Thứ Sáu, 29/03/2024 15:04:03 GMT+7

Tin đăng lúc 12-05-2023

Lượt xem: 582

Cần xử lý triệt để những vi phạm về quảng cáo không đúng công dụng đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh, nhưng tuyệt đối không phải là thuốc.
Cần xử lý triệt để những vi phạm về quảng cáo không đúng công dụng đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe
TPBVSK sữa hạt Nutrizabet quảng cáo như thuốc điều trị tiểu đường

Trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đang cảnh báo người tiêu dùng về thực trạng trên các trang mạng xã hội đang quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) có tác dụng như thuốc chữa bệnh, làm cho người bệnh nhầm tưởng mua và dùng khiến cho bệnh nhân không khỏi bệnh và dẫn đến nguy cơ làm cho bệnh nặng thêm. Mặt khác, làm nhũng loạn thị trường TPBVSK, nhiều loại TPBVSK bị Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế cảnh báo, xử phạt, thu hồi quảng cáo, thu hồi sản phẩm.

 

Từ đầu năm đến nay, Cục ATTP đã phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường… đã kiểm tra, bắt giữ nhiều vụ việc liên quan đến quảng cáo TPBVSK có tác dụng như thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, điển hình là ngày 02/3/2023, TPBVSK Phục Thần Đan do Công ty TNHH Health Promotion (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm bị cảnh báo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, chỉ là TPCN, nhưng quảng cáo là “vị thuốc cổ truyền cho bệnh rối loạn thần kinh thực vật”.

 

Ngày 16/3, Cục ATTP cảnh báo TPBVSK men vi sinh Medispores Biota do Công ty TNHH Dược phẩm Tâm Mỹ An (quận Ba Đình, TP Hà Nội) chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm, người đại diện công ty là bà Lê Thị Huyền, công dụng chống ung thư, tiêu diệt vi khuẩn H.pylori, điều trị viêm đại tràng mãn tính, viêm túi thừa.... dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

 

Ngày 28/4, Cục ATTP phát đi cảnh báo TPBVSK Gluzabet hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng do tiểu đường đã quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, gây nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh, không đúng với nội dung đã được Cục ATTP xác nhận. Sản phẩm do Công ty cổ phần KD-TM Dragon (Hà Nội) chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm…

 

Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh cần phân biệt và hiểu rõ giữa thuốc và TPCN. Thuốc chữa bệnh là do bác sỹ kê đơn, bệnh nhân uống theo hướng dẫn. Còn TPCN là sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khoẻ, không phải là thuốc, có thể mua dùng mà không cần kê đơn.

 

Theo BS Nguyễn Duy Thế, cán bộ Khoa Nhiễm Bệnh viện Quân Y 175 cho biết: Đối với TPCN thì những thử nghiệm về lâm sàng, thử nghiệm đo lường chính xác sản phẩm không được thực hiện và không được bất kỳ một cơ quan y tế có thẩm quyền nào chấp nhận. Tuy nhiên, đơn vị sản xuất, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm lại quảng cáo sản phẩm theo những tiêu chuẩn đo lường của thuốc.

 

Các nghiên cứu khoa học chứng minh Vitamin A, E, C, B1, B6… có công dụng chữa bệnh, nhưng khi người ta cho các thành phần trên phối trộn vào TPCN thì sản phẩm TPCN được sản xuất sau phối trộn lại không được nghiên cứu, thử nghiệm rõ ràng. Người bệnh chỉ đọc thông tin thành phần TPCN có các loại vitamin là đẹp da, bổ não..., đã được y học chứng minh tốt cho sức khỏe là tin và mua dùng.

 

Qua tìm hiểu, những nạn nhân là người tiêu dùng được biết, do hạn chế sự hiểu biết nên nghe theo lời quảng cáo trên các trang mạng xã hội, các sản phẩm có thể chữa được bệnh, giá rẻ, tiện lợi cho người bệnh… khi biết bị lừa thì đã muộn, “tiền mất, tật vẫn mang”. Người tiêu dùng rất mong các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm tình trạng quảng cáo sai sự thật gây hiểu nhầm cho người bệnh, gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà cả về sức khỏe đối với người bệnh; làm lũng đoạn thị trường, gây hoang mang trong dư luận, mất an toàn xã hội.

 

Luật pháp đã quy định tại khoản 15, Điều 6, Luật Dược 2016, quy định những hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

 

Điều 23, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông an toàn thực phẩm nêu rõ: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật; Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.

 

Bên cạnh đó, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197, Bộ Luật hình sự 2015.

 

Công Chuyền


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang