Thứ Sáu, 29/03/2024 03:59:06 GMT+7

Tin đăng lúc 23-08-2015

Lượt xem: 4590

Cần thêm cơ chế cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Ngày 21/8, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Hội thảo liên kết doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) 6 ngành công nghiệp trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Cần thêm cơ chế cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Cần thêm những cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào CNHT

Theo đó, 6 ngành công nghiệp được ưu tiên, bao gồm: Điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương: Đây là 6 ngành công nghiệp được lựa chọn ra từ 36 ngành công nghiệp của Việt Nam và là những ngành Việt Nam có lợi thế, tiềm năng phát triển lớn. Mục tiêu Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam- Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là đến năm 2020, các ngành được ưu tiên phát triển sẽ đi đầu trong áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam. Đến năm 2030, các ngành được ưu tiên phát triển chủ yếu áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, gắn với đảm bảo hợp lý về điều kiện kinh tế Việt Nam…

 

Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng mục tiêu này rất khó để trở thành hiện thực khi mà CNHT cho 6 ngành ưu tiên vẫn chưa được quan tâm, phát triển đúng mức.

 

Đơn cử như ngành chế biến nông lâm, thủy sản, theo TS Nguyễn Mạnh Dũng- Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Các doanh nghiệp (DN) chế biến nông sản, thủy sản của Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ, công nghệ và thiết bị lạc hậu, nên chưa chú ý đúng mức đến việc phát triển CNHT cho sản phẩm của mình. Hơn nữa, các sản phẩm phụ trợ cho quá trình chế biến, nhất là chế biến thủy sản như bao bì, đóng gói, phụ gia chế biến,… lại thường được nhập khẩu khá dễ từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc khiến cho việc phát triển CNHT cho lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.

 

Ông Vũ Tấn Công- Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam thì cho rằng: Hiện Việt Nam có khoảng 200 DN quy mô nhỏ trong ngành công nghiệp sản xuất chi tiết- tổng thành ô tô. Tuy nhiên, sản phẩm của các DN này rất đơn giản với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, vì thế tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô rất thấp, không đáp ứng được mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa nêu trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tại Quyết định số 177/2004- QĐ- TTg ngày 5 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Công khẳng định, ngành CNHT của ô tô Việt Nam chưa phát triển vì không được quan tâm và đầu tư đúng mức.

 

Bà Đỗ Thị Thúy Hương- Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cũng cho biết: Những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam phát triển rất mạnh, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp điện tử trung bình khoảng 10%/ năm. Tuy nhiên, đa số là do đóng góp của các DN FDI. Các DN Việt Nam chỉ đóng một vai trò rất nhỏ. Bà Hương nhấn mạnh, không phải do DN của Việt Nam không có khả năng làm CNHT mà bởi họ thiếu những sự quan tâm, sẻ chia kịp thời từ phía các cơ quan chức năng.

 

Để phát triển ngành CNHT, việc quan trọng là phải thu hút được các DN tham gia vào phát triển CNHT. Vì thế, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình  Ánh, Nhà nước cần có những ưu đãi rõ ràng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để DN Việt Nam tham gia vào phát triển ngành CNHT.

 

Cũng với quan điểm trên, bà Hương cho rằng, Nhà nước nên miễn thuế nhập khẩu 5 năm đối với sản phẩm CNHT cho các dự án thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đặc biệt; miễn thuế cho các vật tư, thiết bị nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm; miễn, giảm thuế TNDN, thuế sử dụng đất, tiền thuê đất cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho phát triên công nghệ cao…

 

Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, công nghiệp Việt Nam không thể tồn tại và phát triển nếu ngành CNHT kém phát triển. Thiết nghĩ, để phát triển ngành CNHT, Chính phủ cũng cần có thêm những cơ chế, chính sách cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia đầu tư, phát triển ngành CNHT.

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang