Thứ Sáu, 29/03/2024 05:52:26 GMT+7

Tin đăng lúc 12-12-2019

Lượt xem: 3120

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2020: Dự báo nhiều khởi sắc

CIEM nhận định, năm 2020 tăng trưởng GDP ước đạt 6,72%, lạm phát bình quân khoảng 3,17%, tăng trưởng xuất khẩu ước đạt 7,64%, cán cân thương mại vào khoảng 2,3 tỷ USD.
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2020: Dự báo nhiều khởi sắc
Năm 2020, dự báo tăng trưởng GDP ước đạt 6,72%. Ảnh minh họa

Tại báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019-2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, tăng trưởng GDP 2019 sẽ dao động quanh ngưỡng 7,2%, lạm phát bình quân khoảng 2,78%, tăng trưởng xuất khẩu ước đạt 8,13%, cán cân thương mại vào khoảng 4,2 tỷ USD.

 

Năm 2020, CIEM dự báo, tăng trưởng GDP ước đạt 6,72%, lạm phát bình quân khoảng 3,17%, tăng trưởng xuất khẩu ước đạt 7,64%, cán cân thương mại vào khoảng 2,3 tỷ USD.

 

Cũng dự đoán về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay là 6,6% và giảm còn 6,5% trong năm tới do tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất nông nghiệp chậm lại. Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì nhận định, mức tăng trưởng khoảng 6,5% cho cả giai đoạn do các yếu tố kém thuận lợi của kinh tế toàn cầu.

 

Dù bức tranh kinh tế có khởi sắc nhưng ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho rằng, kinh tế Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức khi cả động lực, tiềm năng và chất lượng tăng trưởng đều đang có vấn đề, trong khi sự chuẩn bị trong nước dường như chưa tương xứng với tiềm năng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới.

 

Ðộng lực cho tăng trưởng kinh tế ở 3 quý vừa qua chủ yếu dựa vào xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, khai khoáng và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng tới đây, xuất khẩu sẽ không còn dễ dàng.

 

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Ðình Cung, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng CIEM nhìn nhận, kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng tăng trưởng nhờ xuất khẩu nhưng rất bấp bênh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp như hiện nay.

 

Nói về những khó khăn của kinh tế Việt Nam thời gian tới, TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay của nền kinh tế thế giới là nợ công và căng thẳng thương mại gia tăng. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư vào bất động sản đang phải dựa rất nhiều vào vốn vay của ngân hàng, nhưng khả năng đáp ứng của thị trường vốn trong dài hạn là rất thấp.

 

“Mặc dù lãi suất huy động đang giảm dần nhưng lãi suất cho vay vẫn khó giảm bởi sự bất cân xứng giữa nguồn vốn dài hạn và ngắn hạn. Ðây là yếu tố có thể tác động nhanh chóng đến sự an toàn của của doanh nghiệp”, ông Bằng phân tích.

 

TS. Vũ Bằng cũng nói thêm, yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay đối với các doanh nghiệp là tăng cường quản trị công ty. Ðây là yếu tố vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thể tăng khả năng quản trị rủi ro, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động. “Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp nào làm tốt vấn đề quản trị công ty thì đều đạt kết quả kinh doanh tích cực, từ đó giá trị công ty sẽ được đánh giá cao hơn, khả năng tiếp cận vốn cũng tốt hơn, đặc biệt là phát huy lợi ích của các bên liên quan, qua đó giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững hơn”, ông Bằng nhấn mạnh.

 

Theo VietQ

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang