Thứ Năm, 25/04/2024 22:15:29 GMT+7

Tin đăng lúc 26-05-2022

Lượt xem: 999

Cẩn thận với thực phẩm chức năng bán qua livestream

Nhiều người tiêu dùng hiện nay có thói quen mua sắm online, đặc biệt là thông qua các livestream (phát trực tiếp trên mạng xã hội). Nhưng trên các livestream này, các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng được quảng cáo quá mức đã khiến nhiều người mắc bẫy.
Cẩn thận với thực phẩm chức năng bán qua livestream
Trên fanpage Xương khớp Hoàng Hường liên tục đăng tải các quảng cáo sử dụng từ "điều trị" với thực phẩm chức năng

 

Hình thức bán hàng qua livestream đang được rất nhiều chủ shop chọn dùng bởi có thể kích thích người mua tốt hơn rất nhiều so với các phương thức khác. Người bán và người mua có thể tương tác với nhau tốt hơn. Đồng thời việc được nhìn tận mặt người bán hàng, khách cũng có thể yên tâm hơn.

 

Hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân quan tâm hơn đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Nhiều người đã mạnh dạn livestream để bán thuốc bổ, thực phẩm chức năng, dụng cụ chăm sóc sức khỏe.

 

Thế nhưng, nhiều loại sản phẩm bán chạy không phải do chất lượng mà nhờ chiêu livestream như: “bán hàng chửi”, vừa bán hàng vừa phát “lộc” cho người xem tham gia chia sẻ, bốc thăm trúng thưởng. Thậm chí, nhiều trang bán hàng còn mời người mẫu, diễn viên, người nổi tiếng livestream giới thiệu, quảng cáo cho sản phẩm của mình với hàng loạt lời khen ngợi “có cánh” khó ai có thể kiểm chứng.

 

Chị Nguyễn Thùy (phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) chia sẻ: “Mẹ tôi rất quan tâm đến sức khỏe nên trang Facebook của bà thường hiện các trang bán hàng livestream thuốc bổ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe... Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ bà xem cho vui, rồi bạn bè kết nối tương tác với nhau chứ không nghĩ mẹ tôi mua thuốc vì tin lời quảng cáo qua mạng. Ai ngờ, mẹ tôi tốn khá nhiều tiền khi “chốt đơn” qua livestram để mua thực phẩm chức năng”.

 

Đáng chú ý, khi đặt hàng qua livestream, sản phẩm đến tay người tiêu dùng đều là hàng “mập mờ” về chất lượng. Nhiều sản phẩm từng bị các cơ quan chức năng xử phạt. Hơn nữa, khi dùng hàng “dỏm” gặp vấn đề về sức khoẻ, người tiêu dùng cũng không biết khiếu nại ra sao. Bởi lẽ, các sản phẩm mua qua mạng đều không có hoá đơn chứng từ gì.

 

Anh Công Du (ở Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng sự thật khiến những người tiêu dùng như chúng tôi rất lo lắng, không biết phải tin vào ai. Các ca sĩ, diễn viên cũng tham gia quảng cáo khiến nhiều người tin sái cổ. Tôi cũng từng có lần mua thực phẩm chức năng qua livestream, về uống rất nhiều nhưng không hề có tác dụng như hiệu quả. Khi khiếu nại với chủ shop thì họ ngó lơ, không phản hồi gì”.

 

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố vi phạm về quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường, do nội dung quảng cáo gây hiểu lầm rằng sản phẩm này như thuốc chữa bệnh.

 

Qua nhiều kênh quảng cáo trên mạng xã hội, trong đó có hình thức livestream, hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng như viên xương khớp, viên ngủ ngon Hoàng Hường, dạ dày Hoàng Hường, nước súc miệng, súc họng... được nhiều người biết tới. Mỗi lần doanh nghiệp này livestream với lời quảng cáo “nổ”, phát tiền “tri ân” người chia sẻ link, hứa hẹn trúng thưởng ô tô khi mua thực phẩm chức năng... đều thu hút hàng triệu lượt người xem cùng số lượng khách “chốt đơn” rất lớn.

 

Đáng nói, trước đó, Cục An toàn thực phẩm đã công bố các cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó có Công ty cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường. Doanh nghiệp này bị xử phạt 65 triệu đồng về hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường.

 

Phương Lê

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang