Thứ Năm, 28/03/2024 18:57:02 GMT+7

Tin đăng lúc 04-06-2018

Lượt xem: 3306

Cà phê xuất khẩu thêm "đắng" vì mất giá

Đứng trước sức ép cạnh tranh của các "thủ phủ" cà phê lớn trên thế giới như Colombia, Brazil, Indonesia, Việt Nam đang phải chịu cảnh bán cà phê với giá thấp hơn mặt bằng quốc tế vì nhiều nguyên nhân: do tổ chức liên kết giữa các đơn vị cung cấp, phân phối với khu vực chưa tốt, bên cạnh việc chủ yếu xuất cà phê thô và thiếu thương hiệu.
Cà phê xuất khẩu thêm "đắng" vì mất giá
Việt Nam XK cà phê nhân kiếm được 3 USD/kg, các công ty nước ngoài đem về chế biến bán ra thành phẩm 50 USD/kg

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết tháng 5/2018, giá cà phê trong nước giảm mạnh theo giá thế giới, hoạt động mua bán diễn ra chậm chạp do người nông dân không muốn bán ra ở mức giá dưới 37.000 đồng/kg.

 

Cuối tháng 5, giá cà phê thấp nhất ở mức 35.100 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng và cao nhất đạt 36.000 đồng/kg tại tỉnh Kon Tum. Giá cà phê xuất khẩu (XK) loại 5% hạt đen và vỡ giao tại cảng Tp.HCM giao dịch ở mức 1.595 USD/tấn.

 

Tăng lượng nhưng tụt kim ngạch

 

Theo ước tính, XK mặt hàng cà phê của Việt Nam tháng 5 đạt 140.000 tấn, trị giá 276 triệu USD, giảm 10,1% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với tháng 4, tăng 9,6% về lượng nhưng giảm 3,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

 

Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, XK cà phê đạt 825.000 tấn, trị giá 1,602 tỷ USD, tăng 1,8% về lượng nhưng giảm 12% về trị giá so với cùng kỳ.

 

Về diễn biến giá XK, trong 5 tháng đầu năm, giá XK bình quân mặt hàng cà phê đạt khoảng 1.942 USD/tấn, giảm 13,6% so với cùng kỳ.

 

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, so với cuối năm 2017, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tháng 5 giảm 400-600 đồng/kg, xuống còn 35.100-35.500 đồng/kg, đánh dấu mức giá thấp nhất trong gần hai tháng qua.

 

Giá cà phê giảm là do nguồn cung thế giới được dự báo tăng mạnh khi thời tiết tại Brazil đang rất thuận lợi cho vụ cà phê và Indonesia đã bắt tay vào vụ thu hoạch mới, gây áp lực lên giá cà phê.

 

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho rằng việc giá cà phê trong nước đang ở mức thấp, giảm từ 45 triệu đồng/tạ vào đầu năm 2016 xuống còn 35 triệu đồng/tạ, cho thấy dù Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới về sản lượng cà phê nhân nhưng giá cả hàng năm vẫn bấp bênh.

 

"Rõ ràng, một nước đứng thứ hai về sản lượng nhưng lại hoàn toàn phụ thuộc vào giá cả của thế giới. Nguyên nhân là tổ chức liên kết giữa các đơn vị cung cấp, phân phối với khu vực chưa tốt. Thời gian tới, các tổ chức lớn, tập đoàn lớn phải liên kết chặt chẽ để khâu tổ chức thương mại tốt nhất", Bộ NN&PTNT đánh giá.

 

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), chia sẻ thị trường cà phê thế giới trong vài năm trở lại đây đang chứng kiện sự trỗi dậy của nhiều nước sản xuất cà phê lớn như Colombia, Brazil, Indonesia…

 

Giá cà phê thế giới thời gian qua cũng liên tục trồi sụt là do sự chi phối các sàn giao dịch của các "ông trùm" tài chính lớn trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam thường phải chịu cảnh bán cà phê với giá thấp hơn mặt bằng quốc tế do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc dựa vào các sàn giao dịch.

 

Theo ông Tự, ở trong nước, hiện đã ba sàn giao dịch cà phê do Bộ Công Thương quản lý nhưng hiện tại không hoạt động gì do chưa kết nối với các sàn giao dịch quốc tế…

 

Điều này khiến thị trường cà phê phụ thuộc vào thương lái. Trong khi đó, với kim ngạch XK hơn 3 tỷ USD, việc liên thông với các sàn quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp (DN) có thêm kênh tham khảo giá cả rất tốt trước khi tiến hành giao dịch.

 

Được biết, trong 205 DN XK cà phê, một số công ty lớn đã tham gia sàn ở New York, London, nhưng phần lớn số DN còn lại rất mù mờ thông tin.

 

Hậu quả của xuất thô

 

Một nguyên nhân không thể không đề cập là ngành cà phê Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu XK dưới dạng thô, ít giá trị gia tăng, nên giá cả bấp bênh, rẻ mạt là điều dễ hiểu.

 

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết, cơ cấu chủng loại XK cà phê đang thay đổi theo hướng tích cực, khi XK cà phê hòa tan tăng. Trong 4 tháng đầu năm 2018, XK cà phê hòa tan đạt 41,7 nghìn tấn, trị giá 160,95 triệu USD, tăng 23,5% về lượng và tăng 19,6% về trị giá.

 

Tuy nhiên, cà phê Robusta vẫn là chủng loại XK chủ lực của Việt Nam với 605.000 tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 16,3% về lượng nhưng giảm 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận Việt Nam chỉ đảm bảo chế biến sâu 10% trong tổng 3,4 tỷ USD XK cả ngành cà phê. Trong đó, chỉ có 300 triệu USD là cà phê hòa tan, được chế biến sâu và tới 1,6 triệu tấn là XK nhân, khiến ngành cà phê nội địa không đạt hiệu quả cao.

 

Theo Vicofa, việc xuất thô khiến ngành cà phê không thể xây dựng được thương hiệu, dẫn tới giá trị thương mại XK cà phê thấp. Mỗi năm thế giới chi 500 tỷ USD cho tiêu dùng cà phê, doanh thu XK từ cà phê của Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,4 tỷ USD – đây là con số quá khiêm tốn trong khi sản lượng của thế giới đạt 9 triệu tấn thì riêng Việt Nam đã đạt 1,5 triệu tấn.

 

Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nếu sắp tới Việt Nam vẫn tiếp tục chủ yếu sản xuất và XK cà phê nhân, giá trị đem lại sẽ không cao. Thế giới biết Việt Nam XK cà phê, song thực tế không biết cà phê Việt Nam như thế nào.

 

"Một số nhãn hàng như Trung Nguyên, Nguyên Trang… đã tự đem cà phê XK tới các thị trường quốc tế, song hầu hết thị trường cũng không mang tầm cạnh tranh đẳng cấp toàn cầu, thậm chí cà phê Việt Nam còn chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu", ông Lang cho biết.

 

Hiện nay, cà phê Việt Nam chủ yếu tham gia chuỗi ở phần thấp nhất, điểm khởi nguồn không có nhiều giá trị. Nếu có hợp tác đầu tư thì các DN nước ngoài cũng đem máy móc vào sản xuất, XK sản phẩm, tuy nhiên, đó không phải là sản phẩm mang thương hiệu cà phê thuần túy của Việt Nam. Bởi vậy mới có chuyện hạt cà phê Việt Nam sau khi được XK, chúng ta lại đang phải nhập về với giá cao hơn 2-3 lần so với ban đầu.

 

Chuyên gia cà phê Phạm Khánh Hiệp cho biết các DN nước ngoài mua nguyên liệu giá rẻ của Việt Nam, sau đó về nước chế biến để thu được giá trị gia tăng cao nhất. Việt Nam XK cà phê nhân kiếm được khoảng 3 USD/kg, trong khi các công ty nước ngoài đem về chế biến bán ra thành phẩm 50 USD/kg.

 

Với tình hình hiện nay, các chuyên gia cho rằng nếu không giữ được diện tích và đổi mới toàn diện để nâng giá trị gia tăng theo hướng chế biến sâu, ngành cà phê sẽ sớm đối diện với nguy cơ tuột dốc, khó vực dậy trở lại.

 

Ông Đỗ Hà Nam -  Chủ tịch HĐQT - TGĐ công ty CP Tập đoàn Intimex

Hiện, một số công ty cà phê trong nước cũng đã đầu tư cho cà phê rang xay, hòa tan… Tuy nhiên, để đầu tư một nhà máy chế biến cần lượng vốn lớn trong khi lượng tiêu thụ cà phê nội địa không cao và còn chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các DN ngoại đang đầu tư tại Việt Nam.

Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại

Trong năm 2018, Bộ Công Thương sẽ xây dựng chiến lược thương hiệu cà phê trong chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm nói chung. Đây là giải pháp tốt cho phát triển ngành cà phê, giúp khắc phục tình trạng chủ yếu XK cà phê nhân. Tuy nhiên, việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương.

Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao

Các DN kiến nghị Chính phủ cho thành lập Quỹ phát triển ngành cà phê và cung cấp giống cà phê, giống cây che bóng miễn phí cho nông dân, đồng thời sớm ban hành Quy chuẩn cà phê rang xay và hòa tan, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

 

 

Lê Thúy


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang