Thứ Sáu, 19/04/2024 18:41:34 GMT+7

Tin đăng lúc 10-08-2018

Lượt xem: 1302

Cần Thơ chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển

Không dàn trải, cạnh tranh với các tỉnh khác trong khu vực, các dự án được giới thiệu, mời gọi đầu tư lần này đều được rà soát, chắt lọc về quy mô, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực đúng như chủ đề “Chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển” của Hội nghị Xúc tiến đầu tư của TP Cần Thơ năm 2018. Tổng số có 54 dự án mời gọi đầu tư với diện tích 4.780 ha, thu hút nguồn vốn 124 nghìn tỷ đồng, trong đó có 44 dự án đã có nhà đầu tư quan tâm, 22 dự án sẵn sàng đầu tư ngay.
Cần Thơ chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển
Trung tâm thành phố Cần Thơ.

Mời gọi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

 

Hội nghị xúc tiến đầu tư TP Cần Thơ năm 2018 với chủ đề “Chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển” đã chính thức khai mạc sáng nay 10-8, với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ban, ngành T.Ư, lãnh đạo UBND các thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); hơn 500 tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham), Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham), Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh phiên khai mạc, còn có ba phiên thảo luận với các chủ đề: Phát triển trung tâm dịch vụ; Nông nghiệp hiệu quả cao; Phát triển khoa học công nghệ. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, lãnh đạo TP Cần Thơ sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho một số dự án đầu tư; khởi công một số dự án đầu tư trọng điểm đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư; kết hợp tổ chức kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

 

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, TP Cần Thơ mời gọi đầu tư 54 dự án với diện tích 4.780 ha, thu hút nguồn vốn gần 124 nghìn tỷ đồng. Các dự án tập trung vào những lĩnh vực: Cơ sở hạ tầng nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (có chín dự án); lĩnh vực công nghệ thông tin (một dự án); Logistics và năng lượng (bốn dự án); lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch (chín dự án); bất động sản gồm khu nhà ở, văn phòng, thương mại - dịch vụ (21 dự án)… Đáng chú ý, nhiều dự án có hai nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư. “Hội nghị là dịp giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội, tiềm năng, cơ hội đầu tư và các chính sách hỗ trợ đầu tư của thành phố, nhằm thu hút cao nhất các nguồn lực đầu tư, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tạo điều kiện để các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với chính quyền và các cơ quan chức năng của thành phố. Tại hội nghị lần này, TP Cần Thơ giới thiệu các mục tiêu trọng tâm và danh mục dự án kêu gọi đầu tư; tham vấn kinh nghiệm phát triển TP Cần Thơ theo hướng phát triển trung tâm dịch vụ, nông nghiệp hiệu quả cao và phát triển khoa học - công nghệ”, đồng chí Võ Thành Thống chia sẻ.

 

 

 Chợ nổi Cái Răng, một trong những dự án mời gọi đầu tư lĩnh vực du lịch của TP Cần Thơ.

 

Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, đã chỉ đạo quyết liệt tại cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị hội nghị xúc tiến đầu tư năm nay. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, chắt lọc từng dự án, không dàn trải, mời gọi có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực; ưu tiên các dự án có quy mô lớn để đưa vào danh mục mời gọi đầu tư tại hội nghị. “Từng danh mục cần phải có chính sách đầu tư cụ thể, vận dụng tốt các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, nêu cao hình ảnh chính quyền thân thiện để tạo niềm tin tốt cho nhà đầu tư”, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung chia sẻ.

 

Nhiều dự án động lực

 

Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương và là trung tâm kinh tế - tài chính, giáo dục, văn hóa, du lịch của khu vực ĐBSCL, thời gian qua, TP Cần Thơ chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, đã và đang được phát triển tương đối đồng bộ, là địa phương có chỉ số phát triển ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông nằm trong tốp đầu cả nước. Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, TP Cần Thơ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu và hợp tác đầu tư. Trong vòng sáu năm trở lại đây, TP Cần Thơ luôn đứng trong nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2017, TP Cần Thơ đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng PCI. Năm 2016, Cần Thơ xếp vị trí thứ năm trong danh sách 10 địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất của cả nước được doanh nghiệp lựa chọn.

 

Thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội nghị cấp cao mang tầm quốc gia và quốc tế, Cần Thơ đã quảng bá được hình ảnh về vùng đất, con người và môi trường đầu tư lý tưởng của một tỉnh trọng điểm khu vực miền Tây đến tất cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư đã bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về chỉ số niềm tin rất tích cực và mức độ an toàn, an ninh luôn được bảo đảm cao nhất. “Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các nhà chính trị và nhà đầu tư nước ngoài. Vì tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định thì nhà đầu tư mới yên tâm đổ dòng vốn vào đầu tư dự án, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung nhận định.

 

Trong số 54 dự án được mời gọi đầu tư của TP Cần Thơ năm nay có rất nhiều dự án mang tính động lực phát triển của thành phố với quy mô lớn. Đứng đầu là dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III có diện tích 25,8 ha do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư với số vốn đầu tư lên tới 25.494 tỷ đồng. Hay như Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Ô Môn cụm A và cụm B, có diện tích 256 và 122 ha với vốn đầu tư tương ứng 8.362 tỷ đồng và 3.974 tỷ đồng; Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Thốt Nốt (giai đoạn 2, phân kỳ 1) quy mô 400 ha, có vốn đầu tư 5.893 tỷ đồng. Tiếp đến là dự án Trung tâm logistic hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế ĐBSCL tại TP Cần Thơ, quy mô 242 ha, có mức đầu tư dự kiến là 4.166 tỷ đồng.

 

Và nhất là trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: cơ sở hạ tầng du lịch gồm chín dự án, với vốn đầu tư thấp nhất là 50 tỷ đồng, cao nhất 1.500 tỷ đồng, tổng số vốn lên đến 7.730 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật nhất là dự án cáp treo và khu du lịch Cồn Khương - Cồn Sơn, diện tích 60 ha, vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng với tuyến cáp treo dài 4,47km từ đường Cách Mạng Tháng Tám nối Cồn Khương (quận Ninh Kiều) và qua sông Hậu đến Cồn Sơn (quận Bình Thủy); dự án Khu du lịch Cồn Sơn, (quận Bình Thủy) quy mô 74,4 ha với mức đầu tư 1.409 tỷ đồng; Dự án khu nhạc nước và dịch vụ đa chức năng thuộc Trung tâm Văn hoá Tây Đô quy mô 37 ha, vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng; Khu vui chơi giải trí Cần Thơ, diện tích 75 ha, mức đầu tư 1.000 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái Cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt) có quy mô 41 ha với mức đầu tư 915 tỷ đồng… Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho biết, với những bất lợi về giá thuê đất, giá nhân công lao động cao so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, TP Cần Thơ không mời gọi đầu tư một cách dàn trải, cạnh tranh với các tỉnh khác, mà chọn các dự án mang tính chất trung tâm vùng từ đó sẽ tạo được sự nổi bật, khác biệt và khả thi cao.

 

Kinh tế - xã hội phát triển ổn định

Trong bảy tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội TP Cần Thơ tiếp tục phát triển ổn định. Nhiều ngành, lĩnh vực duy trì được đà tăng trưởng cao: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 70.910 tỷ đồng, đạt 60,3 % kế hoạch, tăng 12,3% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,01% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước hơn 1,133 tỷ USD, đạt 63,3% kế hoạch, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Cũng trong khoảng thời gian này, TP Cần Thơ đón gần 5,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 10,7% so cùng kỳ, tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 2.181 tỷ đồng, đạt 62,3% kế hoạch, tăng 22,3% so cùng kỳ...

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang