Thứ Bẩy, 20/04/2024 12:21:54 GMT+7

Tin đăng lúc 24-07-2018

Lượt xem: 3456

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt: Cần cân nhắc kỹ

Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo lần 2 về đề xuất sửa đổi 5 Luật Thuế, trong đó, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có bổ sung mặt hàng nước ngọt có đường (trừ sữa) vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế 10%, dự kiến áp dụng từ năm 2019. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo các chuyên gia, đây là ngành đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước, cần cân nhắc kỹ khi điều chỉnh chính sách thuế, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt: Cần cân nhắc kỹ
Đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có đường

Áp thuế vì lo dân béo phì

 

Một trong những cơ sở để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt, nhằm giảm tình trạng người dân thừa cân, béo phì và mắc bệnh tiểu đường. Bộ Tài chính cho rằng, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì ở Việt Nam chiếm khoảng 25% dân số; đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh. Để định hướng, hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng áp thuế là cần thiết. Và theo tính toán, việc áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019 với mặt hàng nước ngọt có đường (trừ sữa) thì số thu đối với nước ngọt tăng thu khoảng 5.005 tỷ đồng.

 

Không đồng tình với lý do này, ông Nguyễn Tiến Vỵ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam cho rằng, hiện nay chưa có một khẳng định nào về nước ngọt ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe dẫn tới bệnh tiểu đường và béo phì. Cũng chưa có một nghiên cứu độc lập nào chỉ ra rằng nước ngọt có đường là nguyên nhân chính gây ra thừa cân béo phì. Hiện nay, có những nước đã áp dụng luật thuế TTĐB này đối với nước ngọt, điển hình như Thái Lan, đã áp dụng 30 năm nay, nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì ở lứa tuổi từ 5 - 19 tuổi vẫn tăng từ 3,1% vào năm 2000 lên 13,1% năm 2016.  Hay ở Brunei, tỷ lệ béo phì ở độ tuổi từ 9 - 15 tuổi tăng từ 6,4% vào năm 2000 lên mức 14,1% vào năm 2016. Do vậy, việc lo dân béo phì của Bộ Tài chính là không có cơ sở.

 

Theo TS.Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế, việc áp dụng thuế TTĐB 10% đối với nước ngọt sẽ không thay đổi được hành vi tiêu dùng. Nước ngọt không phải là nguyên nhân duy nhất, thậm chí nó không phải là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra những bệnh đó. Do vậy, nếu chỉ dựa vào lập luận gây ra bệnh tiểu đường và bệnh béo phì để áp thuế TTĐB đối với nước ngọt thì chưa thuyết phục. Ngoài ra, hiện nay, không chỉ nước ngọt có đường mà nhiều thực phẩm khác cũng có đường, vậy nếu chỉ đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt thì có công bằng và bình đẳng không?

 

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng đầu tiên

 

TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, các DNNVV của VN sẽ là những doanh nghiệp (DN) phải chịu trận đầu tiên, bởi, hiện nay, với tiềm lực tài chính hạn chế, khả năng cạnh tranh yếu, các DNNVV đang rất khó khăn khi phải đối mặt với các DN lớn. Nếu dự luật này được thông qua thiếu sự cân nhắc, rất có thể nó sẽ thêm một cú sốc cho khối DNNVV vốn đang phải chật vật để tồn tại và phát triển trên thị trường nước giải khát nước ta. Còn đối với các DN nước ngoài, với khả năng, tiềm lực của mình và kinh nghiệm kinh doanh toàn cầu, họ sẽ có những phương thức tốt, năng lực tốt để vượt qua. 

 

 

Cần tính đến tỷ lệ hàm lượng đường để đánh thuế nhằm đảm bảo tính công bằng

 

Nếu luật này có hiệu lực, cộng với việc điều chỉnh thuế VAT tăng thêm 2%, thuế VAT của đường tăng từ 5% lên 6% sẽ làm giá sản phẩm nước ngọt tăng lên ít nhất 12%. Việc này sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, điều này cũng dẫn đến hệ lụy, lượng sản phẩm nước ngọt là hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ gia tăng, gây khó cho DN. Do đó có thể thấy, hệ quả của việc này là mất nhiều hơn được.

 

Nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác

 

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam, hiện có khoảng 40 quốc gia trong tổng số gần 200 quốc gia đang áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt. Ở châu Á, mới chỉ có 4 quốc gia đã áp dụng là: Lào, Campuchia, Thái Lan và Brunei. Một số nước như: Argentina, Đan Mạch, Ghana, Indonexia... sau một thời gian áp dụng họ đã bãi bỏ. Tại Indonesia, người ta tính toán rằng, khi áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt thì ngân sách nhà nước thu thêm được 42 triệu USD, nhưng 120.000 lao động sẽ bị mất việc làm, thuế thu nhập DN, thuế VAT sẽ giảm 48 triệu USD. Như vậy, không giải được bài toán tăng thu cho ngân sách.

 

Bên cạnh đó, việc tăng thuế chưa chắc đã dẫn đến việc tiêu thụ ở các khu vực thành thị, nơi tập trung nhiều người có thu nhập cao hoặc trung bình, có khả năng chi trả cho các sản phẩm nước ngọt giảm đi dù có tăng thuế. Chính vì lý do này mà ngay cả các nước trên thế giới đang đối mặt với tình trạng người béo phì tăng nhanh như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Canada… cũng không áp dụng thuế TTDB với nước ngọt có đường. Do đó, chúng ta cần phải nghiên cứu rất kỹ vấn đề này và tham khảo kinh nghiệm từ các nước. Cần tính toán cân nhắc kỹ những tác động trực tiếp của nó tới nền kinh tế Việt Nam.

 

Cũng theo ông Vỵ, có thể áp dụng các chính sách khác khuyến khích các DN giảm hàm lượng đường trong sản phẩm đồ uống của mình, hoặc hình thức dán nhãn đặc biệt để cảnh báo, khuyến nghị người tiêu dùng. Còn nếu vẫn áp dụng luật này thì cần xác định rõ khái niệm nước ngọt, cần tính đến tỷ lệ hàm lượng đường để đánh thuế, nhằm đảm bảo tính công bằng, hiệu quả, cũng như cần phải có lộ trình áp thuế phù hợp với bối cảnh và điều kiện kinh tế của nước ta./.

 

Đức Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang