Thứ Sáu, 26/04/2024 06:53:17 GMT+7

Tin đăng lúc 07-10-2020

Lượt xem: 957

Bộ Công Thương: Tạo dấu ấn đậm nét trên tiến trình hội nhập

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương luôn chú trọng công tác hội nhập về kinh tế với nhiều hoạt động sôi động và hiệu quả, thúc đẩy hợp tác quốc tế và khu vực theo chiều rộng và chiều sâu, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ Công Thương: Tạo dấu ấn đậm nét trên tiến trình hội nhập
Việt Nam hiện đã có quan hệ kinh tế thương mại với 230 thị trường

Khẳng định vai trò chủ động trên các diễn đàn hợp tác

 

Trong tiến trình hội nhập giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam tiếp tục là một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng cho ASEAN trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đưa ASEAN trở thành khu vực năng động, phát triển và điểm đến đầu tư hấp dẫn trong tương lai.

 

Bộ Công Thương trong vai trò chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai đầy đủ các biện pháp thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến, ưu tiên phát triển kinh tế ASEAN, giải quyết các vấn đề còn tồn tại đặc biệt trong các lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm như thương mại hàng hóa (cắt giảm thuế nhập khẩu và các rào cản phi thuế quan, thuận lợi hóa thương mại), thương mại dịch vụ và đầu tư, giao thông vận tải, hợp tác tài chính, chính sách cạnh tranh, nông nghiệp, năng lượng, kết nối ASEAN…

 

Về thương mại hàng hóa, theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam và các nước ASEAN đã tiến rất gần đến mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan, với 98,6% dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn. Ngoài tự do hóa thuế quan, các nước ASEAN cũng đang triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của các doanh nghiệp như cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cơ chế hải quan một cửa..., các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về tiêu chuẩn trong các lĩnh vực điện-điện tử, cao su, thực phẩm chế biến sẵn, dược phẩm và thiết bị y tế…


Giai đoạn 2016 - 2020 cũng ghi dấu một mốc quan trọng trong hợp tác APEC. Trong giai đoạn này, Việt Nam lần thứ 2 trở thành nước chủ nhà đăng cai các hội nghị trong khuôn khổ hợp tác APEC vào năm 2017. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng này, Bộ Công Thương đã chủ động kiện toàn nhân sự và tập trung toàn lực để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cả về nội dung lẫn hậu cần phục vụ cho Năm APEC 2017 tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tích cực phối hợp với các thành viên APEC nhằm bảo đảm lợi ích của Việt Nam cũng như thống nhất quan điểm để tạo ra sự đồng thuận và nhất trí cao tại các hội nghị, cuộc họp do Việt Nam chủ trì trong Năm APEC 2017.

 

Với tư cách là Trưởng SOM của Việt Nam trong APEC, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan nhằm thống nhất quan điểm chung của Việt Nam, xây dựng phương án và tham dự các hội nghị về hợp tác kinh tế - thương mại trong chương trình nghị sự của APEC; tham dự các hội nghị quan chức cao cấp, hội nghị Bộ trưởng Thương mại, hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế và hội nghị cấp cao APEC qua các năm.

 

Năm 2020, do đại dịch Covid-19, các cuộc họp trong khuôn khổ APEC không thể diễn ra trực tiếp như dự kiến. Thay vào đó, các thành viên đã nhóm họp dưới hình thức trực tuyến để giải quyết các vấn đề hợp tác nổi bật cũng như ra Tuyên bố chung của APEC về dịch bệnh Covid-19. Trong quá trình tham dự các sự kiện trên, Bộ Công Thương đã phát huy vai trò Trưởng SOM của Việt Nam trong APEC để điều phối các hoạt động hợp tác kinh tế, bảo đảm quyền lợi của quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, giai đoạn 2016 - 2020 đánh dấu khởi sắc của hoạt động hợp tác kinh tế ASEM khi Hàn Quốc đứng ra đăng cai Hội nghị các quan chức cao cấp về Thương mại và Đầu tư ASEM và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM. Đây là cơ hội để các thành viên ASEM cùng phối hợp tìm ra cách thức thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai khu vực Á và Âu đã bị đình trệ hơn 10 năm. Với mục đích đó, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp cùng nước chủ nhà Hàn Quốc trong quá trình xây dựng chương trình nghị sự, tham gia góp ý các văn kiện của hội nghị đồng thời cử đoàn tham dự và có tham luận được ghi nhận tại hai Hội nghị trên. Ngoài ra, Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan để chuẩn bị nội dung của Thủ tướng tham dự các Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 và 12 tại Mông Cổ và Bỉ năm 2016 và 2018.

 

Mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại

 

Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc lộ trình mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ theo cam kết của WTO và đến nay, về cơ bản, các luật, pháp lệnh có liên quan tới việc thực thi các cam kết WTO về cơ bản đều đã được ban hành đầy đủ. Năm 2013, Việt Nam đã hoàn thành Phiên rà soát chính sách thương mại lần đầu tiên trong WTO. Cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong quá trình cải cách, hoàn thiện chính sách và thực thi các cam kết để phù hợp với quy định của WTO.

 

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành tham dự Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên WTO không chính thức vào ngày 5/11/2019 tại Thượng Hải; chuẩn bị phương án cho các phiên tham vấn song phương với Hàn Quốc về vấn đề thuế hóa mặt hàng gạo; xây dựng và triển khai Đề án chuẩn bị cho Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam tại WTO vào năm 2020; xây dựng phương án và tham gia các phiên đàm phán về trợ cấp thủy sản của WTO.

 

Đặc biệt, Việt Nam đã tích cực tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong bối cảnh hệ thống thương mại đa biên đang gặp phải những khó khăn nhất định, sự phát triển hợp tác kinh tế song phương và khu vực, thể hiện qua việc hình thành các FTA là một sự bổ trợ quan trọng cho mục tiêu tự do hoá thương mại và đầu tư đa phương trên phạm vi toàn cầu hiện nay.

 

Bộ Công Thương đã đóng vai trò là cơ quan đầu mối trong quá trình đàm phán, triển khai thực thi các FTA và cũng là cơ quan được phân công quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng chịu sự điều chỉnh bởi các FTA đó. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

 

Việc hình thành các FTA với mức độ tự do hóa sâu rộng đã và đang đem lại những cơ hội và cả thách thức không nhỏ đối với những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc mà cần phải chủ động nắm bắt xu thế FTA, tham gia có lựa chọn để nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường, mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với các đối tác quan trọng.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang