Thứ Sáu, 29/03/2024 22:09:26 GMT+7

Tin đăng lúc 25-07-2018

Lượt xem: 1674

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Lợi ích của người dân là then chốt trong phát triển điện năng, công nghiệp và thương mại

Làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh Quảng Bình về kết quả và phương hướng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, địa phương còn nhiều dư địa phát triển, song cần rà soát tổng, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch, có giải pháp phù hợp trên cơ sở lấy lợi ích của người dân làm yếu tố then chốt.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Lợi ích của người dân là then chốt trong phát triển điện năng, công nghiệp và thương mại
Kiểm tra hiện trường Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch, Bộ trưởng chỉ đạo EVN triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công nghệ, thiết bị, chất lượng xây dựng, vận hành và an toàn môi trường

Tham dự buổi làm việc với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng lãnh đạo các cục, vụ của Bộ Công Thương, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Quảng Bình.

 

Công nghiệp, thương mại trên địa bàn tăng trưởng nhẹ

 

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình

 

Báo cáo với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Đoàn công tác của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại (CN-TM) của địa phương trong 6 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Xuân Quang – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình – cho biết, dù còn gặp nhiều khó khăn, song nhờ chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có CN-TM, nên kết thúc tháng 6/2018, địa phương đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 6,29%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,9%; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 6,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 5,7% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 6,1%; chế biến, chế tạo tăng 5,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 4,1%...

 

Tuy nhiên, “trong 6 tháng đầu năm, công nghiệp có tăng trưởng nhưng chưa cao, chưa có các dự án công nghiệp mới có năng lực, giá trị cao đi vào hoạt động. Một số dự án công nghiệp hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2016 và năm 2017, nhưng hiện nay chưa phát huy hiệu quả. Tiểu thủ công nghiệp mặc dù có tăng trưởng, nhưng quy mô còn nhỏ, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu” - ông Nguyễn Xuân Quang đánh giá.

 

Đối với lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 11.535 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên theo đánh giá của địa phương, vẫn còn nhiều hạn chế, như: Thiếu các khu vui chơi giải trí và trung tâm mua sắm lớn, hiện đại; ít mặt hàng lưu niệm để phục vụ khách tham quan, du lịch. Đặc biệt, công tác quản lý thị trường còn nhiều bất cập trong thực hiện kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái.

 

Những kiến nghị cho phát triển

 

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 và những năm tiếp theo, nhất là lĩnh vực CN – TM, ông Hoàng Đăng Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình - kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương trong công tác định hướng, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, giải pháp và tìm kiếm nguồn lực đầu tư, tổ chức thực hiện.

 

Cụ thể, với mong muốn phát triển nhanh, bền vững các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhiệt điện và điện mặt trời với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp khác, Quảng Bình đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất và truyền tải điện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dự án Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I & II theo đúng tiến độ Quy hoạch điện VII đã phê duyệt. Hỗ trợ nguồn vốn thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2014-2020 bằng nguồn vốn ODA và Tiểu Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2018-2020 do EU tài trợ để triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, giới thiệu các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước có nhiều kinh nghiệm và năng lực tài chính đến nghiên cứu, khảo sát phát triển các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (dệt may, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao...), năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường và cảnh quan du lịch để giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Thảo luận chi tiết, khuyến nghị cụ thể

 

Trước khi có ý kiến với lãnh đạo địa phương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trao đổi, giải đáp và đưa ra khuyến nghị cụ thể với từng đề xuất, kiến nghị với mong muốn thống nhất quan điểm giữa Bộ và địa phương, xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp hiệu quả nhất.

 

Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - cho biết, những dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ thường nằm gần và là vệ tinh của các dự án công nghiệp lớn. Do đó, để thu hút đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ, trước hết địa phương cần có những dự án công nghiệp lớn để dẫn dắt. Vì vậy, Quảng Bình cần lực chọn lĩnh vực, ngành công nghiệp trọng điểm để thu hút đầu tư và tạo hiệu ứng thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ.

 

Đi thẳng vào vấn đề cơ cấu sản phẩm xuất khẩu (XK) của địa phương, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – cho rằng, địa phương có nhiều sản phẩm XK nhưng nền tảng sản xuất và nguồn hàng chưa bền vững sẽ là khó khăn cho tăng trưởng XK. Cùng với phát triển sản xuất, đa dạng hóa mặt hàng XK, Quảng Bình nên xem xét kết hợp phát triển du lịch để XK hàng hóa tại chỗ thông qua kênh phân phối, bán lẻ cho du khách quốc tế. Quảng Bình có nhiều cửa khẩu với Lào và Thái Lan, hệ thống đường hàng không, đường sắt, đường biển… thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá, do đó, cần tiếp tục đầu tư và kêu gọi đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng quan trọng này.

 

Cùng địa phương bàn giải pháp phát triển thị trường nội địa, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - thông báo, Vụ đang xây dựng và thực hiện đưa các đặc sản vùng miền vào hệ thống phân phối bán lẻ trong và ngoài nước và đề nghị tỉnh chủ động lựa chọn, kết nối với các cơ quan hữu quan để lập danh sách, đưa các sản phẩm đặc sản vào hệ thống tiêu thụ. Vụ cũng sẵn sàng hỗ trợ địa phương kết nối với các nhà bán lẻ lớn để đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại và tiêu thụ các sản phẩm của địa phương.

 

Trong công tác xúc tiến thương mại (XTTM), ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục XTTM – chỉ rõ, một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa trong nước nói chung, Quảng Bình nói riêng khó tiếp cận thị trường là mẫu mã còn nghèo nàn, đơn điệu. Để hỗ trợ, Cục XTTM được Bộ Công Thương giao thực hiện chương trình đào tạo về thiết kế mẫu mã và xây dựng, quảng bá thương hiệu. Vì vậy, chính quyền và DN trên địa bàn tỉnh nên chủ động tiếp cận, tham gia vào các chương trình này.

 

Trước các đề nghị của địa phương liên quan đến lĩnh vực điện năng, cụ thể là Dự án trung tâm điện lực Quảng Trạch, ông Lê Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – đưa ra con số: Trên 300 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng nên ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, đề nghị địa phương phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xem xét phương án điều chỉnh quy hoạch địa điểm thực hiện dự án (nếu có) theo hướng phù hợp với thực tế nhu cầu sử dụng đất của dự án và đảm bảo an sinh, xã hội. Về vấn đề môi trường, ông Lực khẳng định, với công nghệ tiên tiên và quy trình giám sát chặt chẽ từ khâu đầu tư, dự án sẽ giảm tối đa ô nhiễm và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường theo quy định.

 

Với tư cách là chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I & II, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN – làm rõ thêm, cùng với việc hoàn thành hố sơ pháp lý đề án xây dựng, phương án hạ tầng thì báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được các cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt. Đến nay, EVN đã hoàn thành hồ sơ pháp lý về phê duyệt FS, báo cáo đánh giá tác động môi trường và các thủ tục triển khai đầu tư. Về công nghệ, EVN chia dự án thành 2 giai đoạn, sơ tuyển và đấu thầu. Theo đó, khi sơ tuyển đạt yêu cầu mới tiến hành các bước tiếp theo để đấu thầu nhằm tìm kiếm công nghệ tiên tiến nhất cho nhà máy. “Đặc biệt, hệ thống băng tải than, hệ thống khử lưu huỳnh, khử bụi… của nhà máy đều áp dụng theo các tiêu chuẩn tiên tiến của châu Âu” – ông Thành khẳng định và thông tin thêm, với nguồn tro xỉ, vì nguồn than đầu vào của nhiệt điện Quảng Trạch sử dụng than nhập khẩu nên lượng tro xỉ rất ít và có chất lượng phù hợp để xử dụng làm vật liệu xây dựng, vật liệu sản lấp.

 

Phải coi lợi ích của người dân là yếu tố then chốt trong phát triển

 

Từ tổng hợp kiến nghị của địa phương, ý kiến của các đơn vị chức năng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, thời gian qua, dù các lĩnh vực kinh tế mà trọng tâm là công nghiệp, thương mại, dịch vụ của Quảng Bình có tăng trưởng, nhưng chưa đạt kế hoạch, cho thấy địa phương đã và đang gặp những khó khăn nhất định.

 

“Thời gian qua, địa phương đã có một số dự án công nghiệp đi vào hoạt động, tuy nhiên, đóng góp vào sự phát triển chưa nhiều” – Bộ trưởng khuyến nghị địa phương cần rà soát, đánh giá toàn diện và hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch phù hợp với các quy hoạch chung của cả nước và thực tiễn địa phương để đưa ra các giải pháp khắc phục hạn chế; xây dựng kế hoạch phát triển và thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư.

 

Bộ trưởng phân tích, công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp phụ trợ chưa đạt hiệu quả do điều kiện hạ tầng và nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. “Trong khi đó, những ngành công nghiệp, như: ôtô, cơ điện tử, cơ khí chính xác… cần nguồn nhân lực chất lượng cao” - Bộ trưởng chỉ rõ và cho biết, hiện có nhiều đối tác trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực này nhưng lo lắng của họ là nguồn nhân lực. Vì vậy, địa phương cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu nói trên.

 

Để tạo “sân chơi” cho các nhà đầu tư, vấn đề hạ tầng (khu, cụm công nghiệp…) là yếu tố quan trọng hàng đầu, Bộ trưởng gợi ý, nhiều đối tác sản xuất ôtô, điện thoại… rất mong muốn đầu tư tại Quảng Bình, nhưng cần xem lại cơ sở, điều kiện, kế hoạch của địa phương đã đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư hay chưa. Đó là những câu hỏi cần có lời giải trước khi đặt vấn đề kêu gọi đầu tư.

 

Hơn thế, trong chuỗi kết nối với khu IV và khu V, Quảng Bình có lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành ôtô và năng lượng, điện năng. Bộ Công Thương sẽ xem xét, phối hợp chặt chẽ với Quảng Bình và các địa phương cụ thể hóa hướng đi và những giải pháp.

 

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng đặt vấn đề về công tác phát triển thương mại, du lịch với khuyến nghị địa phương cần có đánh giá tổng thể các tiềm năng, thế mạnh để xây dựng kế hoạch phát triển đồng bộ các sản phẩm địa phương, gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm du lịch, dịch vụ riêng có.

 

 

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao quà ủng hộ các hộ nghèo, hộ khó khăn và gia đình chính sách trên địa bàn

 

Với Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I & II, từ bài học sự cố môi trường biển năm 2016, Bộ trưởng nhấn mạnh, cả Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Bình, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải hết sức quan tâm đến công nghệ để đảm bảo môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất tác động bất lợi đến môi trường và đời sống của nhân dân.

 

“Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch và các khu vực phụ cận, khu vực tái định cư, gặp gỡ người dân, tôi thực sự chưa thấy an tâm” – Bộ trưởng lưu ý, hiện các hộ dân phản ánh khu tái định cư còn thiếu nước sinh hoạt, thiếu trường học, chợ… đặc biệt, sinh kế của người dân tái định cư chưa đảm bảo, dễ dẫn đến sự bất ổn xã hội. Từ thực tiễn đó, Bộ trưởng yêu cầu địa phương và chủ đầu tư cần quan tâm hơn nữa đến sinh kế và các điều kiện hạ tầng trong khu tái định cư nhà máy với quan điểm phải coi lợi ích của người dân là yếu tố then chốt trong phát triển lĩnh vực điện năng nói riêng, công nghiệp, thương mại nói chung.

 

Tại buổi làm việc, đồng thời với việc chỉ đạo EVN triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo về công nghệ, thiết bị, chất lượng xây dựng, an toàn môi trường…, Bộ trưởng khẳng định: “Ngoài trách nhiệm của EVN với vai trò là chủ đầu tư, Bộ Công Thương có trách nhiệm và có đủ thẩm quyền để kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm đối các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai xây dựng và vận hành Dự án nhiệt điện Quảng Trạch”.

 

Bộ trưởng giao các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Bình trong công tác tham mưu, hỗ trợ và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 

Theo Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang