Thứ Năm, 25/04/2024 17:00:31 GMT+7

Tin đăng lúc 22-04-2015

Lượt xem: 4347

Buôn lậu tuyến biên giới phía Bắc: Lại diễn biến phức tạp

Là nhận định của Ban chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tỉnh biên giới phía Bắc được tổ chức tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh sáng 21/4. Theo đó, các phương thức, thủ đoạn cũng như quy mô vận chuyển hàng lậu từ biên giới vào nội địa ngày càng tinh vi.
Buôn lậu tuyến biên giới phía Bắc: Lại diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong dịp trước Tết Nguyên đán Ất Mùi và quý I/2015, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh biên giới phía Bắc đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý 6.491 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 239 tỷ đồng; khởi tố 675 vụ án hình sự với 936 đối tượng.

 

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 cho biết: Ban chỉ đạo cũng như các tỉnh biên giới phía Bắc đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc, phân định rõ trách nhiệm, địa bàn quản lý. Về cơ bản, hàng hóa của cư dân biên giới và các doanh nghiệp đã khai báo hải quan khu vực cửa khẩu và được lực lượng hải quan, biên phòng kiểm soát, ngăn chặn các hàng lậu, hàng cấm làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng cũng như sản xuất trong nước.

 

Mặc dù, có sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh phía Bắc, nhưng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng phức tạp trở lại. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng liên tục thay đổi, tổ chức vận chuyển hàng lậu qua các vùng xa xôi, hẻo lánh trước đây không phải là địa bàn trọng điểm; thay đổi tuyến vận chuyển hàng lậu từ đường bộ sang đường hàng không và đường biển; lợi dụng các chính sách ưu đãi miễn thuế đối với hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, các quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu trên thị trường; các quy định trong khai báo hải quan, gian lận về chủng loại, số lượng, đơn vị tính, giá tính thuế, nhãn mác, giấy phép nhập khẩu, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, kinh doanh tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, lợi dụng các quy định của ngành đường sắt về vận chuyển hàng hóa, hành khách,…

 

Đặc biệt, trên tuyến đường bộ, đường biển của một số tỉnh như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biên do có địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối tắt nên đã hình thành nhiều khu vực, địa bàn trọng điểm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Các đối tượng hoạt động có tổ chức, manh động hơn, hình thành các tụ điểm, đường dây vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu từ biên giới vào nội địa.

 

Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Với đặc thù của một địa phương có cửa khẩu, cảng biển và nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là từ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Với quan điểm dứt khoát không để hình thành các tụ điểm về than trái phép, ma túy và buôn lậu, gian lận thương mại, trong thời gian qua, Quảng Ninh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh hiệu quả, trong đó luôn quy định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng gồm công an, hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; đồng thời, thực hiện khen thưởng đột xuất đối với các tập thể, cá nhân ngay khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng cũng như xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm. 

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ 389 quốc gia - Đinh Tiến Dũng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương biên giới phía Bắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong dịp cao điểm Tết nguyên đán vừa qua. 

 

Bộ trưởng đề nghị, trong thời gian tới các bộ, ngành trung ương và địa phương nâng cao quyết tâm chính trị, phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới đường bộ, đường sắt, đường biển. Đặc biệt, lực lượng công an chủ trì, tập trung, quyết liệt điều tra, đấu tranh phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, đầu nậu. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền với cư dân biên giới, người tiêu dùng nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng uy tín cho các sản phẩm nội địa... 

 

Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo rà soát, đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính và các quy định pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. BCĐ các cấp nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện và đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm không ngừng nâng cao công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ đạo.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang