Thứ Bẩy, 20/04/2024 02:13:14 GMT+7

Tin đăng lúc 06-11-2019

Lượt xem: 1488

Bà Rịa – Vũng Tàu: Đổi mới phát triển công nghiệp nông thôn

Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), trong đó hoạt động khuyến công đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là ở vùng nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần ổn định kinh tế, xã hội của địa phương.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Đổi mới phát triển công nghiệp nông thôn
Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Nam Cường Đoàn Kết

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 6.000 cơ sở CNNT, tuy nhiên phần lớn các cơ sở đều gặp khó khăn trong khâu sản xuất vì công nghệ lạc hậu, thiếu vốn dẫn đến năng suất không cao. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp tỉnh, đến nay, 174 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT đã được đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất với tổng kinh phí hơn 35 tỷ đồng.

 

Là đơn vị nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, ông Đỗ Hoàng Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Nam Cường Đoàn Kết (thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) chia sẻ: Nguồn vốn khuyến công đã tạo động lực cho DN đầu tư các loại máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giúp DN giảm chi phí và tăng lợi nhuận 40% so với trước. Ngoài ra, DN còn chủ động được các đơn đặt hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Được biết, đơn vị nhận được 200 triệu đồng kinh phí hỗ trợ từ chương trình khuyến công để đầu tư hoàn thiện máy móc thiết bị trong sản xuất cửa nhôm, cửa cao cấp bao gồm: Máy cắt 2 đầu nhôm nhựa, máy ép góc, máy phay đầu số tự động, máy đột dập cửa… với tổng giá trị của các loại thiết bị này là 410 triệu đồng.

 

Ông Đinh Trọng Cường – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Hoạt động khuyến công chưa huy động được nguồn tài trợ đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội mà chủ yếu là nguồn ngân sách Nhà nước nên mức hỗ trợ cho các cơ sở CNNT còn hạn chế, số DN được hỗ trợ còn thấp, chiếm tỷ lệ gần 3%. Để phát huy vai trò của công tác khuyến công, thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở CNNT. Cụ thể là tiếp tục triển khai các đề án phù hợp với nhu cầu của các cơ sở CNNT, chú trọng công tác đào tạo nghề, ưu tiên cho các ngành nghề truyền thống nhằm phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

 

Tuy gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhưng chương trình khuyến công tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có những thành tựu nhất định. Nhiều cơ sở CNNT đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất, đồng thời đăng ký thương hiệu… Qua đó giúp cho DN tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giảm cường độ lao động, giảm ô nhiễm môi trường, từng bước được cải tiến về mẫu mã, chất lượng, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng trong và ngoài nước.

 

Bích Hân


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang