Thứ Sáu, 29/03/2024 02:25:42 GMT+7

Tin đăng lúc 19-05-2020

Lượt xem: 1131

Bộ Công Thương: Cùng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi nền kinh tế

Trong bối cảnh cả nước vừa trải qua đại dịch Covid-19 như hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải tiếp tục rà soát, đánh giá đúng tình hình thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong các lĩnh vực đặc thù để có những giải pháp phù hợp, kịp thời hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, tiếp tục tồn tại và phát triển.
Bộ Công Thương: Cùng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi nền kinh tế
Đánh giá đúng tình hình thực tiễn DN để có giải pháp hỗ trợ phù hợp

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” diễn ra vào sáng ngày 9/5/2020.

         

Đẩy mạnh khơi thông thị trường

         

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ngay từ đầu dịch bệnh, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, hàng loạt các giải pháp của các bộ ngành nói chung và Bộ Công Thương nói riêng đã phát huy được hiệu quả, đóng góp vào việc tháo gỡ khó khăn cho DN, từ đảm bảo chuỗi cung ứng, nguồn cung cho sản xuất trong nước cũng như công tác khơi thông thị trường và công tác đảm bảo điều kiện sản xuất của các DN nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

 

Cụ thể, Bộ Công Thương đã nhanh chóng thiết lập các phương thức mới trong công tác xúc tiến thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy hợp tác với đối tác nước ngoài. Trong tháng 4 vừa qua, mặc dù đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhưng Bộ đã tổ chức được 02 cuộc giao thương trực tuyến cho DN Việt Nam với các DN Ấn Độ và Trung Quốc với khoảng 300 DN tham gia, qua đó giúp cho DN hai nước nhanh chóng trao đổi, ký kết các hợp đồng và thỏa thuận.

 

Bên cạnh đó, để hỗ trợ DN Việt Nam tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, Bộ đã chỉ đạo tập hợp, biên soạn tài liệu 5.000 DN xuất nhập khẩu của Việt Nam phân loại theo nhóm hàng, ngành hàng và theo nhu cầu thị trường cụ thể của các DN và đã gửi hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại phía bạn kết nối, hỗ trợ DN. Hiện các đơn vị chức năng thuộc Bộ đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cơ quan liên quan để mở rộng danh mục này trong thời gian tới.

 

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

 

Các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN

Trong bối cảnh mới, để đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, Bộ Công Thương đã đề xuất 5 giải pháp đó là: Rà soát, đánh giá và bám sát thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực đặc thù để xác định rõ thách thức, áp lực, nhằm tồn tại vượt qua khó khăn. Cùng với đó, tiếp tục đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa cắt giảm điều kiện kinh doanh, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo thuận lợi cho DN có cơ hội tiếp cận thị trường, cũng như hoạt động đầu tư sản xuất. Trong đó, các dịch vụ công trực tuyến sẽ tiếp tục được đưa lên cấp độ 3 và cấp độ 4 và việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trong giai đoạn sau của Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục được thực hiện ngay trong năm 2020. Chính phủ điện tử, cấp C/O điện tử cũng như các thủ tục khác cũng sẽ được triển khai ngay để hỗ trợ, minh bạch hóa và tạo thuận lợi cho DN.

 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, coi đây là nền tảng quan trọng để tạo thuận lợi, hỗ trợ cho phát triển kinh tế năm 2020. Đó là khơi thông thị trường thông qua thương mại điện tử và hạ tầng thương mại; rà soát cùng các địa phương để hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thương mại nhằm kích cầu và tạo động lực lớn hơn cho phát triển thị trường trong nước; tiếp tục đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả hơn nữa bằng việc tập trung quyết liệt cho những địa bàn, mặt hàng đang là điểm nóng; thúc đẩy phát triển thị trường trong nước thông qua gói kích cầu tập trung cho một số ngành hàng có nhu cầu và tiềm năng phát triển, đặc biệt là gắn với đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Đối với thị trường ngoài nước cũng sẽ được đặc biệt quan tâm trong nửa cuối năm 2020. Bộ Công Thương đang xây dựng đề án cụ thể cho từng thị trường, từng khu vực ngành hàng để tổ chức triển khai ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, khống chế thành công trên thế giới. Sẽ tập trung 4 nội dung là mở cửa thị trường; hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại; gắn kết trong chuỗi cung ứng mới ở thị trường ngoài nước; các hoạt động phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích của DN trong các vụ tranh chấp ở các thị trường ngoài nước.

 

Cuối cùng là tái cơ cấu chuỗi cung ứng, tập trung khai thác các Hiệp định thương mại tự do, các khung khổ hợp tác để xây dựng các chuỗi cung ứng mới thông qua các hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư, liên kết đầu tư với các đối tác lớn trong hàng loạt các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó tạo ra vị thế mới của DN Việt trong các chuỗi cung ứng này.

 

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng khẳng định, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ cùng cộng đồng DN, hỗ trợ DN nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đất nước.

 

Có thể nói, với sự cam kết đồng hành và chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN từ phía Chính phủ, sự vào cuộc tháo gỡ trực tiếp cho DN từ phía các bộ ngành, địa phương, cùng những nỗ lực tự thân của các DN, tin tưởng rằng, cộng đồng DN trong nước sẽ nắm bắt tốt các cơ hội để tiếp tục tồn tại và phát triển, qua đó, thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế đất nước./.

 

Quốc Dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang