Thứ Ba, 16/04/2024 15:36:40 GMT+7

Tin đăng lúc 08-03-2017

Lượt xem: 3942

Bồng bềnh 'thiên đường hoa' tháng 3 trên cao nguyên đá Hà Giang

Nói đến Hà Giang, hẳn nhiều người sẽ chỉ nghĩ đến tháng 9 với mùa tam giác mạch nở bung. Có lẽ nhiều người không biết, giữa đèo cao vực sâu, rừng đá bạt ngàn, chưa bao giờ những thảm hoa nhỏ xinh thôi bung nở, hãy thử đến Hà Giang vào tháng 3 để cảm nhận "thiên đường hoa" nhiều sắc màu.
Bồng bềnh 'thiên đường hoa' tháng 3 trên cao nguyên đá Hà Giang

Tháng Ba, khi mà Tết Nguyên Đán vừa trôi qua, không khí khô lạnh cuối đông đã nhường chỗ cho "nàng tiên" mùa xuân dạo bước, ấy là mùa cả cao nguyên đá được tô điểm bởi sắc trắng tinh khôi của hoa mơ, hoa mận, hoa lê. Mùa xuân lên địa đầu biên cương, người ta hay ấn tượng với màu hồng của đào phai nổi bật trên hàng rào đá xám nên hoa mơ, hoa mận, hoa lê với sắc trắng miên man dễ chìm khuất giữa làn mây bàng bạc, sương trắng lửng lơ.

 

Khác với Mộc Châu, hoa mận, hoa mơ, hoa lê Hà Giang không được trồng dàn trải, không được sắp đặt hàng lối hay cắt tỉa cầu kì. Những loài hoa cao nguyên cứ hồn hậu và dung dị lớn lên, theo đường ong bướm mà phát tán hương mật, mà ngẫu hứng sinh sôi. Đường lên cao nguyên, đôi khi ta có thể gặp những khu rừng mơ chen hoa dày đặc, lại cũng có thể đi hết cả thung lũng săn tìm hoa trắng mà chẳng ra, giống như trò đuổi bắt nghịch ngợm của nàng sơn nữ làm lữ khách đường xa cứ mê đắm đi tìm.

 

 

 

Có lẽ ở vùng cao, cái lạnh kéo dài nên hoa nở cũng bền hơn. Mơ, lê, mận khi vẫn đầu cành khoe sắc, ấp ủ những mầm xanh thì ở dưới chân đã bừng lên một màu hoa mới: màu vàng hoa cải nương. Cải nương là một loài rau quen thuộc của đồng bào vùng cao, cùng với mèn mén, bát canh rau cải là những món ăn nuôi sống đồng bào qua mùa đông giá buốt, rét lạnh. Những vạt rau được tãi tùy tiện trên nương ngô, vươn mình qua hốc đá, uống nước sương cao nguyên mà lớn lên, chính vì vậy mà hoa cải vùng cao đặc biệt mạnh mẽ và bền bỉ.

 

Không giống như mùa hoa cải “nắng vàng trong mê mải” xứ phù sa sông Hồng, hoa cải Hà Giang ngoài việc tô thắm cho đời, còn tượng trưng cho một mùa no ấm, mùa tích hạt gieo trồng cho vụ sau. Khách đến cao nguyên xin hãy nhẹ chân, đừng quá phấn khích chạy nhảy hay vặt hái những bông cải chín vàng, đừng làm người dân vùng cao buồn lòng vì vạt lương thực bị phá hoại.

 

Những vạt cải vàng làm bừng sáng cả đất trời vùng cao nguyên đá xám.

 

Cùng với cải trắng, cải vàng, tháng 3 là mùa hoa tím bung nở mạnh mẽ nhất. Trên những nương ngô khô khốc sau thu hoạch, bên những hẻm núi hun hút sâu, những cây hoa dại cứ lặng lẽ nảy mầm, âm thầm lớn lên. Từng thân cây nhỏ bé, đứng sát bên nhau thành từng vạt lớn, từng bông hoa li ti, liên kết với nhau thành từng chùm, và len lỏi lan sắc khắp cao nguyên, xua đi màu đá xám lạnh lẽo. Đến một ngày mùa xuân, chợt hiện ra từng dải màu tím tỏa lan trên sườn núi, viền theo những con đường mòn uốn lượn trong chiều hoàng hôn, đẹp như một miền cổ tích, làm làm nức lòng những người lữ khách phương xa.

 

 

 

Vạt hoa tím len lỏi bừng nở trên cao nguyên.

 

Ai đã đi qua vùng núi Hà Giang tháng 3 đều không tránh khỏi choáng ngợp trước những ngọn đồi, triền núi bát ngát hoa thơm. Không chỉ mơ, mận, lê, cải, lau mà mùa này bạn còn có thể săn tìm sắc đỏ của hoa gạo, hoa chuối rừng, sắc tím hồng của hoa ban, và những tấm thảm hoa trẩu li ti sáng bừng cả bầu trời Đông Bắc…

 

 

Hoa gạo "thắp lửa" trên những cung đường phượt ở miền cao nguyên đá.

 

Tận mắt thưởng lãm những bức tranh hoa rực rỡ, đắm mình trong không gian tràn ngập sắc hương, mọi du khách đều không thể rời mắt và càng thấy yêu hơn vùng cao Tổ quốc, yêu tháng 3 với những mùa hoa quyến rũ.

 

Nguồn Emdep.vn

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang