Thứ Sáu, 19/04/2024 09:58:32 GMT+7

Tin đăng lúc 25-06-2022

Lượt xem: 633

Các sàn TMĐT chung tay bảo vệ người tiêu dùng

Tác động của dịch Covid-19 sau 2 năm qua đã thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) và xu hướng mua sắm đa kênh đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Việc mua bán hàng hóa thông qua TMĐT trở nên phổ biến, mang lại sự tiện lợi đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hình thức mua bán này đôi khi vượt qua sự giám sát quản lý của cơ quan chức năng, khiến cho người tiêu dùng bị thua thiệt trước những hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Các sàn TMĐT chung tay bảo vệ người tiêu dùng
Các sàn TMĐT đang áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ NTD

       

 

Năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi cơ quan chức năng nhiều tỉnh, thành phố liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ việc liên quan đến TMĐT.

        

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này thường xuyên nhận được nhiều phản ánh về các trường hợp nhờ bảo vệ của người tiêu dùng, trung bình mỗi năm có từ 1.500 - 2.000 khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó, phần lớn liên quan đến hình thức mua bán trực tuyến. Trong số này phổ biến là hành vi đặt mua hàng trên sàn TMĐT nhưng đơn hàng bị hủy không rõ lý do, sau đó, có bên thứ ba liên hệ để giao món hàng đã đặt nhưng có vấn đề về chất lượng, giấy tờ giao dịch. Bên cạnh đó, tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng cũng thường xuyên xuất hiện, chưa kể khi người tiêu dùng có nhu cầu đổi, trả hàng, nhiều người tiêu dùng bị từ chối hoặc kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại.

 

Có thể thấy, bên cạnh những lợi ích mang lại, sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT đã kéo theo tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vậy, các sàn thương mại điện tử làm gì để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như người tiêu dùng?

 

Chia sẻ về các giải pháp bảo vệ người tiêu dùng tại buổi Tọa đàm "Bảo vệ người tiêu dùng thúc đẩy kinh doanh trực tuyến", bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc Đối ngoại sàn TMĐT Lazada cho biết, Lazada đã xây dựng bộ quy chế đầy đủ, chi tiết, trong đó, quy định trách nhiệm rõ ràng giữa các bên mua sắm, đặc biệt chú ý đến tính minh bạch, đầy đủ và chính xác của thông tin khi cung cấp cho khách hàng. Mặt khác, đội ngũ chăm sóc khách hàng được xây dựng chuyên nghiệp và thường xuyên cải tiến để phục vụ nhu cầu khách hàng khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử Lazada.

         

Cùng quan điểm này, đại diện sàn TMĐT Shopee cho hay, trong thời gian qua, Shopee đã áp dụng chính sách hỗ trợ người tiêu dùng theo cam kết đảm bảo cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến bảo mật, an toàn. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ thanh toàn cho người bán khi đơn hàng được xác nhận, người mua nhận được hàng trong tình trạng tốt và không có bất kỳ khiếu nại nào kèm theo. Hơn nữa, Shopee còn áp dụng chính sách trả hàng hoàn tiền nên người mua có quyền trả hàng hoàn tiền sản phẩm trong trường hợp có những khiếu nại về chất lượng sản phẩm.

 

Đối với người bán, Shopee cũng thường xuyên sàng lọc danh sách, đảm bảo người bán không vi phạm chính sách bán hàng nhằm góp phần bảo vệ người mua trên sàn TMĐT. “Chúng tôi yêu cầu tất cả người bán tuân thủ các quy định của Chính phủ, cũng như các chính sách đăng bán của Shopee. Chúng tôi cũng tiến hành các biện pháp sàng lọc chủ động khác nhau để xác định các sản phẩm/nhà bán hàng vi phạm. Bên cạnh đó, cung cấp quy trình cần thiết để chủ sở hữu trí tuệ hợp pháp có thể yêu cầu gỡ bỏ các sản phẩm giả mạo” - đại diện Shopee cho biết.

 

Còn với sàn TMĐT Chợ Tốt, ngay từ khi duyệt tin, sàn này đã áp dụng các biện pháp công nghệ để chặn, loại bỏ các tin liên quan đến hàng nhái, lừa đảo trên hệ thống và đảm bảo môi trường mua - bán minh bạch. Thậm chí, Chợ Tốt phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chống hàng giả quốc tế (REACT) trong công tác chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thường xuyên cập nhật thông tin hệ thống, nhanh chóng phát hiện, loại bỏ những tin sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng.

 

Đại diện Sendo thông tin, đơn vị đã dùng công nghệ “máy học” (một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo AI) kết hợp với phương pháp thủ công để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái. Ước tính bộ lọc có thể lọc chính xác từ 80-85% trường hợp hàng giả, hàng nhái và 100% với trường hợp hàng cấm theo quy định của pháp luật. Còn lại sẽ phát hiện thủ công dựa theo các mặt hàng thường bị làm giả và theo review của shop.

 

Có thể thấy, để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như người tiêu dùng, thời gian qua, các sàn TMĐT đã tích cực áp dụng nhiều giải pháp khá hữu hiệu, tuy nhiên, theo dự báo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong 2 - 3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên TMĐT sẽ chiếm 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung, do vậy, để ngăn chặn triệt để tình trạng này, cần sự chung tay vào cuộc của cả các cơ quan quản lý nhà nước, các sàn TMĐT, các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 

Quỳnh Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang