Thứ Sáu, 29/03/2024 08:12:59 GMT+7

Tin đăng lúc 16-06-2016

Lượt xem: 3603

Cần kiểm soát chất lượng cửa hàng thực phẩm sạch

Nhiều cửa hàng thực phẩm sạch ra đời, tuy nhiên, chất lượng thực sự của những sản phẩm bày bán ở đây vẫn còn thiếu kiểm soát.
Cần kiểm soát chất lượng cửa hàng thực phẩm sạch
Ảnh minh họa

Ngày 15/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (FTA) và Liên minh Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch”.

 

Hiện nay, ở Hà Nội, TPHCM cũng như khá nhiều tỉnh, thành phố lớn khác xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh nông sản, gia cầm, thủy sản treo biển sản phẩm sạch, an toàn. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn về mức độ sạch, an toàn của các cơ sở kinh doanh này.

 

 

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết có hiện tượng rau củ quả “bẩn” được đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cửa hàng… và gắn mác là an toàn. Trong năm 2015, Chi cục cũng đã tịch thu, tiêu hủy gần 12 tấn thủy hải sản đông lạnh, gần 20 tấn thịt bò, thịt lợn, thịt trâu... Trong số đó, có những lô hàng được bán ở những cửa hàng uy tín, gắn mác thực phẩm sạch nhằm đánh lừa khách hàng.

 

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng ban thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang cố gắng đầu tư mở rộng chuỗi phân phối, các cửa hàng bán lẻ, nhưng việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thế nào vẫn là một ẩn số. Người tiêu dùng vẫn rất hoang mang về các nhãn hàng này, bởi nhiều thông tin trên báo chí, mạng xã hội nói về hiện tượng đối phó, hình thức trong thực hiện cũng như việc cấp chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

 

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, Thành phố có 425 chợ, 24 trung tâm thương mại, 134 siêu thị và hàng nghìn các cửa hàng kinh doanh nông sản. Nhưng một lượng lớn các sản phẩm nông sản tại Thủ đô được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối và tiêu thụ tại các chợ dân sinh. Lượng nông sản thực phẩm được chứng nhận nguồn gốc mới chỉ chiếm 20%. Các chợ đầu mối đang đóng vai trò là khâu điều phối sản phẩm đến nơi tiêu thụ.

 

Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi thực phẩm an toàn Bác Tôm tại Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi muốn tham gia vào các hiệp hội sản xuất thực phẩm minh bạch. Vì khi đó, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại di động là có thể truy suất được nguồn gốc nông sản từ khâu sản xuất tới chế biến, mang tới sự yên tâm hơn cho người tiêu dùng”.

 

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, không một nền nông nghiệp nào có thể phát triển một cách bền vững nếu các nhà sản xuất không liên kết trên nền tảng tiêu chuẩn, chất lượng, phát triển thương hiệu và đáp ứng lợi ích người tiêu dùng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp tham gia đã tập trung thảo luận những giải pháp phối hợp để xây dựng và phát triển ngành sản xuất thực phẩm đạt các chuẩn mực an toàn, cung cấp thông tin minh bạch đến người tiêu dùng. Đây cũng là bước chuẩn bị cho Đại Hội thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch dự kiến sẽ diễn ra vào cuối quý III/2016.

 

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ ủng hộ sáng kiến thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch để chủ động liên kết các nhà sản xuất, nhằm đưa ra thị trường thực phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn. Việc liên kết thông qua Hiệp hội không chỉ giúp giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm mà còn khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ để để các doanh nghiệp trong Hiệp hội Thực phẩm minh bạch phát triển.

 

Theo Báo điện tử Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang