Thứ Bẩy, 20/04/2024 10:59:56 GMT+7

Tin đăng lúc 05-09-2017

Lượt xem: 7215

Bình Phước: Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong chế biến hạt điều

Bình Phước hiện có khoảng 270 doanh nghiệp (DN) và hơn 400 cơ sở nhỏ lẻ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến hạt điều. Sản phẩm hạt điều của Bình Phước đã được xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Anh, Hà Lan, Canada, Trung Quốc… với giá trị xuất khẩu đạt trên 500 triệu USD/năm. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp, hàng đã xuất đi bị trả về do “không đảm bảo chất lượng sản phẩm”, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho DN.
Bình Phước: Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong chế biến hạt điều
Hệ thống máy móc xông trùng hạt điều bằng phương pháp kiểm soát không khí tại Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phúc An

Với tư duy “ăn xổi” nhằm quay vòng vốn nhanh, nhiều DN và cơ sở sản xuất nhỏ chỉ tập trung làm ra những sản phẩm cạnh tranh về giá mà chưa chú trọng tới chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến thực trạng, DN chế biến điều của Bình Phước đang nằm trên “mỏ nguyên liệu” xịn, nhưng lại làm ra những sản phẩm chưa đúng tầm. Để nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm các sản phẩm điều, nhiều DN, cơ sở sản xuất điều tại Bình Phước đã chủ động đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất. Trong đó, điển hình là Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phúc An (phường Phước Bình, thị xã Phước Long) đã chủ động đầu tư mới hệ thống máy móc xông trùng hạt điều bằng phương pháp kiểm soát không khí hiện đại của Italia.

          Để góp phần hỗ trợ DN phát triển, sau một thời gian khảo sát và nhận thấy hệ thống xông trùng hạt điều bằng phương pháp kiểm soát không khí của Công ty Phúc An là những công nghệ tiên tiến mà chưa có DN nào trên địa bàn áp dụng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước đã quyết định hỗ trợ Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phúc An thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật xông trùng bằng phương pháp kiểm soát không khí trong chế biến hạt điều xuất khẩu”.

          Tổng kinh phí đầu tư dự án là trên 11,5 tỷ đồng, trong đó, Khuyến công Bình Phước hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 2017. Sau một thời gian triển khai đề án, đến nay mô hình đã hoạt động có hiệu quả, giúp Công ty giảm mức độ nặng nhọc cho người công nhân, đồng thời, tăng tính năng an toàn trong sản xuất, đảm bảo vệ sinh trong việc chế biến hạt điều xuất khẩu, đáp ứng được quá trình vận chuyển dài ngày và đảm bảo được các điều kiện nhập khẩu của các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ. Với công suất hoạt động 11.200 tấn điều, dự kiến, hàng năm sẽ đem lại lợi nhuận cho Công ty 2,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tạo thêm việc làm cho 23 lao động với thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng/người/tháng, qua đó, góp phần ổn định kinh tế, xã hội tại địa phương.

          Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Luyến – Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phúc An chia sẻ: Được sự giúp đỡ của Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước, đến nay, Công ty Phúc An đã nâng cấp và hoàn thiện dây chuyền sản xuất. Việc Công ty đầu tư hệ thống xông trùng hạt điều bằng phương pháp kiểm soát không khí đã thay thế cho cách làm thủ công là sử dụng thuốc hóa học, qua đó, giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu điều sang các nước Châu Âu. Sau một thời gian Công ty ứng dụng hệ thống, đã có nhiều đoàn DN, cơ sở sản xuất điều trên địa bàn tỉnh đến thăm quan và học tập kinh nghiệm ứng dụng mô hình”.

          Thông qua đề án hỗ trợ Công ty Phúc An của Khuyến công Bình Phước, có thể khẳng định, nếu DN nào còn sử dụng công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu, thiếu đồng bộ và chưa áp dụng các mô hình quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tiên tiến thì sản phẩm của các DN đó sẽ khó có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, ngoài việc nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, các DN cần phải chủ động thay đổi công nghệ theo hướng hiện đại, sử dụng nguyên vật liệu và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, để hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong thời kỳ hội nhập.

Lê Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang