Thứ Sáu, 26/04/2024 02:42:55 GMT+7

Tin đăng lúc 19-09-2016

Lượt xem: 3096

Bắc Giang: Tăng cường điểm bán và giới thiệu hàng Việt

Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 90% chợ, trung tâm thương mại ở thành phố, thị trấn và 85% xã, chợ nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có điểm giới thiệu và bán hàng Việt cố định, bền vững.
Bắc Giang: Tăng cường điểm bán và giới thiệu hàng Việt
Điểm bán mỳ Chũ - sản phẩm của Bắc Giang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng

Doanh nghiệp chủ động xây dựng thương hiệu

 

Đánh giá về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) tại địa phương, ông Đào Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang - cho biết, CVĐ đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm và quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt.

 

Đáng chú ý, các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước đã chủ động xây dựng thương hiệu, chú trọng cải tiến mẫu mã, chất lượng, cũng như giá cả phù hợp với thị hiếu và thu nhập của người dân. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh như: Giấy Xương Giang, Đạm - Hóa chất Hà Bắc, sản phẩm may, máy nông cụ, mỳ Chũ (huyện Lục Ngạn), mây tre đan Tăng Tiến (Việt Yên), bánh đa nem Thổ Hà (Việt Yên), gà đồi (Yên Thế), vải thiều Lục Ngạn, vải thiều sớm Phúc Hoà (Tân Yên), gạo thơm Yên Dũng... Đơn cử như đối với thương hiệu mỳ Chũ (thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn), hiện có trên 300 hộ sản xuất mỳ gạo chiếm tới 85% số hộ của làng. Trong đó, trên 100 hộ tham gia vào Hội sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Lục Ngạn. Mỳ Chũ được coi là một trong những sản phẩm hàng Việt được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Để có được thay đổi nhận thức tích cực trong sản xuất và tiêu dùng hàng Việt, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước. Năm 2016, mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang triển khai xây dựng từ 1 - 2 điểm bán hàng Việt. Các năm tiếp theo, căn cứ vào tình hình cụ thể từng địa phương, triển khai nhân rộng các điểm bán hàng Việt Nam và xây dựng các chuỗi cửa hàng, khu phố bán hàng Việt Nam.

 

Đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng

 

Mục tiêu đến năm 2020, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Bắc Giang phấn đấu 100% DN, doanh nhân đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện cam kết sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh hàng hóa đạt quy chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ; không sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 100% người tiêu dùng, DN, doanh nhân trong tỉnh biết và hưởng ứng CVĐ, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt Nam.

 

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Ban chỉ đạo CVĐ đã xây dựng Chương trình hành động, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động DN, người sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với hàng hóa dịch vụ làm ra. Sở Công Thương Bắc Giang đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ người tiêu dùng và DN...

 

Hiện, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cũng đã có hướng dẫn việc lựa chọn và xây dựng các điểm chuyên bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh. Đó là phải ở khu đông dân cư, có biển hiệu; hàng hóa bán là hàng Việt Nam; ưu tiên bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân, là đặc sản của địa phương… Chủ cửa hàng phải có đăng ký kinh doanh và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, khi được chọn làm điểm bán hàng Việt sẽ được tỉnh hỗ trợ kinh phí.

 

Từ đầu năm đến nay, đã có 1.782 lượt DN trên địa bàn tỉnh tham gia bán hàng Việt khuyến mại với 2.602 chương trình, đạt tổng giá trị hàng khuyến mại lên 2.410 tỷ đồng.

 

Nguồn Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang