Thứ Sáu, 26/04/2024 00:51:17 GMT+7

Tin đăng lúc 14-04-2016

Lượt xem: 3141

Bắt đầu "trả lại tên" cho sữa tươi

Sản phẩm chế biến từ tối thiểu 90% sữa tươi nguyên liệu mới được đặt tên là sữa tươi, 100% nguyên liệu sữa tươi được đặt tên là sữa tươi nguyên chất.
Bắt đầu "trả lại tên" cho sữa tươi

Ngày 13/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tổ chức cuộc Hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT.

 

Theo dự thảo mà Cục đưa ra lần này, tới đây sẽ có 6 tên gọi về sữa dạng lỏng, bao gồm: Sữa tươi nguyên chất, sữa tươi, sữa tươi tách béo, sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp.

 

Trong đó sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp trước đây được gọi chung tên gọi là “sữa tiệt trùng”. Đây là tên gọi đã được các đại biểu thừa nhận là “gây nhầm lẫn giữa sữa bột và sữa tươi” khi bản chất sữa tiệt trùng trên thị trường hiện nay phần lớn là sữa bột pha lại.

 

Với dự thảo mới, các đại biểu đánh giá khái niệm quy định rõ ràng hơn sẽ tháo gỡ “nút thắt”  gây nhầm lẫn.

 

Về khái niệm sữa tươi, tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cũng xin ý kiến các doanh nghiệp về việc phân loại 2 loại sữa tươi ra thành sữa tươi nguyên chất (100% sữa tươi) và sữa tươi có bổ sung (có từ 90% sữa tươi, bổ sung thêm đường, dịch quả…).

 

Bà Thái Hương- Chủ tịch Tập đoàn TH ủng hộ phương án này. Theo bà, chúng ta không thể nhập nhèm mãi khái niệm sữa được nữa, mà phải gọi đúng tên gọi, sữa tươi nguyên chất là sữa tươi 100%, còn sữa tươi có bổ sung các chất gì thì phải ghi rõ là sữa tươi có bổ sung các loại chất gì, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ sữa tươi tối thiểu trong sản phẩm từ 95% trở lên.

 

Đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thì đề nghị, cần làm rõ khái niệm sữa pha lại có bổ sung các chất, thì đó là các chất gì, bởi nếu không thì sản phẩm dễ bị nhầm lẫn và chuyển sang thực phẩm chức năng.


Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, quan điểm của Cục là phải minh bạch thị trường sữa, để mỗi người dân bỏ đồng tiền trong túi ra họ nhận được sản phẩm đúng chất lượng sản phẩm mà họ uống hay cho con em mình uống. Vì thế, việc xây dựng quy chuẩn lần này là rất quan trọng.

 

Riêng về khái niệm sữa hỗn hợp, ông Chinh cũng đề nghị phải có quy định thành phần sữa trong đó chiếm bao nhiêu % trong sản phẩm, nếu không họ cứ đưa nhập nhèm các loại nước hoa quả rồi đủ thứ linh tinh vào nhưng vẫn được gọi là sữa. Ông cho rằng thành phần sữa tươi ít nhất phải là 70% trong sản phẩm này.

 

Nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ Y tế cần chốt ngay các khái niệm về sữa, để sớm thiết lập lại một thị trường sữa minh bạch tại Việt Nam. Tuy nhiên, kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, dự thảo về 6 khái niệm sữa mới chỉ là dự kiến và sau cuộc họp này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục xin thêm ý kiến rồi mới quyết định.

 

Với hệ thống tên gọi mới, các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh hệ thống kỹ thuật sản xuất cũng như khâu đóng gói, bảo quản sản phẩm để phù hợp với từng loại tên gọi. Tuy nhiên, quy định mới cũng sẽ giúp thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng giữa các doanh nghiệp, đồng thời "dễ thở" hơn cho nông dân sản xuất sữa tươi.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang