Thứ Sáu, 19/04/2024 15:53:25 GMT+7

Tin đăng lúc 14-07-2016

Lượt xem: 3234

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng

Ngày 13/7, Cục Quản lý Cạnh tranh (QLCT), Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng - một trong những lĩnh vực mà Cục liên tục tiếp nhận các nội dung phản ánh và khiếu nại trong thời gian gần đây.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo

Tín dụng tiêu dùng là một hình thức khá mới mẻ ở Việt Nam và thường được thực hiện dưới dạng các khoản vay để mua tài sản tiêu dùng như xe máy, máy tính, điện thoại…

 

So với các hồ sơ vay tại ngân hàng, các công ty cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng không yêu cầu chặt chẽ về việc chứng minh tài chính, xác minh nhu cầu tiêu dùng hoặc các thủ tục liên quan khác, thời gian giải ngân cũng nhanh hơn và trong nhiều trường hợp khi mua sắm tài sản thì giải ngân ngay sau khi ký hợp đồng.

 

Lợi thế này của các công ty tín dụng tiêu dùng khiến cho một bộ phận rất lớn người tiêu dùng đang sử dụng dịch vụ tín dụng tiêu dùng, góp phần thu hút sự tham gia của nhiều công ty và tạo nên mức tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng cho một số công ty trong lĩnh vực này.

 

Cụ thể, giá trị tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam tháng 8/2015 là 10,4 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP. Tháng 12/2015, Việt Nam có 16 công ty tài chính. Tốc độ tăng trưởng của thị trường tín dụng tiêu dùng đến tháng 8/2014 là 18%.

 

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 7 năm qua tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trung bình gần 20%/năm (ước tính hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty cung cấp tín dụng tiêu dùng).

 

Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của các lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, rất nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đã được ghi nhận và đang tạo ra rất nhiều bức xúc cho người dân.

 

Tại buổi hội thảo, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục QLCT - cho biết, thời gian qua, khiếu nại liên quan đến tín dụng tiêu dùng chiếm tới hơn 80% tổng số phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói chung. Mặc dù giá trị các tranh chấp này không lớn, nhưng sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính, danh dự, sức khỏe của người tiêu dùng. Mặt khác, sự phát triển bền vững của thị trường tín dụng tiêu dùng cũng bị tác động tiêu cực.

 

Ông Hồ Tùng Bách- chuyên gia Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLCT- cho biết thêm, phần lớn các hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng tập trung vào những nội dung như: cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng; không thông báo rõ ràng mục đích thu thập thông tin; quấy nhiễu, đe dọa để thu hồi nợ…

 

Trước tình hình đó, Cục QLCT khuyến cáo để bảo vệ lợi ích của mình, người tiêu dùng nên lưu ý một số điều. Cụ thể, trước khi ký hợp đồng, cần phải tham khảo các hình thức tín dụng tại các ngân hàng. Nếu không còn lựa chọn nào khác mới tham khảo hình thức tín dụng tiêu dùng tại các tổ chức tài chính; Lựa chọn các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay có uy tín; Tham khảo, hỏi ý kiến người thân, bạn bè hoặc tham khảo thông tin trên mạng Internet để xem các đánh giá của cộng đồng người tiêu dùng về dịch vụ, uy tín của công ty cung cấp dịch vụ.

 

Đặc biệt phải đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, lưu ý các điều khoản vể lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt; lưu ý và cẩn trọng khi cung cấp các thông tin cá nhân của mình và của người khác cho bên cung cấp dịch vụ..

 

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, người tiêu dùng cần lưu giữ tất cả hóa đơn, tài liệu liên quan, bao gồm: hợp đồng, các tài liệu hướng dẫn do công ty cung cấp, các hóa đơn nộp tiền và các tài liệu liên quan khác để làm chứng cứ cho các hoạt động của mình.

 

Sau khi ký hợp đồng, cần đề nghị nhân viên tư vấn hoặc công ty cung cấp một bản sao có giá trị pháp lý của hợp đồng đã ký kết. Trường hợp hợp đồng được gửi sau bằng đường bưu điện cần lưu ý nhân viên tư vấn có hình thức xác nhận về việc sẽ gửi hợp đồng cho người tiêu dùng và thời gian hoàn thành gửi hợp đồng. Nếu có vấn đề phát sinh hoặc thắc mắc, cần chủ động liên hệ trực tiếp theo số máy điện thoại được cung cấp trên hợp đồng của công ty.

 

Bà Đinh Thị Thanh Nhàn - Giảng viên Khoa Kinh tế & Luật, Đại học Thương mại Hà Nội: Hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang hàm chứa nhiều rủi ro bất ổn. Nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ, phù hợp, thì có thể dẫn đến hệ lụy lớn cho nền kinh tế.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang