Thứ Tư, 24/04/2024 19:51:03 GMT+7

Tin đăng lúc 02-11-2021

Lượt xem: 972

Bạc Liêu: Khắc phục khó khăn trong công tác khuyến công năm 2021

Những năm qua, hoạt động khuyến công tỉnh Bạc Liêu còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các đề án khuyến công quốc gia và địa phương còn hạn hẹp; nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa hoạt động khuyến công của một số ngành, doanh nghiệp, cơ sở còn hạn chế; phần lớn các cơ sở công nghiệp nông thôn còn nhỏ lẻ, đội ngũ lao động còn thiếu chuyên nghiệp, cơ sở thiếu đa dạng hóa sản phẩm…
Bạc Liêu: Khắc phục khó khăn trong công tác khuyến công năm 2021
Nghiệm thu Đề án khuyến công quốc gia tại DNTN Hồng Duyên (huyện Phước Long)

Khó khăn là thế, song trong năm 2021, công tác khuyến công vẫn đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Cụ thể, đơn vị đã hoàn thành hỗ trợ 2 đề án khuyến công quốc gia (mỗi đề án 300 triệu đồng) và 2 đề án khuyến công địa phương (mỗi đề án 150 triệu đồng). Các đề án đã được nghiệm thu, hệ thống máy móc, thiết bị hoạt động ổn định và tạo hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các đơn vị thực hiện. Điển hình như Công ty TNHH Cà phê Trung Hiền (TP. Bạc Liêu) đã được hỗ trợ một phần kinh phí khuyến công để đầu tư máy rang cà phê trị giá trên 300 triệu đồng. Thiết bị mới hoạt động với công suất cao đã thay đổi hoàn toàn cách làm thủ công trước đây, giúp giảm thiểu lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, giúp công ty không những giữ vững mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ Công ty TNHH Cà phê Trung Hiền, các doanh nghiệp kinh doanh như: DNTN Hồng Duyên; Công ty TNHH MTV Thủy sản Hoàng Vô Khoa (huyện Phước Long), DNTN xay xát Thành Công (huyện Hòa Bình); cơ sở sản xuất khô Hải Liên (huyện Hòa Bình)..., sau khi tiếp nhận hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công đã có điều kiện đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, nâng cao công suất, tiết kiệm khá nhiều chi phí sản xuất, sản phẩm làm ra chất lượng và có sức cạnh tranh cao.

 

Có thể thấy, qua sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội để thay đổi dây chuyền sản xuất, đầu tư thêm máy móc nhằm cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, các hội thảo, khóa tập huấn ngắn hạn cũng đã giúp doanh nghiệp hoạch định, tạo hướng đi lâu dài cho sản xuất - kinh doanh. Trong bối cảnh các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, nguồn hỗ trợ từ quỹ khuyến công chính là trợ lực lớn để các đơn vị có thể vượt qua khó khăn trước mắt.

 

Thời gian tới, để khắc phục những khó khăn trên, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh sẽ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đơn vị thụ hưởng để triển khai những nội dung đảm bảo tiến độ, mục đích, đúng đối tượng. Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; chủ động xây dựng các đề án mang tính đồng bộ, đặc biệt ưu tiên đối với các xã nông thôn mới, cơ sở công nghiệp nông thôn vùng sâu, vùng xa, cơ sở sản xuất ra sản phẩm có lợi thế, chủ lực của tỉnh; hỗ trợ về thị trường, xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến nhiều tỉnh, thành khác. Đồng thời, tăng cường tư vấn, hỗ trợ các nhà sản xuất tìm hiểu, đầu tư máy móc, công nghệ thiết bị phù hợp để nâng cao năng lực sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả sản xuất - kinh doanh của cơ sở; khuyến khích các đơn vị áp dụng công nghệ mới, ít ô nhiễm môi trường và thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên địa bàn và tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Như Trang


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang