Thứ Sáu, 29/03/2024 08:34:18 GMT+7

Tin đăng lúc 22-09-2017

Lượt xem: 9366

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương sẽ phối hợp với tỉnh Thái Nguyên giải quyết từng kiến nghị

Ngày 21/9, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Nguyên và một số sở, ngành trên địa bàn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội những tháng đầu năm, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương sẽ phối hợp với tỉnh Thái Nguyên giải quyết từng kiến nghị

Tại buổi làm việc, sau khi nghe địa phương thông báo kết quả thực hiện nhiệm vụ và nêu một số kiến nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương phối hợp với địa phương để giải quyết từng kiến nghị trong thời gian sớm nhất.

 

8 tháng, sản xuất công nghiệp tăng 18,1%; thương mại, dịch vụ tăng 9,4%

 

“Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của quần chúng nhân dân, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, 8 tháng đầu năm 2017, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cơ bản được thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra” – Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ- thông báo với đoàn công tác của Bộ Công Thương và cho biết, ngay từ đầu năm, các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tính năng động, khai thác và sử dụng tốt các nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, tiếp tục tập trung chi đạo thực hiện 8 chương trình, 16 đề án, quy hoạch và 20 công trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016-2020, trong đó có những dự án trọng điểm, đã góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 

Cụ thể, tính chung trong 8 tháng qua, tốc độ tăng trường kinh tế (GRDP) trên địa bàn ước đạt 14,1%; Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 18,1%; Giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 15,43 tỷ USD, tăng trên 26% so với cùng kỳ, xuất siêu trên 6,1 tỷ USD... Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc với việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho 51 dự án mới, cấp điều chỉnh thay đổi 32 Giấy chứng nhận đầu tư.

 

Trong lĩnh vực công nghiệp, ông Trần Quốc Tỏ cho biết, những tháng đầu năm 2017, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng cao, nhất là nhóm sản phẩm vonfram, điện tử, viễn thông... đã đóng góp lớn vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Tính chung 8 tháng đầu năm 2017, giá trị SXCN (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn ước đạt 377.000 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ, bằng 67% kế hoạch năm.

 

Trong lĩnh vực thương mại, tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 16.046,7 tỷ đồng, tăng 9,4% so cừng kỳ, bằng 64,2% kế hoạch năm. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,55 so với cùng kỳ năm 2016.

 

Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu của Thái Nguyên trong 8 tháng qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận với giá trị xuất khẩu đạt 15,43 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 195,8 triệu USD; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dạt 15,234 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chù yếu là: giấy đế, sản phẩm may, điện thoại và các loại linh kiện, kim loại màu và tinh quặng kim loại màu, sản phẩm từ sắt thép...

 

“Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai xây dựng Đồ án “Mỗi xã, phường một sản phẩm Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025”; đề án “Nghiên cứu thị trường Xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao công nghệ thông tin và điện tử tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 tầm nhìn 2030”” – ông Tỏ thông báo thêm.

 

Giải đáp nhiều kiến nghị của địa phương

 

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã nêu một số đề xuất với Bộ trưởng Bộ Công Thương với mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa trong thời gian tới để không chỉ phát triển công nghiệp, thương mại mà còn tạo động lực để Thái Nguyên phát triển kinh tế xã hội.

 

Theo đó, đối với Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt dự án triển khai thực hiện “xóa trắng” điện cho 76 xóm, bản trên địa bàn 19 xã thuộc 05 huyện với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn ngân sách Trung ương chưa cấp đủ nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai.

 

“Đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu hoặc sử dụng các nguồn vốn ODA để tỉnh Thái Nguyên hoàn thành dự án” – ông Tỏ nói và đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giúp tỉnh đầu tư hạ tầng điện (trạm biến áp, đường dây và hạ tầng kỹ thuật khác) đáp ứng nhu cầu cho một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

 

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiết kiệm thời gian, chi phí trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, UBND Thái Nguyên đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, tạo điệu kiện, ủy quyền cho Sở Công Thương được cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) các mẫu: D, VK, vc, VJ, AANZ, AI, AJ, X, s cho hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là lĩnh vực công nghiệp, thương mại của Thái Nguyên trong thời gian qua.

 

“Thái Nguyên có vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng với không chỉ khu vực miền núi phía Bắc mà với cả nước” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và cho rằng, những kết quả trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư Thái Nguyên đạt được là cơ sở quan trọng để tỉnh phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực.

 

“Chúng tôi đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ địa phương thực hiện các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch trọng điểm trên địa bàn” – Bộ trưởng nói và cho rằng, Thái Nguyên cần tính toán đến khả năng liên kết với các địa phương trong vùng và cả nước khi triển khai các dự án trọng điểm. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp.

 

Trước những kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương thống nhất chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ và EVN ưu tiên nguồn lực đầu tư để đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

 

“Thái Nguyên nên xem xét phát triển hệ thống điện từ năng lượng mặt trời trên Hồ Núi Cốc” – Bộ trưởng gợi ý và cho rằng, vì không sử dụng mặt bằng là mặt đất nên suất đầu tư cho hệ thống điện này sẽ không cao và có tính khả thi trong thực tiễn.

 

Về việc cấp điện cho các xóm, bản khó khăn, Bộ trưởng cho biết, hiện nguồn vốn Trung ương đầu tư cho các hạng mục này còn hạn chế, tuy nhiên, Bộ

Công Thương thống nhất với Thái Nguyên sẽ tiếp tục rà soát, cân đối nguồn lực để địa phương sớm hoàn thành việc đưa điện lưới về thôn bản.

 

Với kiến nghị ủy quyền cho Sở Công Thương được cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Bộ trưởng cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền trong thời gian sớm nhất.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang