Thứ Sáu, 29/03/2024 16:19:56 GMT+7

Tin đăng lúc 10-11-2014

Lượt xem: 5643

Các thị trường trọng điểm vẫn hút hàng Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, tính chung 10 tháng của năm 2014, cả nước xuất siêu xấp xỉ 1,9 tỷ USD. Trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 12 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 13,8 tỷ USD.
Các thị trường trọng điểm vẫn hút hàng Việt Nam
Dệt may là một trong những mặt hàng XK chủ lực sang thị trường Mỹ. Ảnh: TRầN VIỆT.

XK tăng trưởng mạnh từ nhóm công nghiệp chế biến

 

Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam dự báo, XK của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2014 khoảng 29,4 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu ASEAN về XK vào thị trường này. XK của Việt Nam vào Mỹ đã tăng trưởng liên tục trong suốt 15 năm qua. Nếu kim ngạch XK năm 2000 mới ở mức 800 triệu USD thì đến 2013 đạt gần 24 tỷ USD.

Tháng 10, kim ngạch XK(KNXK) đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 9 và tăng 5,5% so với tháng 10 - 2013. Trong đó: XKcủa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 8,4 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng 9 và tăng 4,7% so với tháng 10 - 2013.

 

Tính chung 10 tháng năm 2014, KNXK cả nước đạt 123,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 14,5 tỷ USD), trong đó khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 40,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 82,5 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

Nhóm hàng nông lâm thủy sản đạt 18,8 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng KNXK, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2013 với những mặt hàng có kim ngạch tăng cao như thuỷ sản, rau quả, nhân điều, cà phê, hạt tiêu. Các mặt hàng giảm kim ngạch đáng chú ý là gạo giảm 0,1%,  cao su giảm 25,4%.

 

Cũng có sự giảm sút nhẹ trong nhóm hàng hàng nhiên liệu và khoáng sản khi đạt KNXK gần 7,7 tỷ USD, chiếm 6,3% trong tổng KNXK, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên do có sự giảm sút từ XKthan đá giảm 36,1%, xăng dầu các loại giảm 21%.

 

Đáng chú ý nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến. Trong 10 tháng năm 2014 nhóm hàng này đạt gần 89,4 tỷ USD, chiếm 72,6% trong tổng KNXK, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013. Nếu quy ra trị giá thì mức tăng này tương đương gần 11 tỷ USD với sự đóng góp của các mặt hàng như thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 34,4%, hóa chất tăng 65%; sản phẩm hóa chất tăng 18,1%; chất dẻo nguyên liệu tăng 12,6%; sản phẩm chất dẻo tăng 12,7%; túi xách, vali, mũ, ô dù tăng 35,9%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 13,3%; hàng dệt và may mặc tăng 19,3%; vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 17,2%; xơ, sợi dệt các loại tăng 19,1%; giày dép các loại tăng 23,1%. Trong nhóm này chỉ có hai mặt hàng có kim ngạch XK giảm là phân bón các loại giảm 7,8%, giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 1,5%.  

 

Thị trường chủ lực tăng trưởng tốt

 

Trong các thị trường chủ lực của hàng Việt Nam XK, thị trường Mỹ tăng 20% và chiếm tỷ trọng 19%; XK vào EU tăng 12,8% và chiếm tỷ trọng 18,4%; XK vào ASEAN tăng 0,5% và chiếm tỷ trọng 12,6%; XK vào Nhật Bản tăng 10,9% và chiếm tỷ trọng 10%; XK vào Trung Quốc tăng 16,2% và chiếm tỷ trọng 10,1%.

 

Tại thị trường Mỹ, tính chung 10 tháng đầu năm, kim ngạch XK hàng hóa sang từ Việt Nam đã đạt 23,69 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

 

Tháng 10-2014 XK hầu hết các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực sang thị trường Mỹ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng XK của các mặt hàng dệt may, giày dép các loại, máy vi tính và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản… đều duy trì tốc độ tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.

 

Kim ngạch XKcủa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tỷ USD)

 
 
Kim ngạch XK theo thị trường (tỷ usd)
 

Những thông tin về triển vọng về việc làm tốt hơn cùng với giá xăng dầu rẻ nhất kể từ đầu năm 2011 đang củng cố tinh thần của các hộ gia đình vào cùng thời điểm thị trường chứng khoán cho thấy dấu hiệu của sự ổn định. Mức chi tiêu tiêu dùng, hoạt động du lịch và ngành chế tạo tại hầu hết các khu vực đều có nhiều khởi sắc. Do đó, nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong các tháng tới sẽ tiếp tục tăng trưởng, là yếu tố hỗ trợ XK hàng hóa của Việt Nam.

 

Dệt may là mặt hàng hiện có kim ngạch XK sang Mỹ lớn nhất và được Bộ Công Thương đánh giá tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan khi nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp cuối năm. Xu hướng các tập đoàn sản xuất hàng dệt may chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn đang tiếp diễn do giá nhân công tại Trung Quốc tăng.

 

Đơn cử TAL Group, một trong những hãng gia công áo nam lớn nhất thế giới, cung cấp hàng cho các thương hiệu thời trang danh tiếng như Brooks Brothers, L.L.Bean, Eddie Bauer và Burberry với số lượng cứ 6 chiếc áo sơ-mi nam bán ra tại thị trường Mỹ thì có một chiếc do TAL Group gia công. Hiện các nhà máy đặt tại Việt Nam chỉ chiếm từ 12-15% tổng sản lượng của TAL Group, nhưng Tổng giám đốc hãng này, Roger Lee đã tuyên bố với báo giới việc trong vòng 2 năm tới tỷ lệ này sẽ tăng lên 25%.

 

Đáng chú ý là theo nhận định của Hãng tin tài chính Bloomberg, bất chấp những vụ đốt phá các nhà máy tại Bình Dương hồi tháng Năm, cùng các lo ngại về việc nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngần ngại khi đem tiền vào Việt Nam, thực tế đang không diễn ra như vậy, với bằng chứng là chính sách mới của TAL Group. Trong tương lai, TAL Group không chỉ có ý định mở rộng quy mô, mà còn định đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam.

 

Trong vòng 5 năm qua, chi phí cho nhân công tại nhà máy đặt ở Quảng Đông, Trung Quốc đã tăng từ 15 đến 20% là một trong những nguyên do khiến TAL Group tính tới việc dịch chuyển. Hiện lượng hàng tại các nhà máy ở Trung Quốc chiếm 30% tổng sản lượng của TAL Group.

 

Thị trường Mỹ cũng được đánh giá nhiều tiềm năng với mặt hàng XK mới của Việt Nam nhưng những rào cản về kỹ thuật và quy định của cơ quan an toàn thực phẩm của Mỹ rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng các luật mới đối với các mặt hàng NK. Các mặt hàng thực phẩm và đồ uống phải tuân thủ các quy định của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), cụ thể là về Luật Chống khủng bố sinh học; việc đăng ký, đại diện tại Mỹ, thông báo trước; ghi nhãn, định dạng, ngôn ngữ; hệ thống phân tích và kiểm soát nguồn nguy hại và tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMPs).

 

Rất nhiều doanh nghiệp mắc lỗi khi xuất hàng sang thị trường tiềm năng này, nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận hoàn thiện và cặn kẽ các quy định an toàn thực phẩm, dược phẩm của FDA. Do đó, trước khi xuất mặt hàng thực phẩm, dược phẩm sang Mỹ, các doanh nghiệp phải đăng ký và khai thông báo trước với FDA. Theo quy định mới của Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm của FDA, sau khi đăng ký với FDA sẽ có thời gian để thẩm tra lại doanh nghiệp cũng như các nhà máy xem có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, rồi mới được phép xuất hàng sang.

 

Là thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam, sau thị trường Mỹ, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản đã tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua.

 

10 tháng của năm 2014, XK của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 12,26 tỷ USD, tăng 10,37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 4 nhóm hàng đạt kim ngạch cao trên 1 tỷ USD là dệt may; phương tiện vận tải phụ tùng; dầu thô và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác.

 

Với mức tiêu thụ hàng may mặc hàng năm lên tới trên 40 tỷ USD, sản xuất trong nước chỉ có 5% và 95% NK, Nhật Bản là thị trường màu mỡ cho các nước XK hàng dệt may trong đó có Việt Nam. Thời gian gần đây, Nhật Bản đã nhiều lần vượt qua cả khối EU trở thành thị trường NK dệt may lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau Mỹ. Tuy hàng dệt may XK sang Nhật Bản chiếm thị phần không lớn, song Nhật Bản là bạn hàng lâu đời, rất trung thành với ngành dệt may Việt Nam.

 

XK hàng dệt may sang Nhật Bản đang tăng cao là do DN Việt Nam hưởng lợi (về ưu đãi thuế) từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương với Nhật Bản. Ngoài lợi thế được hưởng thuế suất ưu đãi từ các Hiệp định thương mại (FTA), chính sách giảm NK từ Trung Quốc cũng là cơ hội giúp dệt may Việt Nam thâm nhập và mở rộng hơn vào thị trường Nhật Bản.

 

Các công ty Nhật Bản đang có hướng dịch chuyển sản xuất tại Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Những khách hàng dệt may lớn nhất của Nhật Bản là những tập đoàn lớn hoạt động đa quốc gia đã và đang đặt hàng tại Việt Nam là: Uniqlo, Itochu, Mitsubishi, Marubeni, Mitsu, Aeon, Katakura, Nomura, Minori… hiện đang rất gần gũi và yêu mến doanh nghiệp Việt Nam.

 

Việt Nam cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản hợp tác trong lĩnh vực dệt, nhuộm, hoàn tất. Đây là công đoạn còn nhiều hạn chế và thiếu sót về kỹ thuật cũng như công nghệ của ngành dệt may trong nước, nhưng hiện đã có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chủ động "đón đầu" đầu tư vào lĩnh vực này và cũng là cơ hội để tận dụng lợi thế khi Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sớm kết thúc để phát huy trong thực tế. 

 

Cơ hội cho hàng Việt Nam cũng được đánh giá là còn nhiều dư địa ở một số thị trường đông dân. Tại Ấn Độ, trong 10 tháng đầu năm 2014, KNXK mới đạt 1,96 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, với dân số trên 1,2 tỷ người, Ấn Độ là thị trường có nhu cầu rất lớn đối với hầu hết các mặt hàng cả về số lượng và chủng loại. Mỗi năm, Ấn Độ NK lượng hàng hóa khoảng 500 tỷ USD và dự báo kim ngạch NK có tốc độ tăng trưởng 5% đến 10% trong giai đoạn tới.

 

Dẫu vậy thì với sự tăng cường quan hệ giữa hai nước trong thời gian gần đây, hàng Việt Nam cũng bắt đầu có sự tăng trưởng mạnh khi XK sang Ấn Độ với cơ cấu mặt hàng phong phú hơn so với thuần túy nông sản như trước đây. Dự kiến trong thời gian tới, khi Hiệp định FTA về dịch vụ và đầu tư được ký kết vào cuối năm 2014 sẽ thúc đẩy hoạt động của các nhà đầu tư Ấn Độ tại khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này, vạch ra cho mình một chiến lược phát triển bền vững lâu dài nhằm đẩy mạnh XK tăng trưởng cao hơn nữa, góp phần thúc đẩy nền kinh tế trong nước. 

 

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương):

 

Ngoài những mặt hàng XK chủ lực sang Mỹ như dệt may, da giày, thủy sản..., một số mặt hàng khác như điều, cà phê... cũng có sự tăng trưởng tốt. Ngoài ra, từ đầu tháng 10, Mỹ đã chính thức mở cửa cho quả vải, nhãn của Việt Nam được XK sang thị trường này. Như vậy, có thể thấy, cơ hội XK cho hàng hóa Việt Nam sang thị trường này là rất lớn. Việc sản phẩm dệt may, da giày, thủy sản... chiếm thị phần lớn tại Mỹ chứng tỏ hàng Việt Nam đã có sức cạnh tranh cao với các thị trường khác.

 

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc bán hàng Công ty Thực phẩm GOC:

 

Dù có 4, 5 năm kinh nghiệm XK vào thị trường Mỹ nhưng DN vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, khi có Luật hiện đại hoá an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA), chúng tôi đã nghiên cứu rất rõ các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm, thậm chí còn hợp tác với một DN của Mỹ để cung cấp thông tin nhưng vẫn gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về sản phẩm, hoàn thiện các thủ tục giấy tờ theo quy định. Mặc dù cơ quan của Mỹ có cơ chế mở để các DN có thể tự đăng ký theo quy định, tuy nhiên các quy định này đưa ra rất chi tiết, nên nếu các DN mà tự đăng ký thì mất rất nhiều thời gian, mà đôi khi còn không đúng.

 

Ông David Lennarz, Phó Chủ tịch Công ty Registrar Corp (một công ty tư vấn đối với các DN XK sang Mỹ):

 

Rất nhiều DN mắc lỗi khi xuất hàng sang thị trường Mỹ, nguyên nhân là do DN Việt Nam chưa tiếp cận hoàn thiện và cặn kẽ các quy định an toàn thực phẩm, dược phẩm của FDA. Do vậy, DN cần cần lưu ý là phải đăng ký với FDA về cơ sở sản xuất đóng gói sản phẩm của mình; phải đảm bảo ghi nhãn phù hợp với FDA; chuẩn bị cho việc thanh tra của FDA về cơ sở sản xuất thực phẩm. Những quy định quan trọng nhất trong quy định của FDA được ban hành vào tháng 10-2015 là phải phát triển hệ thống an toàn thực phẩm và hệ thống này đảm bảo sản phẩm được sản xuất an toàn, chất lượng.

 

P.Thu (ghi)

 

 

              Theo Thiên Hương

Baohaiquan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang