Thứ Bẩy, 20/04/2024 15:53:28 GMT+7

Tin đăng lúc 02-01-2018

Lượt xem: 2712

Bộ Công Thương: Tiên phong trong nói và làm!

Cuối tháng 11/2017, trong Báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, Chính phủ nêu bật kết quả công tác thu gọn đầu mối trực thuộc, đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC) và cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) của Bộ Công Thương như những minh chứng cho quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ.
Bộ Công Thương: Tiên phong trong nói và làm!
Bộ phận một cửa tại Cục Công tác phía Nam - Bộ Công Thương

Cải cách vì người dân, doanh nghiệp

 

Ngay đầu nhiệm kỳ, ngày 12/7/2016, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, để phục vụ doanh nghiệp (DN) và người dân tốt hơn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, ngành Công Thương phải tái cơ cấu ngay trong bộ máy của mình. 

 

Thực hiện chỉ đạo, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 98/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của Bộ nhằm đáp ứng tình hình mới, trong đó có nội dung quan trọng là sắp xếp, thu gọn từ 35 xuống còn 30 đơn vị, cùng với đó là những thay đổi, bố trí nhân sự nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác.

 

Tiếp sau đó, bước vào năm 2017, với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và từ kết quả rà soát, đánh giá trên cơ sở quy định của pháp luật và thực tiễn điều hành, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3610a cắt giảm 675 ĐKKD, nhiều hơn khoảng 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu, chiếm khoảng 55,5% tổng số ĐKKD của 27 nhóm ngành hàng thuộc lĩnh vực Bộ quản lý. Trước đó, tháng 10/2016, Bộ Công Thương bãi bỏ 15 TTHC, đơn giản hóa 108 trong tổng số 443 TTHC.

 

Với quan điểm làm một cách triệt để, khách quan, công tâm nhất và cải cách hành chính (CCHC) không phải vì Bộ Công Thương mà là vì DN và tiến tới mục đích xa hơn là vì xã hội, đại bộ phận dân chúng. Trong một cuộc họp về công tác CCHC hồi đầu tháng 9/2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Các con số 300, 400 hay 500 điều kiện, giấy phép con được thống kê không quan trọng bằng việc, thời gian tới Bộ có cải cách hay không, bao nhiêu thủ tục sẽ tiếp tục được gỡ bỏ. Và rõ ràng, với 5 tiêu chí: Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; lưu ý đến các cam kết quốc tế của Việt Nam; đáp ứng tiêu chí trong Luật Đầu tư và các luật liên quan; phải có tính khả thi và bảo đảm nguồn lực thực thi, cắt giảm ĐKKD gắn với cải cách TTHC, những động thái của Bộ Công Thương được cộng đồng DN và người dân đánh giá cao.

 

Bản lĩnh người đứng đầu

 

Đánh giá về công tác CCHC, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, trong đó có nỗ lực của Bộ Công Thương, ông Phạm Trọng Nhân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương - ví von, quá trình để một "ấu trùng hóa bướm" phải trải qua nhiều giai đoạn rất đau đớn và như thế, trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, dù phải lấy đá ghè chân chính mình thì chúng ta cũng phải làm. 

 

Chia sẻ quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Ninh Thuận) nhấn mạnh, đây là vấn đề tế nhị, nhạy cảm, động chạm đến con người và các mối quan hệ của con người, nên trước hết đòi hỏi người đứng đầu phải thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh trong việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức để đưa đúng người cần tinh giản, không đủ tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm vào danh sách tinh giản biên chế. 

 

Những nhận xét, đánh giá của các đại biểu Quốc hội rất sát với thực tế tại Bộ Công Thương trong suốt năm qua khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo thực hiện đột phá trong công tác tổ chức bộ máy, chấp nhận va chạm, thách thức, đặt lợi ích chung của DN và người dân trên hết chứ không đơn thuần là "tách ra là để chuyên sâu, nhập vào là để giảm đầu mối".

 

Đánh giá cao những nỗ lực trong CCHC của Bộ Công Thương, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) cho rằng, đây là bộ tiên phong trong đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đại biểu Sinh cũng nhấn mạnh, Bộ Công Thương là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực CCHC, tạo thuận lợi trong kinh doanh. "Khởi điểm cho những tiền đề về hỗ trợ DN là việc Bộ cắt giảm 675 các ĐKKD, tương đương với 55,5% ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý của bộ này" - ông Sinh nói. Tuy nhiên, Bộ Công Thương còn nhiều việc phải thực hiện trong CCHC, từ tiếp tục bãi bỏ và đơn giản hóa các TTHC, ĐKKD, rà soát để giảm bớt danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, tăng cường hình thức hậu kiểm, đến áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn… 

 

Cùng chung những nhận định tích cực về Bộ Công Thương, nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý thêm, trong CCHC, tạo thuận lợi đầu tư, kinh doanh, cần phát huy vai trò của các hiệp hội, ngành hàng, trách nhiệm của DN bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để có thể phân biệt rạch ròi, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành nghề và DN.

 

Lưu ý với Bộ Công Thương, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) bày tỏ, cắt, giảm ĐKKD chỉ là bước đầu, bước tiếp theo để đạt kết quả là phải đồng bộ trong quá trình thực thi. Theo đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ thừa hành theo đúng tinh thần phục vụ người dân và DN. 

 

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh, không chỉ các chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao mà cộng đồng DN rất kỳ vọng tiến trình cắt giảm ĐKKD của Bộ Công Thương được đẩy nhanh. Tuy nhiên, theo ông Thân, các cơ quan nhà nước và DN không nên có tâm lý quá "nóng vội". Bởi, theo kết quả rà soát, chỉ riêng việc cắt giảm 675 ĐKKD trong 16 lĩnh vực, chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương đòi hỏi phải sửa đổi ít nhất 16 nghị định liên quan. 

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang