Thứ Năm, 25/04/2024 08:37:44 GMT+7

Tin đăng lúc 22-11-2019

Lượt xem: 3441

Bài học từ công nghiệp ô tô và những bước đi chắc chắn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Hơn 10 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Tuy nhiên, cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy ngành CNHT cũng như gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp Việt Nam.
Bài học từ công nghiệp ô tô và những bước đi chắc chắn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, muốn phát triển CNHT cần phải kiên trì.

Cần nhiều thời gian và tiềm lực

 

Trả lời chất vấn trước Quốc hội về chính sách phát triển CNHT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thẳng thắn bày tỏ, mặc dù đã có sự quan tâm và có nhiều chính sách phát triển, tuy nhiên CNHT chưa đạt được yêu cầu như kỳ vọng. Theo đó chưa có đủ điều kiện để bảo đảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm CNHT. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách CNHT, kể cả sau khi có nghị quyết của Quốc hội, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách vẫn còn chậm.

 

“Dù Nghị định 111 về phát triển CNHT được ban hành năm 2018, nhưng việc triển khai các cơ chế ưu đãi về chính sách phát triển CNHT vẫn còn hạn chế, đặc biệt là nguồn hỗ trợ từ ngân sách trong các hỗ trợ cho doanh nghiệp CNHT”- Bộ trưởng bày tỏ.

 

Bộ trưởng nhìn nhận, thực trạng chung của ngành CNHT Việt Nam hiện nay là quy mô và năng lực của doanh nghiệp (DN) còn nhiều hạn chế: Số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

 

Cùng chung quan điểm với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam cho biết, phát triển một ngành CNHT cần nhiều thời gian và tiềm lực trong thời gian dài, bởi đây là ngành gần như là “khó” nhất, vì đầu tư rất nhiều mà lợi nhuận lại rất ít.

 

Còn ông Đào Phan Long – Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam nêu quan điểm, để thúc đẩy phát triển CNHT nhất thiết phải có bàn tay hữu hình của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách, tìm kiếm sản phẩm với lợi thế đầu tư cạnh tranh được.

 

Bộ Công Thương: CNHT là ngành trọng yếu

 

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công Thương thời gian qua đã có không ít nỗ lực nâng cao năng lực của DN CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng, nhất là trong việc tạo sự gắn kết với DN FDI.

 

Trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Xuất phát từ nhu cầu kết nối của doanh nghiệp và thị trường, theo định hướng của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ triển khai thành lập 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển CNHT tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trên khắp cả nước.

 

Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã khai trương Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp đầu tiên của Việt Nam tại Hà Nội theo Quyết định số 1970/QĐ-BCT ngày 6/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương nhằm phát triển các chương trình công nghiệp phụ trợ trong nước, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc chính thức khai trương này đánh dấu bước tiến nổi bật của Bộ Công Thương trong đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, trở thành cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

 

 

Bộ Công Thương thời gian qua đã có không ít nỗ lực nâng cao năng lực của DN CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng

 

Theo ông Đào Phan Long, việc tiến tới thành lập 3 trung tâm phát triển CNHT như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất là hướng mở rất tốt, khơi thông thị trường phát triển CNHT. Tuy nhiên ông Long cũng đặt vấn đề, quan trọng hơn là các trung tâm CNHT này sẽ hoạt động như thế nào? Có cần phải xây dựng bài bản cụ thể nội dung hoạt động cho từng trung tâm hay không?

 

Đặc biệt theo ông Đào Phan Long, với CNHT cho cơ khí chủ yếu tập trung đầu tư, xây dựng sản xuất công nghệ cơ bản. Cụ thể là chế tạo phôi gồm đúc, rèn dập, khuôn mẫu, nhiệt luyện. “Nếu DN nào phát triển được 4 vấn đề cơ bản của cơ khí tự khắc sẽ làm được CNHT, phụ tùng ô tô, làm được nhiều chi tiết khác cho các sản phẩm cơ khí khác. Hiệp hội Cơ khí sẵn sàng làm cánh tay nối dài của Bộ Công Thương để cùng phát triển”- ông Long bày tỏ quan điểm.

 

Để “nâng chất” cho CNHT, Bộ Công Thương cũng xây dựng các chương trình để hợp tác với DN FDI, đặc biệt là các DN đầu đàn có những dự án quy mô lớn có khả năng tạo sự lan tỏa. Trong đó đáng kể nhất là chương trình đào tạo tư vấn viên với Tập đoàn Samsung. Đến nay Việt Nam đã có khoảng hơn 300 tư vấn viên đào tạo bài bản ở Hàn Quốc và các cơ sở của Samsung có thể đáp ứng được các chuẩn mực trở thành nhà cung ứng các chuỗi sản phẩm của Samsung.

 

Không thể phủ nhận Bộ Công Thương đã làm tốt vai trò này. Hiện nay ở Việt Nam, con số các nhà cung ứng cấp 1 đạt trên 30 - 40 DN, còn số DN cung ứng cấp 2 lên tới hàng trăm DN, tạo ra sự liên kết gắn bó giữa DN FDI và các DN CNHT Việt Nam.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, muốn phát triển CNHT cần phải kiên trì. Nhà nước đóng vai trò là bà đỡ, đặc biệt hỗ trợ cho DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân xã hội.

 

Từ bài học sâu sắc về ngành công nghiệp ô tô, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, cần có sự thống nhất, quán triệt bảo đảm sự đồng bộ và toàn diện trong các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý Nhà nước về thực hiện mục tiêu chung về CNHT. Ngành CNHT và công nghiệp nói chung không thể thực hiện thành công nếu như thiếu sự thống nhất quan điểm trong tổ chức thực hiện.

 

Tại hội nghị vào cuối năm 2018 về phát triển ngành CNHT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Chúng ta cần học hỏi ý chí lớn của người Nhật Bản, Hàn Quốc trong phát triển CNHT để đến năm 2030 có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Thế giới đang thay đổi hàng giờ về cách thức sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm sản xuất ra. Không còn tình trạng chỉ một DN sản xuất khép kín ra một sản phẩm, mà một sản phẩm được sản xuất ra do nhiều DN tham gia dựa vào thế mạnh của từng DN để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của quốc gia..." - Thủ tướng nêu thực trạng và cho rằng, cần chú trọng phát triển các DN đầu tàu, DN dẫn dắt cho các DN CNHT.

 

Theo Báo Công Thương

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang