chả…

 

Sau đó 5 ngày, bệnh nhân T. có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, tụt huyết áp. Ngày 30/5, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, phổi không còn bảo đảm được chức năng thông khí… Đến ngày 4/6, tình trạng bệnh nhân không cải thiện và đã tử vong sau 6 ngày được điều trị tích cực.

 

Bác sĩ Nguyễn Bá Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T.,  cho biết, tất cả mẫu bệnh phẩm đường thở của bệnh nhân đều có kết quả nhuộm soi ra nấm sợi Aspergillus fumigatus. Đây là loại nấm ký sinh trên nhiều loại động vật, côn trùng và trong môi trường. Khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch (như bị bệnh nặng…), nấm có cơ hội phát triển và gây bệnh với các triệu chứng rất nặng, đặc biệt là hô hấp, với tỷ lệ tử vong rất cao.

 

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tại Việt Nam, việc sử dụng côn trùng, như: Cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây… làm thức ăn, thậm chí được chế biến thành những món đặc sản khá phổ biến. Tuy nhiên, việc ăn các loại côn trùng này, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 

Dù có các cảnh báo, nhưng hằng năm đều có các nạn nhân nhập viện vì ăn sâu ban miêu. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, độc tố của sâu ban miêu là cantharidin, hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, từ dạ dày, ruột đến cơ, gan, thận… Hiện tại, chưa có phác đồ điều trị hiệu quả. Chất độc này không phân hủy ở nhiệt độ cao, do đó không sử dụng sâu ban miêu làm thực phẩm, dù chế biến bằng bất kỳ cách nào.

 

Theo các chuyên gia, sâu hay bọ xít có nhiều loài khác nhau, trong đó nhiều loại chứa độc tố. Bên cạnh đó, ngay cả khi con vật không có độc, nhưng có nguy cơ rất cao mang các mầm bệnh và lây bệnh cho người, như các ký sinh trùng, vi khuẩn, vi rút. Do đó, để phòng, tránh ngộ độc, bên cạnh một vài dạng sâu đã được biết rõ ràng có thể dùng làm thực phẩm, như nhộng tằm, người dân tuyệt đối không được sử dụng bọ xít, sâu làm thực phẩm hoặc cho vào vị thuốc.

 

Trong trường hợp sử dụng món ăn từ côn trùng, người dân chỉ nên ăn những loài côn trùng đã được sử dụng làm thức ăn quen thuộc, như: Nhộng, châu chấu, cào cào..., không nên chế biến, ăn những loài côn trùng lạ. Đặc biệt, khi chế biến món ăn từ côn trùng cần phải có quy trình xử lý bảo đảm. Cụ thể, cần ngâm, rửa sạch côn trùng bằng nước muối ấm hoặc nước vôi trong để khử hết nấm độc, giun... bám trên côn trùng và để côn trùng bị kích thích, thải hết chất độc trong ruột; đồng thời loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi của côn trùng. Ngoài ra, tuyệt đối không ăn sống, ăn tái côn trùng. Với những loài côn trùng quen thuộc được sử dụng làm thức ăn khi nấu phải đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến.

 

BS. Đặng Huyền Nga (Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội) cho biết, nhiều loại côn trùng có chứa nọc độc như bọ cạp, ong, nhện... trong khi kiến thức về chế biến các loại côn trùng này của hầu hết mọi người chỉ dựa vào kinh nghiệm. Do đó sẽ không loại bỏ hết độc tố, khi ăn vào có thể gây dị ứng mẩn ngứa, sưng tấy toàn thân, ngộ độc cấp tính, thậm chí là gây tử vong. Có những loài côn trùng chứa độc chất nhất định, có thể gây hại cho con người. Chẳng hạn, bọ cạp có nọc độc, nếu không biết cách chế biến để ăn (hoặc ngâm rượu uống) sẽ rất nguy hiểm.

 

Trong trường hợp sau khi ăn có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa... thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Người dân cũng chú ý không sử dụng, không “thử nghiệm” các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn mà chỉ nên lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống. Đặc biệt, những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn côn trùng.

 

Minh Hiếu


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang