Thứ Sáu, 29/03/2024 17:40:03 GMT+7

Tin đăng lúc 10-05-2022

Lượt xem: 1332

Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần cả diện và chất

Cộng đồng doanh nghiệp dù đang phục hồi khá rõ nét nhưng vẫn còn đối mặt với những hệ lụy, khó khăn sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh trên diện rộng và ngày càng thực chất, trên tinh thần triệt để, nhanh và hiệu quả hơn nữa…
Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần cả diện và chất
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế, gia hạn trả nợ vốn vay ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất. Trong ảnh: Vận hành dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long (huyện Mê Linh).

Xu hướng ci thin là rõ nét

 

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 92% doanh nghiệp tư nhân xác nhận bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Trong tình hình đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã dồn sức, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp. Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 cho biết, tình hình cải cách hành chính vẫn trên đà tăng tiến rõ nét. Đáng mừng là tính chủ động trong điều hành, vì doanh nghiệp ở cấp tỉnh đang trở thành một xu hướng. Phân tích của VCCI cho biết, có 74% doanh nghiệp cho rằng “khi quy định của Trung ương chưa rõ ràng, UBND cấp tỉnh đã năng động và sáng tạo trong giải quyết các vấn đề phát sinh” và 62% doanh nghiệp xác nhận chính quyền có thái độ tích cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… Chỉ số chi phí phi chính thức của các doanh nghiệp năm 2021 cũng đã giảm xuống còn 41%. Điểm số bình quân về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn trên đà tăng cao hơn so với báo cáo năm 2020. 

 

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhận định, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn ra rất nghiêm trọng, những con số trên cho thấy các địa phương đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

 

Tại Hà Nội, trong quý I-2022, cơ quan chức năng đã tư vấn, giải đáp miễn phí cho khoảng 9.000 lượt doanh nghiệp về thủ tục pháp lý; hỗ trợ nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng điện tử… Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Royal Palace (quận Hai Bà Trưng) Trần Ngọc Giang cho biết, chất lượng môi trường kinh doanh có xu hướng cải thiện rõ trong mấy năm qua; các doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều hơn, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ công, hỗ trợ về thủ tục hành chính.

 

Song, kết quả khảo sát cũng cho thấy một số thủ tục hành chính còn gây phiền hà, khó khăn trong việc tuân thủ của doanh nghiệp. “Những phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là nguyên nhân khiến 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh. 57,4% doanh nghiệp nhận định có tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính. Thủ tục về thuế, phí, đất đai, xây dựng có xu hướng khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Trong đó, mặt bằng kinh doanh vẫn là vấn đề nóng với 44,8% doanh nghiệp còn khó khăn...”, ông Đậu Anh Tuấn thông tin.

 

 

Hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

 

Vào cuc đồng b, cu th và kiên trì

 

Chính phủ xác định, cải cách chính là động lực, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và là mục tiêu theo đuổi trong các năm tới với tinh thần kiên trì, vào cuộc đồng bộ. Đơn cử như Tổng cục Thuế đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc, với mục tiêu bao phủ hóa đơn điện tử trước ngày 1-7-2022. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, theo hướng hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế, phù hợp với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Đến năm 2025, mức độ hài lòng của người nộp thuế với sự phục vụ của cơ quan thuế phải đạt tối thiểu 90%; tỷ lệ hồ sơ đăng ký thuế được giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt tối thiểu 80%; tỷ lệ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế bằng phương thức điện tử đối với doanh nghiệp, tổ chức đạt tối thiểu 98%...

 

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, hàng trăm nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai thông qua chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế, phí; hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động; gia hạn trả nợ vốn vay ngân hàng…

 

Với thành phố Hà Nội, tại hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã, diễn ra cuối tháng 4-2022, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã yêu cầu các đơn vị nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; coi cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin; xử lý nghiêm minh cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp…

 

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo, các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ, để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thụ sớm, thụ hưởng thật, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

 

Với 15.001 doanh nghiệp mới, tháng 4-2022 là tháng có số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường cao hơn mức trung bình trong tháng 4 của giai đoạn 2017-2021. Cùng với 7.034 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2021), số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 4-2022 cao gấp hơn 2 lần so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong 4 tháng đầu năm 2022, có 49.591 doanh nghiệp thành lập, mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Theo Hà Nội mới


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang