Thứ Sáu, 29/03/2024 07:50:38 GMT+7

Tin đăng lúc 16-09-2016

Lượt xem: 2211

Các hoạt động của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 9 năm 2016, Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành vào ngày 13 tháng 9 năm 2016 và Tổng cục trưởng (hàm Bộ trưởng) Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) Chi Thụ Bình vào ngày 14/9/2016.
Các hoạt động của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ

Tham gia buổi hội đàm với Bộ Thương mại Trung Quốc, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các Tập đoàn, Tổng Công ty trong các lĩnh vực dầu khí, điện lực, hóa chất, xăng dầu, lương thực, v.v... Về phía Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Thương mại Cao Yến, Trợ lý Bộ trưởng (cấp Thứ trưởng) Trương Ký và đại diện lãnh đạo một số đơn vị Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tham gia buổi hội đàm.

 

Tại buổi hội đàm, hai Bộ trưởng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp song phương Việt - Trung, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam kể từ năm 2016 đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN và Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Bộ trưởng Cao Hổ Thành nhân dịp này bày tỏ cảm ơn và chúc mừng Bộ Công Thương đã phối hợp cùng phía Trung Quốc tổ chức thành công Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 13 với vai trò là "Quốc gia danh dự".

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị hai Bộ tiếp tục phát huy quan hệ hợp tác mật thiết truyền thống, qua đó tạo thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam có thế mạnh, Trung Quốc có nhu cầu, giúp thương mại song phương phát triển cân bằng, ổn định và bền vững. Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khẳng định, Trung Quốc không theo đuổi nhập siêu từ Việt Nam và sẵn sàng ủng hộ và tạo thuận lợi để doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, qua đó góp phần từng bước giảm dần nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc.

 

Hai Bộ trưởng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh các thủ tục thành lập thêm các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại một số địa phương Trung Quốc gồm: Tứ Xuyên, Chiết Giang và Giang Tô trên cơ sở đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh đồng thời thống nhất ủy quyền cho Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Ký phụ trách công tác xúc tiến thương mại tăng cường liên hệ, trao đổi nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Thương mại và các địa phương liên quan phía Trung Quốc trong lĩnh vực xúc tiến thương mại trong thời gian tới. Hai Bộ trưởng cũng nhất trí phối hợp triển khai các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ giữa hai Bộ về hợp tác trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản ký năm 2013.

 

Về hợp tác công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ Thương mại Trung Quốc tích cực phối hợp, chỉ đạo các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang là tổng thầu EPC một số dự án như Nhà máy đạm từ than cám Ninh Bình, Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và Dự án Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) khẩn trương phối hợp với Chủ đầu tư Việt Nam giải quyết các vướng mắc, tồn tại các dự án nêu trên.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các dự án nêu trên đều là các dự án quan trọng trong hợp tác công nghiệp song phương, đồng thời cũng là các dự án được người dân và dư luận Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việc giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc để đưa các dự án vào vận hành đảm bảo chất lượng, hiệu quả là trách nhiệm chính trị quan trọng của cả Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng thúc đẩy hơn nữa hợp tác thực chất giữa hai bên trong thời gian tới. Bộ trưởng Cao Hổ Thành cũng bày tỏ sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam đôn đốc các doanh nghiệp hai bên khẩn trương giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại tại các dự án nêu trên, mong muốn sẽ có những bước tiến triển thực chất tại các dự án này để thông tin cho nhau trong các cuộc gặp lần sau giữa hai Bộ trưởng.

 

Tại buổi hội đàm với Tổng Cục trưởng AQSIQ Chi Thụ Bình, hai bên đã đạt được nhất trí về việc phối hợp đẩy nhanh các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường và tháo gỡ rào cản cho các sản phẩm sữa, thịt lợn, một số loại trái cây, sản phẩm nông sản, thủy sản... của Việt Nam xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc. Phía AQSIQ cho biết, thời gian qua cũng đã bổ sung thêm số lượng các cửa khẩu được chỉ định nhập khẩu hoa quả, nông sản tại khu vực biên giới giữa hai nước đồng thời đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kiểm nghiệm, kiểm dịch tại các cửa khẩu này, góp phần tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông sản, hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Phía AQSIQ cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam xây dựng danh mục các mặt hàng trái cây cần ưu tiên triển khai đánh giá rủi ro để nhanh chóng đưa vào danh mục các loại trái cây được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

 

Cũng nhân dịp này, hai bên đã trao cho nhau dự thảo Bản ghi nhớ về hàng rào kỹ thuật trong thương mại để nghiên cứu, thống nhất tiến tới ký kết trong thời gian tới, thống nhất coi đây là biện pháp thiết thực nhằm cụ thể hóa các nội dung hợp tác giữa hai bên.

 

Kết thúc các buổi làm việc trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã gửi lời mời Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tổng cục trưởng AQSIQ thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất để trao đổi về các nội dung hai bên cùng quan tâm. 

 

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 12/9/2016, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc đã thay mặt Chính phủ hai bên ký Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc sau hơn 01 năm đàm phán. Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc,  thay thế Hiệp định về Mua bán hàng hóa ở vùng biên giới Việt - Trung năm 1998,  dự kiến sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới song phương phát triển một cách lành mạnh, ổn định.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển Cải cách quốc gia Trung Quốc Từ Thiệu Sử  nhân dịp này cũng đã ký Bản ghi nhớ về Danh mục các dự án hợp tác năng lực sản xuất Việt Nam – Trung Quốc gồm 36 dự án trong các lĩnh vực dệt may, gia công chế biến hàng nông sản, sản xuất lắp ráp linh phụ kiện ô tô… Bản Ghi nhớ được ký nhằm cung cấp thông tin các dự án cho doanh nghiệp hai bên chủ động, tự nguyện tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh trên cơ sở tuân thủ luật pháp mỗi nước, các điều ước quốc tế mỗi bên là thành viên và nhu cầu thị trường. Chính phủ hai bên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, quyền quyết định thuộc về các doanh nghiệp.

 

Năm 2015, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương Việt Trung đạt 66,6 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2014. 7 tháng năm 2016, đạt 38,18 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 10,85 tỷ USD, tăng 14,9%; nhập khẩu 27,32 tỷ USD.

 

Nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang