Thứ Bẩy, 20/04/2024 19:26:38 GMT+7

Tin đăng lúc 19-06-2019

Lượt xem: 1590

Bò nội không dễ đấu với bò ngoại

Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành, Bộ NN&PTNT cho biết thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ, trong đó nhấn mạnh phát triển chăn nuôi bò. Liệu thịt bò nội có đủ sức đấu lại thịt ngoại đang "làm mưa, làm gió" trên thị trường trong nước?
Bò nội không dễ đấu với bò ngoại
Thịt bò nhập khẩu đang dần chiếm lĩnh thị trường Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, sản lượng thịt gia súc ăn cỏ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thịt lợn và gia cầm. Sản lượng thịt gia súc ăn cỏ sản xuất trong nước chỉ chiếm 8,60% tổng sản lượng thịt các loại. Cả nước hiện sản xuất khoảng 5,5 triệu tấn thịt các loại, trong đó hơn 70% là thịt lợn.

 

Thói quen ăn thịt lợn dẫn đến tập trung sản xuất thịt lợn lớn, khiến ngành chăn nuôi phải đối diện với nhiều rủi ro về dịch bệnh, môi trường và mới đây nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang diễn biến phức tạp tại hầu khắp các địa phương.

 

Thịt bò ngoại ồ ạt tấn công

 

Trước thực tế trên, ngành chăn nuôi định hướng thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ, trong đó nhấn mạnh phát triển chăn nuôi bò.

 

Đánh giá về tiềm năng, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết mức tiêu thụ thịt bò của Việt Nam thấp hơn mức tiêu thụ thịt bò trung bình của thế giới và một số nước khu vực xung quanh như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU.

 

Mức tiêu thụ sữa của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực như: Indonesia; Philippines nhưng thấp hơn rất nhiều mức tiêu thụ sữa trung bình của thế giới. Điều này cho thấy ngành chăn nuôi bò thịt và ngành sữa Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.

 

Dẫn số liệu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ còn có nhiều "dư địa" để thúc đẩy phát triển. Cụ thể là nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong nước khoảng 3kg/người/năm, trong khi ở khu vực châu Á là hơn 5kg, còn ở một số quốc gia phát triển là hơn 9kg.

 

Tương tự với nhu cầu bình quân sử dụng sữa trung bình ở khu vực châu Á là 81kg/năm, thế giới là 120kg, trong khi ở Việt Nam là 20kg, đây là lợi thế để ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ định hướng tổ chức lại sản xuất trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

 

Tiềm năng là vậy nhưng không dễ để thịt bò nội có đủ sức đấu lại thịt ngoại đã và đang "làm mưa, làm gió" trên thị trường nội địa những năm vừa qua. Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng Việt rất ưa chuộng thịt ngoại. Hiện nay, thịt bò nhập khẩu từ Úc, Mỹ đã có mặt ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng bán lẻ rồi đến các chợ lẻ, các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn.

 

Khảo sát cho thấy, ở tất cả các phân khúc thịt bò tiêu thụ trong nước, thịt bò ngoại đang chiếm ưu thế. Đối với thịt bò cao cấp dùng cho các nhà hàng hạng sang, khách sạn cao cấp có thịt bò Kobe Nhật Bản, thịt bò Mỹ xách tay, đông lạnh.

 

 

Thay đổi để cạnh tranh

 

Đối với phân khúc thịt bò tươi ở các hệ thống bán lẻ hiện đại có thịt bò nhập nguyên con từ Úc về giết mổ và cung cấp. Đối với các phân khúc thấp hơn như bếp ăn công nghiệp, quán ăn, quán phở…, thịt bò đông lạnh chiếm ưu thế tuyệt đối.

 

Vì vậy, muốn cạnh tranh, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho rằng các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thịt và sữa cần xác định các thị trường mục tiêu trong nước và quốc tế để phát triển.

 

Đối với khai thác thị trường nội địa, doanh nghiệp cần chia phân khúc thị trường khi xác định mục tiêu sản xuất và kinh doanh thịt bò đặc sản. Đây là những nhóm sản phẩm chất lượng cao chưa bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu và cũng là lợi thế của sản xuất trong nước. Các phân khúc còn lại cũng cần phân loại sản phẩm để hướng tới những nhu cầu tiêu dùng khác nhau.

 

"Các sản phẩm này sẽ phải cạnh tranh đối với các sản phẩm thịt bò Kobe (Nhật Bản), thịt bò Úc… Do vậy, ngành cần tăng cường nhiều hơn các nhà máy giết mổ, chế biến, chăn nuôi theo chuỗi liên kết, qua đó giúp hạ giá thành sản phẩm", ông Toản nhấn mạnh.

 

Theo Ts. Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng Văn phòng thường trực Nam Bộ, phụ trách khuyến nông chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, giải pháp giúp nông dân phát triển đàn bò thịt là hình thành những đơn vị cung cấp thức ăn hỗn hợp dành cho gia súc này từ phụ phẩm nông nghiệp.

 

Phụ phẩm nông nghiệp có khắp nơi nhưng rất ít đơn vị thu gom chế biến thành thức ăn cho gia súc, nếu từng hộ nông dân phải làm việc này thì chăn nuôi mãi nhỏ lẻ theo kiểu lấy công làm lời.

 

Chỉ khi có đầu mối cung cấp thức ăn chuyên nghiệp, ngành chăn nuôi bò thịt mới chuyên môn hóa, tăng đàn trên từng hộ, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh.

 

Tương tự, ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, cho rằng để có ngành chăn nuôi bò phát triển cần phải có sự thay đổi đồng bộ.

 

Trong đó, nhấn mạnh vào khâu nghiên cứu, phát triển con giống; thay đổi cách chăn nuôi. Có như vậy, ngành chăn nuôi bò Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh với bò nhập khẩu.

 

Theo thoibaokinhdoanh.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang