Thứ Sáu, 29/03/2024 03:34:53 GMT+7

Tin đăng lúc 22-10-2017

Lượt xem: 4665

Bình Dương tập trung phát triển lĩnh vực logistics

Theo Sở Công thương tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh này có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, với 21 kho ngoại quan, 4 kho gom hàng lẻ (CFS), 2 cảng cạn (ICD) và 31 đại lý hải quan, để cung cấp dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Bình Dương tập trung phát triển lĩnh vực logistics
Hiện nay, tỉnh Bình Dương có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, Bình Dương luôn chú trọng thu hút các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, trong đó có phát triển các loại hình dịch vụ logistics. Đây là một ngành dịch vụ rất có tiềm năng phát triển và phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Với lợi thế rất lớn do nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, Bình Dương là địa bàn giàu tiềm năng phát triển ngành dịch vụ logistics.

 

Hoạt động logistics luôn gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu, trong khi tiềm năng về xuất nhập khẩu hàng hóa của Bình Dương là rất lớn. Chính vì vậy, để phát triển loại hình dịch vụ này, tỉnh Bình Dương đã thống nhất các thành viên Ban vận động thành lập Hiệp hội Logistics Bình Dương do Sở Công thương tổ chức vừa qua. Đại diện các doanh nghiệp hy vọng hiệp hội ra đời sẽ tạo được mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Giao thông Vận tải, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Hải quan… Từ đó, các doanh nghiệp có điều kiện để đóng góp ý kiến vào các văn bản pháp luật có liên quan, phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong kinh doanh để ngành chức năng giải quyết, cùng với đó tạo được mối liên kết chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng trong tỉnh Bình Dương.

 

Việc thành lập Hiệp hội Logistics Bình Dương sẽ nâng cao vai trò hỗ trợ các hội viên trong công tác hướng dẫn, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ người lao động, đồng thời có tiếng nói đại diện với các cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện để ngành logistics của tỉnh phát triển. Ngành Công thương đang hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, chuẩn hóa quy trình để Hiệp hội Logictics Bình Dương ra mắt vào tháng 6/2018 theo đúng kế hoạch. Đây là một điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp logistics tại Bình Dương phát triển xứng tầm và làm tốt hơn vai trò kết nối đối với các doanh nghiệp trong toàn tỉnh.

 

Với lợi thế nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía nam, giáp TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, thời gian qua ngành dịch vụ logistics tại Bình Dương có bước phát triển khá mạnh mẽ. Hiện Bình Dương đang có nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng lớn với trang thiết bị hiện đại như: Công ty cổ phần ICD Tân Cảng - Sóng Thần đầu tư cảng cạn có tổng diện tích 50 ha; Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Bình Dương đầu tư cụm cảng và trung tâm logistics Dĩ An giai đoạn 1, diện tích 37 ha; Công ty cổ phần Logistics U&I đầu tư bảy kho ngoại quan với diện tích 30 ha; Tập đoàn Mapletree đầu tư khu kho vận tại TP Thủ Dầu Một có quy mô 68 ha với vốn đầu tư 110 triệu USD; Tập đoàn YCH và Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương hợp tác đầu tư Trung tâm kho vận YCH - Protrade tại thị xã Thuận An quy mô gần bảy ha, với vốn đầu tư 14 triệu USD...

 

Nhiều chuyên gia kinh tế đã đánh giá khả năng kết nối giao thông thuận tiện và sự đa dạng các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; chính sách “trải thảm đỏ thu hút đầu tư nước ngoài”; tỉnh có giá trị xuất nhập khẩu cao với gần 40 tỷ USD/năm… của Bình Dương là những yếu tố quan trọng cho logistics tại đây phát triển. Bên cạnh đó, “Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Bình Dương giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020” đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành từ năm 2012, trong đó đề cập đến việc đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ logistics trọn gói, đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics theo hướng hiện đại và phù hợp theo lộ trình gia nhập các hiệp định thương mại, cũng như nỗ lực giảm chi phí, thời gian cho các doanh nghiệp và nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động logistics trên địa bàn. Điều này đã tạo thuận lợi cho dịch vụ logistics của Bình Dương phát triển./.

 

Nguồn Dangcongsan.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang