Thứ Sáu, 29/03/2024 04:42:09 GMT+7

Tin đăng lúc 18-09-2022

Lượt xem: 939

Cảnh báo suy thoái toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn hồi phục

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục cho dù thế giới được cho là rơi vào suy thoái bởi làn sóng tăng lãi suất chưa từng có trong 50 năm qua. Tuy nhiên, các yếu tố bất định gia tăng và giá nhiên liệu toàn cầu khó lường.
Cảnh báo suy thoái toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn hồi phục
WB vẫn có đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. (Nguồn: WB)

Suy thoái kinh tế toàn cầu trong 2023

 

Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 16/9 lần đầu tiên đưa ra cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm tới do ảnh hưởng của làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh chưa từng có trong 50 năm qua nhằm chống kiềm chế lạm phát.

 

Theo báo cáo của WB, các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang đồng loạt rút các biện pháp hỗ trợ tiền tệ và tài khóa ở mức chưa từng có trong nửa thế kỷ qua, khiến trầm trọng hơn tình trạng suy giảm tăng trưởng.

 

Theo ước tính của WB, GDP toàn cầu trong năm 2023 chỉ tăng 0,5% nhưng GDP bình quân đầu người lại giảm 0,4%. Xét về tổng thể, đây sẽ là một cuộc suy thoái toàn cầu sau năm tăng trưởng kỷ lục 2021 nhờ thế giới ồ ạt bơm tiền sau đại dịch Covid.

 

Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo tụt giảm khi giới đầu tư đánh cược vào khả năng ngân hàng trung ương các nước nâng lãi suất điều hành hầu hết lên mức 4% trong năm tới, gấp đôi mức trung bình trong 2021, chỉ để giữ lạm phát lõi ở mức 5%.

 

Lãi suất thậm chí có thể lên tới 6% nếu NHTW các nước muốn đưa lạm phát về mức mục tiêu (Mỹ và châu Âu là 2%).

 

Thay vì tập trung giảm tiêu dùng để chống lạm phát, Chủ tịch WB David Malpass khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách có thể chuyển hướng đẩy mạnh đầu tư, cải thiện hiệu suất lao động và phân bổ vốn hợp lý để kích thích sản xuất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và kiềm chế lạm phát.

 

Báo cáo của WB là dự báo chính thức đầu tiên và của một tổ chức lớn về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu. Nó có thể sẽ kích hoạt một loạt những thay đổi, điều chỉnh trong các báo cáo, đánh giá của các tổ chức khác, trong đó có những tổ chức đánh giá tín nhiệm như Moody’s, S&P, Fitch, hay ngân hàng lớn như Goldman Sachs, Standard Chartered Bank,...

 

Các công ty chứng khoán lớn trên thế giới cũng có thể dựa trên báo cáo của WB để đưa ra những điều chỉnh theo chiều hướng đi xuống đối với tăng trưởng GDP của các nước, mức tín nhiệm quốc gia, tổ chức cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp.

 

Làn sóng bán cổ phiếu có thể diễn ra trên nhiều thị trường chứng khoán.

 

Rạng sáng 16/9 (giờ Việt Nam), chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones xuống thấp nhất trong 2 tháng, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất hơn 1%. Nhiều báo cáo cho thấy bức tranh mờ mịt về nền kinh tế Mỹ.

 

Đông USD treo ở vùng đỉnh 20 năm, trong khi vàng xuống mức thấp nhất 2 năm trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay, có thể tăng lãi suất cao hơn mức 75 điểm cơ bản như kỳ vọng của thị trường trước đó.

 

Một số dự báo cho rằng, Fed có thể tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm, thậm chí 125 điểm trong cuộc họp 20-21/9 tới, từ mức 2,25%-2,5% hiện tại.

 

Việt Nam tiếp tục hồi phục dù còn nhiều yếu tố bất định

 

Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm hơn 11 điểm xuống mức thấp nhất trong một tháng rưỡi và về sát ngưỡng 1.230 điểm, thấp hơn nhiều so với mức trên 1.500 điểm ghi nhận hồi đầu tháng 4/2022.

 

Trong báo cáo cập nhập vĩ mô Việt Nam do WB công bố ngày 16/9, cơ quan này cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam tiếp tục diễn ra mặc dù các yếu tố bất định trong nền kinh tế gia tăng liên quan đến lạm phát toàn cầu tăng cao và tăng trưởng kinh tế yếu đi ở các quốc gia đối tác thương mại chính. 

 

WB khuyến cáo, các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến giá lương thực thực phẩm và các mặt hàng cơ bản. Đồng thời, mặc dù giá nhiên liệu gần đây đã hạ nhiệt, nhưng biến động giá nhiên liệu trên toàn cầu là điều khó lường. 

 

Việt Nam nên khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, hệ thống trợ giúp xã hội cần được củng cố, bao gồm cả hệ thống đăng ký, lựa chọn đối tượng và giải ngân, để tạo thuận lợi tiếp cận những người dân bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra các cú sốc.

 

Theo WB, nhìn chung kinh tế Việt Nam tích cực. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ trong tháng 8 tăng trưởng cao, thêm tương ứng 15,6% và 50,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký giảm nhưng giải ngân FDI tiếp tục được cải thiện, góp phần cho xu hướng tăng liên tục trong 11 tháng.

 

Lạm phát CPI giảm nhẹ từ 3,1% trong tháng 7 xuống còn 2,9% trong tháng 8. Tăng trưởng tín dụng vẫn được duy trì ở mức cao, 16,2%. Ngân sách Nhà nước ghi nhận bội thu trong 8 tháng liên tiếp. 

 

Trong bối cảnh kinh tế tiếp tục hồi phục, nhiều tổ chức dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều khu vực khác. Theo Dragon Capital, VN-Index sẽ không "xuyên thủng" ngưỡng 1.200 điểm. Thị trường đang ở mức định giá hấp dẫn, với P/E 10 lần và tăng trưởng EPS đạt mức 17%. Thị trường Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm các thị trường mới nổi trong khi rủi ro ở mức độ thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định.

 

Chứng khoán Mirae Asset cho rằng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ gần đây đã bắt đầu phản ánh vào giá cổ phiếu khi tâm lý bi quan được gỡ bỏ. Sự phục hồi của nền kinh tế dự kiến sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn nữa trong 4 tháng cuối năm.

 

Theo Vietnamnet.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang