Thứ Năm, 25/04/2024 11:40:24 GMT+7

Tin đăng lúc 28-10-2016

Lượt xem: 2289

Cao Phong: Xanh tươi, trù phú và năng động

Cao Phong là huyện có vị trí nằm giữa tỉnh Hòa Bình, có diện tích tự nhiên 25.347 ha, gồm 12 xã và 1 thị trấn, địa hình phân bố thành 3 vùng chính: vùng cao, vùng giữa và vùng lòng hồ. Địa bàn huyện nằm dọc Quốc lộ 6 và Quốc lộ 12B, có hệ thống cảng thủy nội địa thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cao Phong: Xanh tươi, trù phú và năng động
Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong dự Lễ ký hợp tác phát triển thương hiêu cam Cao Phong

Với độ cao trên 300 mét so với mặt nước biển, huyện có điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ phù hợp với việc phát triển chăn nuôi đại gia súc và các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có múi. Huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú như đá vôi, quặng sắt, vàng sa khoáng, ăngtimon, than đá... tạo tiền đề cho đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

 

Bên cạnh đó, huyện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc, là một phần trong “Nền văn hóa Hòa Bình”, hơn nữa Cao Phong còn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, cùng với nhiều di tích lịch sử gắn với quá trình đấu tranh cách mạng của địa phương, đã trở thành những điểm đến thăm quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước.

 

Tài nguyên đất Cao Phong khá đa dạng, thích hợp với sự sinh trưởng của cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, đặc biệt là cam, mía. Diện tích rừng khá lớn, với các loại gỗ, lâm sản quý hiếm... có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Khí hậu ôn đới của vùng cao quanh năm mát mẻ và nguồn nước hồ, sông, suối khá phong phú đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây và rau quả. Chính vì thế, nghề trồng trọt của huyện phát triển mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, sự chỉ đạo sát sao của HĐND huyện, UBND huyện đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, tập trung quản lý, điều hành thực hiện toàn diện các lĩnh vực công tác. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (giai đoạn 2010 – 2015) đạt 13.14%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội), cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 48%, công nghiệp 27%, dịch vụ 25%, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 27 triệu đồng/người/năm, đạt 112,5% so với Nghị quyết Đại hội, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,5%, đến hết năm 2015 toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

 

Cùng với đó, huyện đã tập trung xây dựng và từng bước mở rộng một số vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị cao, với hơn 2.300 ha mía và 2.100 ha cây ăn quả có múi, trong đó có 900 ha đang cho thu hoạch đạt bình quân 500 triệu/ha/năm. Sản phẩm mía tím và cam Cao Phong đã từng bước được khẳng định trên thị trường.

 

Phát huy tiềm năng về du lịch, huyện đã triển khai kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều di tích lịch sử cách mạng và di tích văn hóa được bảo tồn và phục dựng như: Khu di tích lịch sử chiến khu Cao Phong – Thạch Yên (Chùa Khánh xã Yên Thượng); khu du lịch Bản Giang Mỗ - Bình Thanh; khu di tích Vườn hoa – Núi Cối; Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan. Qua đó đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.

 

Cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi được quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay các trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị đã được đầu tư xây mới khang trang, kiên cố, trang thiết bị đáp ứng được nhu cầu làm việc, bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều đổi mới. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm bình quân 2,75%/năm. Toàn huyện có 99,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, chương trình cứng hóa giao thông nông thôn phát huy được hiệu quả mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm.

 

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có những bước phát triển mạnh mẽ. Toàn huyện có 43 trường, trong đó có 13 trường đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất được quan tâm, hiện tại có 514 phòng, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 98,8%, không có phòng học tạm. Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống bệnh viện và trạm y tế từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, đến nay huyện đã xây dựng được 6/13 xã, thị trấn đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế.

 

Để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, Chính quyền huyện Cao Phong đã xác định triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp chính như: Ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao và du lịch dịch vụ, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tạo bước chuyển hóa về lượng và chất trong cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng thâm canh, chuyên canh cao, dựa trên những tiềm năng, thế mạnh của huyện, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, dịch vụ và tiêu thụ nông sản, đảm bảo an ninh lương thực. Phát triển dịch vụ chợ đầu mối, thu gom và tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của nông dân, đầu tư cơ sở vật chất cho du lịch, gắn phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Cao Phong bây giờ đã trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, thương mại và dịch vụ khang trang, bề thế, không kém gì những thị trấn miền xuôi. Hàng hóa tiêu dùng tràn ngập, phong phú, đa dạng, đủ các chủng loại... Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp đang được hình thành. Nơi đây, đã trở thành vùng kinh tế hàng hóa năng động và phát triển, người dân giàu lên từ trồng cam, trồng mía, chăn nuôi gia súc, gia cầm và kinh tế vườn đồi...

 

Toàn huyện như một bức tranh thảo nguyên xanh mướt của những đồi cam, nương ngô, đồng mía, những vườn cây trái ngọt trĩu cành. Cao Phong hôm nay như chàng trai Phù Đổng vươn mình thức dậy, sức trẻ đang tràn căng sự sống của ấm no hạnh phúc, cuộc sống của nhân dân được đổi thay từng ngày. Để có được thay đổi đó, là do công sức của biết bao thế hệ các bậc tiền nhân đã dày công kiến tạo, dựng xây, mỗi tấc đất, mỗi con đường đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của bao người, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Trung ương và tỉnh Hòa Bình, tính tiên phong trong lãnh đạo điều hành của Đảng bộ, Chính quyền huyện đã giành được nhiều thành quả đáng trân trọng.

 

Thành quả đó càng minh chứng cho đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của huyện Cao Phong, tích cực chăm lo cho đời sống nhân dân là chất keo gắn kết lòng tin của dân với Đảng. Lớp lớp những cán bộ viên chức, công nhân, nông dân của Cao Phong đang phát huy những thành quả đó, tiếp tục làm phong phú thêm bằng năng suất, chất lượng, hiệu quả, với trình độ sản xuất tiên tiến hiện đại và trí thông minh, sáng tạo vững vàng trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, để Cao Phong mãi mãi xanh tươi, trù phú giàu đẹp, hấp dẫn các nhà đầu tư và du khách, để ai đã đến đây, sẽ muốn trở lại nhiều lần với Cao Phong.

 

Xuân Trường


Tin liên quan:

Tag:Cap Phong

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang