Thứ Bẩy, 20/04/2024 22:53:39 GMT+7

Tin đăng lúc 26-01-2016

Lượt xem: 4047

Các địa phương phục vụ tốt nhu cầu hàng Tết Bính Thân 2016

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, hàng nông sản của người dân lại tăng cao.
Các địa phương phục vụ tốt nhu cầu hàng Tết Bính Thân 2016
Thị trường hàng Tết phong phú

Nhằm chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất giúp người dân đón năm mới 2016 ấm áp, trọn vẹn, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, ngay từ đầu tháng 12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 31 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn thị trường, giá cả, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các Bộ, Ban, Ngành, Sở Công thương, qua báo cáo của các tỉnh thành và địa phương trên cả nước, trong dịp cuối năm vừa qua, các doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh đã dự trữ đủ nguồn hàng để phục vụ nhu cầu vui tết, đón xuân của nhân dân.

 

Tại các thành phố có thị trường tiêu thụ lớn hàng đầu cả nước như Hà Nội, TP. HCM, nguồn hàng được chuẩn bị khá chu đáo. Tại Hà Nội, Sở Công Thương và các doanh nghiệp kinh doanh đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên tới 22.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu của cả người dân Thủ đô và khách từ các địa phương khác đổ về. Ngoài ra, các DN còn tổ chức dự trữ và bán ra thường xuyên, liên tục các mặt hàng thiết yếu tại 1.165 điểm bán hàng phục vụ nhân dân trên địa bàn (tăng gấp đôi so với năm 2014), trong đó có 395 điểm bán hàng của DN tham gia chương trình bình ổn giá, 769 điểm bán liên doanh, liên kết; 207 điểm bán tại các huyện ngoại thành.

 

Tại TP. Hồ Chí Minh, lượng hàng bình ổn trị giá hơn 16.000 tỷ đồng (tăng 40% so với Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015) đã được chuẩn bị và tung ra thị trường, với nhiều điểm bán thực phẩm sạch cũng được triển khai. Cụ thể, thành phố đã có 246 địa điểm bán hàng sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Các chợ đầu mối, các siêu thị lớn cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các loại nhu yếu phẩm cho Tết. Được biết, ngay từ đầu tháng 12/2015, UBND TP đã giao Sở Công Thương chủ trì, cùng các quận, huyện kiểm tra nguồn hàng thực tế, nhu cầu và kế hoạch sản xuất, kinh doanh tại các cơ sở, nếu có vướng mắc gì lập tức kiến nghị để UBND TP tháo gỡ. Việc đảm bảo cung ứng tiền mặt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiền lương của người dân cũng đã được thành phố chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lập kế hoạch kỹ càng.

 

Các địa phương phía Nam như Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai… cũng đã khẩn trương triển khai nhiều chương trình đón Tết. Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã có cuộc họp với 12 doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh bàn về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa và bán hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Theo đại diện Sở Công Thương, hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20% so với dịp này năm trước. Dự kiến, kế hoạch tổ chức bán hàng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới tại siêu thị và các chuyến hàng về nông thôn sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, giá cả tăng ảo.

 

Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết không chỉ sôi động tại các thành phố lớn, mà tại tỉnh miền núi Hà Giang, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các công ty trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để cung cấp cho bà con dân tộc, đảm bảo tiêu chí, hàng hóa phải phong phú, chất lượng tốt, tuyệt đối không để thiếu một mặt hàng nào đến tận người dân vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tập trung nguồn lực chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, nhằm đảm bảo đủ nguồn cung trước, trong và sau Tết Nguyên đán; cung ứng hàng bình ổn giá cho nhân dân; niêm yết giá và giám sát chặt chẽ việc bán theo giá niêm yết ở chợ trung tâm các huyện, thị xã.

 

Sức mua trong dịp Tết Nguyên đán năm nay tăng khoảng 15% so với năm trước. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các doanh nghiệp đều cam kết đảm bảo số lượng hàng, chất lượng hàng và cam kết bán đúng giá, không bán theo giá thị trường. Điển hình là Siêu thị BigC đã chủ động đánh giá nhu cầu thị trường, thống kê các mặt hàng chủ lực trong dịp Tết và đề ra kế hoạch nhập hàng. Theo đại diện Siêu thị này, thời gian vừa qua, BigC đã đầu tư 60 tỷ đồng để nhập các mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết, trong đó tập trung vào các mặt hàng chính như: Lương thực thực phẩm, bánh kẹo, mứt, rượu bia và nước giải khát với giá cả là không đổi.

 

Cũng trong dịp Tết, thông thường, nhu cầu các loại thực phẩm như: thịt gia súc, gia cầm, rau, củ, quả sẽ tăng mạnh. Chính vì vậy, các trang trại và hộ gia đình đã có kế hoạch chăn nuôi từ nhiều tháng trước để đảm bảo nguồn thịt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Như Cường - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện tại, cả nước có khoảng 172.000 ha rau, với sản lượng dự toán xấp xỉ 3 triệu tấn rau phục vụ vụ Đông - Xuân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

 

Theo đánh giá của các Sở Công Thương, giá cả hàng hóa những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tuy có tăng nhưng không nhiều do nguồn cung lương thực và thực phẩm dồi dào, giá cả được kiểm soát tốt… Giá cả các mặt hàng thiết yếu những tháng cuối năm tăng thấp, khoảng 10-15% so cùng kỳ năm trước và tập trung vào cuối tháng 12 âm lịch. Nhóm hàng tăng nhiều nhất là thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia nước giải khát... Đối với các mặt hàng thiết yếu như: lương thực (gạo, nếp), thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ, quả... trước ngày 23 Tết giá có tăng bình quân từ 5 - 10% và sau ngày 23 tết đến sáng ngày 29 Tết, tăng 10-15% so với cùng kỳ.

 

 

Hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại khá dồi dào, thỏa mãn sức mua của người tiêu dùng

 

Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy, thời gian gần Tết nguyên đán cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được nhiều gian thương tung gia thị trường, người mua nếu không có kinh nghiệm không những dễ mua phải hàng giả mà “giá trên trời”. Chính vì vậy, để bảo đảm nguồn cung cũng như chất lượng hàng hóa phục vụ thị trường Tết Bính Thân 2016, các Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường có kế hoạch chống hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại; ổn định giá cả thị trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; Xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2016, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm… giúp cho người dân có một cái Tết vui và an toàn.

 

 

Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương nói về công tác chuẩn bị hàng Tết

 

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Đã chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác bình ổn giá, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

 

Để để đảm bảo cung ứng đủ sản phẩm với giá cả hợp lý phục vụ người dân Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác bình ổn giá, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

 

Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đã tạm ứng 276 tỷ đồng cho doanh nghiệp (DN) để triển khai chương trình bình ổn giá, với mức lãi suất 0%. Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP. Hà Nội đã kết nối để DN có thể vay tiền từ các ngân hàng triển khai chương trình bình ổn giá với mức lãi suất chỉ 6%/năm. Dự kiến, tổng giá trị hàng hóa bình ổn giá phục vụ Tết khoảng 16 tỷ đồng. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương Thành phố đã kết nối được 72 doanh nghiệp với 8 tổ chức tín dụng, để huy động tổng số vốn triển khai chương trình lên tới 8.300 tỷ đồng. Toàn TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng được 3.600 điểm bán hàng bình ổn giá. Bộ Công Thương cũng sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện chính sách bình ổn giá thực phẩm hợp lý, vừa tránh tăng giá đột ngột và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng phải khuyến khích được sản xuất trong nước phát triển.

 

TS. Nguyễn Thanh Phong -  Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Sẽ thành lập 6 đoàn chuyên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước

 

Để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Bính Thân và Lễ hội Xuân 2016 phục vụ nhân dân đón Tết an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời ổn định sản xuất kinh doanh, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ thành lập 6 đoàn chuyên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng từ 20/12/2015 đến 25/3/2016. Trong đó, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong năm và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. 

 

Mục tiêu chung là giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và trong thời gian diễn ra Lễ hội Xuân so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân.

 

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh: Cần chăm lo cho các đối tượng công nhân nghèo, sinh viên, người lao động, gia đình chính sách

 

Quan điểm chủ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh là trong dịp Tết Bính Thân 2016, sẽ không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đang tham gia chương trình bình ổn giá của địa phương mà còn phát triển hệ thống phân phối bình ổn thị trường trên toàn địa bàn trước, trong và sau tết. Do đó, lãnh đạo Thành phố đã giao Sở Công Thương chủ trì, cùng các quận, huyện kiểm tra nguồn hàng thực tế, nhu cầu và kế hoạch sản xuất, kinh doanh tại các cơ sở để kịp thời đề xuất với UBND Thành phố tháo gỡ. Từ đầu tháng 12/2015, thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lập kế hoạch để đảm bảo nhu cầu cung ứng tiền mặt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiền lương của người dân thành phố. Đồng thời, kế hoạch chăm lo Tết cho các đối tượng công nhân nghèo, sinh viên, người lao động, gia đình chính sách cũng đã được UBND Thành phố tổ chức triển khai từ rất sớm. 

 

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Các DN kinh doanh thương mại đã tập trung các mặt hàng bình ổn thị trường và các nhóm hàng phục vụ Tết

 

 Dịp tết Bính Thân 2016, lượng hàng hóa cần chuẩn bị phục vụ ngoài 7 triệu người dân Thủ đô, còn khoảng 4 triệu lượt người từ các tỉnh, thành phố khác về tham quan mua sắm. Do vậy, dự kiến tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ sẽ tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm và tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 

Để đảm bảo cung cầu hàng hoá, ổn định thị trường theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các DN kinh doanh thương mại đã tập trung các mặt hàng bình ổn thị trường và các nhóm hàng phục vụ Tết với tổng giá trị ước tính 12.780 tỷ đồng. Các doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, sữa dự trữ hàng hóa khoảng 6.748 tỷ đồng. Các làng nghề trên địa bàn thành phố sản xuất kinh doanh các nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như chế biến nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo, dệt may, chè, miến dong, bột sắn… với tổng giá trị trên 2.081 tỷ đồng. Dự kiến tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Thủ đô đạt trên 21.610 tỷ đồng. 

 

Ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Công ty VISSAN: Công ty còn có những chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu cho người nghèo

 

Rút kinh nghiệm những năm trước, Công ty VISSAN lo tìm nguồn hàng ổn định, ký hợp đồng với các trang trại chăn nuôi từ đầu năm, thỏa thuận giá với người chăn nuôi. Một số loại thực phẩm chế biến hạn sử dụng ngắn phải gần Tết mới bắt tay sản xuất, nhưng nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn. Chính vì vậy, giá cả thịt lợn trong dịp cận Tết không bị xáo trộn mạnh, bởi nguồn cung dồi dào và nếu có chuyện sốt giá xảy ra cũng sẽ nhanh chóng bị dập tắt ngay.

 

Đến tháng 12/2015, VISSAN đã cơ bản hoàn tất việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu sản xuất và dự trữ, bảo đảm cung cấp đầy đủ và kịp thời cho thị trường Tết. Các mặt hàng của VISSAN sẽ không tăng giá trong đợt cao điểm. Bên cạnh tham gia chương trình bình ổn với mức giá cam kết thấp hơn thị trường 5%-10%, Công ty còn có những chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu cho người nghèo. Ngoài vấn đề trữ lượng hàng hóa trong kho, các cửa hàng của VISSAN sẽ phục vụ đến trưa ngày cuối năm và mở cửa lại từ sáng mùng 2 Tết.

 

Ông Phạm Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công ty Ba Huân: Đẩy mạnh bán hàng lưu động nhiều hơn nữa tại các chợ truyền thống

 

Công ty TNHH Ba Huân là một trong những nhà cung cấp các loại trứng sạch hàng đầu tại Việt Nam. Với vốn đầu tư hơn 30 tỉ đồng cho hệ thống xử lý và làm sạch trứng gia cầm bằng công nghệ hàng đầu Châu Âu, sản phẩm trứng sạch từ công ty TNHH Ba Huân bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến an tâm về sức khỏe khách hàng.

 

Để có nguồn hàng dồi dào phục vụ Tết, Công ty đã đưa vào sử dụng trang trại chăn nuôi công nghệ cao ở Bình Dương giúp sản lượng hàng Tết tăng lên 20-30% so với năm ngoái. Để tăng sức mua trong dịp giáp Tết Bính Thân 2016, Công ty đã đẩy mạnh bán hàng lưu động nhiều hơn nữa tại các chợ truyền thống. Mặt khác, để tránh tinh trạng sốt giá cục bộ, năm nay Công ty tập trung khoảng hơn 10 đầu xe chuyên để phục vụ bán hàng lưu động đi các khu vùng sâu, vùng xa và khu công nghiệp. Nếu như lượng hàng cho dịp Tết còn dồi dào, Công ty sẽ đưa vào kho trữ lạnh để bảo quản, muối hoặc chế biến ra những sản phẩm đạt chất lượng mà thời hạn sử dụng vẫn đảm bảo.

 

 

 

PV (tổng hợp)

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang