Thứ Sáu, 19/04/2024 12:42:08 GMT+7

Tin đăng lúc 20-10-2017

Lượt xem: 3108

Bộ Công Thương nghiêm túc thực hiện các chủ trương về hiện đại hóa hành chính

Sáng 19/10/2017, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng- Thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cùng đoàn công tác về nội dung cải cách hành chính, hiện đại hóa hành chính- ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ Công Thương năm 2017.
Bộ Công Thương nghiêm túc thực hiện các chủ trương về hiện đại hóa hành chính
Toàn cảnh hội nghị

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ năm 2008, Bộ đã triển khai thử nghiệm một số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, đến năm 2010, cũng là Bộ đầu tiên triển khai DVCTT mức độ 4 về khai báo hóa chất. Đến nay, Bộ đã và đang triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung kế hoạch đã đề ra, có 305 TTHC cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai DVCTT mức độ 2 trở lên; trong đó có 11 nhóm DVCTT mức độ 4; 45 nhóm dịch vụ công mứC độ 3 (tương ứng với 157 DVCTT) đều được tích hợp trên Cổng DVCTT.

 

Báo cáo của Bộ Công Thương tại buổi làm việc cho biết, tính đến ngày 31/5/2017, tổng số hồ sơ liên quan đến TTHC được gửi đến Bộ Công Thương là 364.028 hồ sơ, trong đó có 345.743 hồ sơ được gửi theo hình thức trực tuyến (tương đương với 95% số hồ sơ). Số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết theo hình thức trực tuyến mức độ 3 chiếm 94%; tiếp nhận và giải quyết theo hình thức trực tuyến mức độ 4 chiếm 6%. Đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tiếp nhận/xử lý hơn 600.000 bộ hồ sơ điện tử/năm; thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép, tiếp nhận/xử lý 9.000 bộ hồ sơ/năm; thủ tục đăng ký, thông báo website thương mại điện tử tiếp nhận/xử lý 4.000 bộ hồ sơ/năm.

 

Về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, đến nay, 100% các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện quản lý và xử lý văn bản đi và đến trên Hệ thống xử lý văn bản điện tử (iMOIT). Hệ thống iMOIT đã kết nối liên thông và thường xuyên trao đổi dữ liệu với hệ thống quản lý văn bản điện tử của Văn phòng Chính phủ và công khai tiến độ xử lý hồ sơ công việc của Bộ Công Thương trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. 100% cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức thuộc Bộ được cấp thư điện tử nội bộ với hơn 2.400 tài khoản và hơn 5.000 email đi/đến trong mỗi ngày.  

 

Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành việc nâng cấp 3 DVCTT cấp độ 3 và kết nối với cơ chế một cửa quốc gia thành DVCTT cấp độ 4, dự kiến đến hết năm 2018, kết nối thêm 8 DVCTT của Bộ Công thương vào cơ chế một cửa quốc gia theo quyết định 1989/QĐ-BCT ngày 5/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt kế hoạch cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, Bộ Công Thương đang hoàn thiện và triển khai khung kiến trúc Chính phủ điện tử ngay trong tháng 11/2017.

 

 Một số khó khăn, vướng mắc cũng được ghi nhận trong báo cáo của Bộ Công Thương. Theo đó, còn hơn 20 cơ sở dữ liệu chưa bao quát hết các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, còn phân tán ở nhiều đơn vị chuyên môn khác nhau. Bộ vẫn còn sử dụng nhiều máy tính hệ điều hành, phần mềm máy tính trước năm 2010 nên có độ rủi ro về an toàn an ninh thông tin. Nhiều cổng và trang thông tin của Bộ hiện đang hoạt động trên nền tảng công nghệ cũ, có nhiều lỗ hổng về bảo mật… mà tin tặc có thể thực hiện việc tải mã độc, thay đổi giao diện và tấn công, đánh cắp, phá hủy cơ sở dữ liệu trang thông tin điện tử, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín đơn vị.

 

Tại buổi làm việc, từ thực tế hoạt động cải cách hành chính và ứng dụng CNTT thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã nêu lên một số đề xuất với Đoàn công tác. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật công nhận tính pháp lý của giấy phép dạng điện tử giữa các Bộ, ngành, địa phương để tránh việc ở Bộ, ngành, địa phương này cung cấp DVCTT và trả kết quả trực tuyến dưới dạng giấy phép điện tử nhưng kết quả này không được Bộ, ngành, địa phương khác công nhận, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận với các TTHC.

 

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét việc thống nhất các Cổng DVCTT quốc gia do Văn phòng Chính phủ làm đầu mối triển khai, Cơ chế một cửa quốc gia do Tổng cục Hải quan (Bộ Tài Chính) làm đầu mối triển khai, các hệ thống một cửa của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, qua đó tạo thành một đầu mối kết nối duy nhất, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương khi triển khai DVCTT cũng như cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia các dịch vụ hành chính công của các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, Bộ Công Thương cho rằng, cần thống nhất lại cách hiểu về DVCTT theo hướng dễ tiếp cận đối với người dân, cộng đồng doanh nghiệp và có thể hướng tới xây dựng nhóm các TTHC thay vì liệt kê theo từng TTHC như hiện nay.

 

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, sự phối hợp có hiệu quả giữa các đơn vị chức năng thuộc hai Bộ thời gian qua góp phần quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương nhằm giảm tối đa thủ tục hành chính và thời gian giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách, hiện đại hóa hành chính.

 

Thay mặt Đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng ghi nhận sự nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính, lĩnh vực hiện đại hóa hành chính - ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ Công Thương thời gian vừa qua. “Lãnh đạo Bộ Công Thương thời gian qua đã hết sức quan tâm và thực hiện nghiêm túc các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính và ứng dụng CNTT”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định.

 

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, Bộ Công Thương đã bám sát Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020… Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đề nghị Bộ Công Thương gắn kết chặt chẽ hoạt động ứng dụng CNTT với cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu quả cao nhất.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang