Thứ Sáu, 19/04/2024 09:37:03 GMT+7

Tin đăng lúc 23-08-2016

Lượt xem: 3063

Bình Dương: Phấn đấu trở thành trung tâm CNHT lớn của cả nước trong nhiều lĩnh vực

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của tỉnh Bình Dương, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may, da – giày, cơ khí, điện – điện tử và chế biến gỗ đã phát triển mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp, lao động, giá trị sản xuất,... đóng góp quan trọng vào sự phát triển ngành CNHT của tỉnh nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Mục tiêu phát triển của tỉnh Bình Dương là đến năm 2020 sẽ trở thành trung tâm CNHT lớn của cả nước trong nhiều lĩnh vực.
Bình Dương: Phấn đấu trở thành trung tâm CNHT lớn của cả nước trong nhiều lĩnh vực
Khu công nghiệp Sóng Thần - Điểm đến của các doanh nghiệp CNHT

Tỉnh Bình Dương hiện có 29 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 9.421,91 ha và 8 cụm công nghiệp được phân bố hầu hết trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Việc thành lập các khu, cụm công nghiệp đã giúp cho tình hình KT – XH tỉnh Bình Dương phát triển nhanh trong những năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đưa Bình Dương trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao so với cả nước. Tuy nhiên, để phát triển bền vững cần xây dựng một nền công nghiệp dựa trên nền tảng là các ngành CNHT hiện đại về công nghệ và phải tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự cạnh tranh trong khu vực ngày càng gay gắt. Đứng trước những thách thức đó, phát triển CNHT được coi là một giải pháp chiến lược ưu tiên hàng đầu được lãnh đạo tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm, nhằm đáp ứng cho sự phát triển nhanh chóng trong sản xuất công nghiệp và nhu cầu to lớn về nguyên liệu phục vụ sản xuất.

           

Thực trạng của ngành CNHT tại Bình Dương 

           

Mặc dù phát triển nhanh trong những năm gần đây, nhưng CNHT cho các ngành công nghiệp dệt – may, da – giày, cơ khí, điện – điện tử, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn phát triển chưa tương xứng. Hầu hết doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm. Ví như các DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ngành cơ khí chủ yếu là sản xuất những sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp; các DN sản xuất linh, phụ kiện điện - điện tử, tin học thì chủ yếu là sản xuất các sản phẩm đơn giản như linh kiện nhựa, các thiết bị cảm ứng, bóng đèn, chụp đèn, dây dẫn… Trong khi đó, ngành dệt may và da giày là hai trong ba ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tỉnh thì nguyên, phụ liệu như: Vải, da, chỉ khâu cao cấp, nút áo... chủ yếu phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc nội địa hóa hiện nay cũng chỉ mới dừng lại ở những sản phẩm phụ.

           

Hiện tại, phần lớn DN đầu tư lĩnh vực CNHT ở tỉnh mới chỉ đạt ở mức trung bình. Chỉ rất ít sản phẩm của một số DN vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này là có trình độ tiên tiến. Ngoài ra, về năng lực công nghệ kỹ thuật, ngoại trừ một số ít DN được trang bị công nghệ, máy móc hiện đại và hoàn chỉnh, đa số DN vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nhà sản xuất nên khả năng cạnh tranh kém. Có một thực tế nữa là các sản phẩm phụ trợ nhìn chung còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá lại cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Trong khi đó, nhân lực phục vụ CNHT chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt là CNHT công nghệ cao chưa phát triển mạnh và chỉ tập trung chủ yếu vào các DN vốn đầu tư nước ngoài.

           

Thời gian qua, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngành CNHT, nhưng hầu hết các DN CNHT, đặc biệt là DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh cho biết họ đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không đầu tư máy móc công nghệ mới, quy trình sản xuất mới và hiện đại thì không thể sản xuất ra được các sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, điều đó đồng nghĩa với việc DN sẽ không có chỗ đứng trên thị trường và đương nhiên nguy cơ phá sản là hiện hữu. Mặt khác, DN phải vay ngân hàng để đầu tư nhà máy, quy trình sản xuất hiện đại nhưng khó khăn ở chỗ là lãi suất quá cao...

    

“Đòn bẩy” cho phát triển CNHT

 

Bình Dương có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển CNHT của cả nước giai đoạn 2011 - 2020. Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 Bình Dương sẽ hình thành trung tâm nguyên phụ liệu ngành dệt – may, da – giày với tốc độ tăng trưởng bình quân ngành 2 ngày này là 11% - 12%; Hình thành khu CNHT cho việc sản xuất động cơ và ô tô; hình thành các khu, cụm CNHT cơ khí với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 12% - 13%/năm; Phát triển được các DN đóng vai trò đầu tàu, có khả năng cung cấp những sản phẩm CNHT quy mô lớn ra thị trường.

 

Để thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, thời gian tới tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung vào phục vụ các ngành công nghiệp sản xuất thành phẩm trong nước; Có những cơ chế chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư và công nghệ hiện đại cho phát triển ngành CNHT, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm toàn cầu, góp phần giảm nhập siêu nguyên liệu; Hỗ trợ về thị trường tiêu thụ các sản phẩm của ngành CNHT; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Phát triển ngành CNHT gắn kết với việc bảo vệ môi trường trên cơ sở áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đổi mới công nghệ, lựa chọn ngành nghề phù hợp, bố trí vào những khu vực thích hợp...

 

Đặc biệt, việc Chính phủ ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP với hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi tương đối lớn với CNHT liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như đối với các dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới; Quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20% thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được ưu đãi thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, lãi suất vay tín dụng, lựa chọn kê khai thuế giá trị gia tăng; Được vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam; Riêng các DN nhỏ và vừa còn được hưởng thêm các ưu đãi về tín dụng đầu tư; được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định pháp luật về đất đai... được xem như một “đòn bẩy” giúp các DN ngành này phát triển.

 

Hiện tỉnh Bình Dương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện tử - tin học, chế biến gỗ; Hình thành một số ngành CNHT có thế mạnh như: Công nghiệp cơ khí có sản phẩm dây và thiết bị dây dẫn, công nghiệp điện tử - tin học có linh kiện điện tử, công nghiệp đồ gỗ xuất khẩu...

           

Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, điều này đồng nghĩa với việc mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn nhưng việc cạnh tranh cũng sẽ khốc liệt hơn. Để công nghiệp Bình Dương nói chung và ngành CNHT nói riêng có thể tự đứng trên đôi chân của mình, giảm dần sự lệ thuộc vào nhập khẩu, tiến đến đạt chuẩn tỉnh công nghiệp, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành nước có công nghiệp phát triển, thì rất cần sự hỗ trợ thiết thực từ Trung ương để việc thu hút đầu tư cho ngành CNHT ngày một hiệu quả./.

 

Như Quỳnh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang