Thứ Sáu, 29/03/2024 13:44:52 GMT+7

Tin đăng lúc 25-11-2018

Lượt xem: 17970

Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp - Quyết tâm của Chính phủ

Theo khảo sát của Ngân hàng thế giới, các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam (VN) tuy có cải thiện đáng kể nhưng thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực. Để góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN), nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và vừa qua, Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho DN.
Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp - Quyết tâm của Chính phủ
Cần loại bỏ những chi phí không chính thức cho DN

Chi phí vẫn cao

 

Những năm gần đây, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật là một trọng tâm của Chính phủ. Một loạt Nghị quyết của Chính phủ đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó, tập trung vào cải cách thể chế và thủ tục hành chính, thuận lợi hóa các hoạt động kinh doanh, đã góp phần giảm gánh nặng chi phí cho DN. Thế nhưng, theo cộng đồng DN, môi trường đầu tư của VN vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự hài lòng, trong đó, điểm nổi bật nhất chính là chi phí của DN, bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức.

 

Cũng theo nghiên cứu và khảo sát về môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới năm 2018, chi phí kinh doanh ở VN về cơ bản vẫn cao so với các nước trong ASEAN. Cụ thể, ở lĩnh vực thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH), DN VN đang phải nộp ở mức 38,1% lợi nhuận trước thuế, trong khi con số này ở Thái Lan là 28,7%, ở Indonesia là 30%. Hay như chi phí về tuân thủ giấy tờ xuất khẩu của DN VN cũng ở mức cao nhất, gấp gần bốn lần so với Singapore và hơn ba lần so với Philippines.

 

Thủ tục hành chính nhiều khâu, nhiều tầng lớp dẫn đến thời gian giải quyết kéo dài cũng khiến gia tăng chi phí cho DN và điều quan trọng hơn, sự chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính sẽ làm mất đi các cơ hội kinh doanh của DN. Để không tuột mất cơ hội kinh doanh, nhiều DN đã chọn phương án chấp nhận bỏ ra những khoản chi phí không chính thức để chi trả cho các cơ quan, cá nhân có liên quan trong quá trình kinh doanh, đặc biệt khi thực hiện các thủ tục hành chính hoặc khi giao dịch với cơ quan nhà nước.

 

Khảo sát PCI 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho thấy, 44,6% DN cho rằng cán bộ sử dụng quy định để nhũng nhiễu DN; 44,9% DN phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra kiểm tra; 53% DN phải trả chi phí không chính thức khi làm các thủ tục thông quan…

 

Đáng nói là tất cả các khoản chi phí này đều sẽ được DN cộng vào chi phí đầu vào, điều này làm cho chi phí tạo ra sản phẩm và dịch vụ của các DN trong nước đắt đỏ hơn so với các nước trong khu vực và dẫn đến năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế của DN bị hạn chế. Điều này cũng cản trở việc thực hiện các chính sách về nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

 

Kiên quyết cắt giảm chi phí bất hợp lý cho DN

 

Thấy rõ những bất cập trên, tại Dự thảo Nghị quyết Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo trình Chính phủ xem xét ban hành sắp tới đã chỉ rõ: DN đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình đầu tư kinh doanh. Do đó, để góp phần giảm chi phí cho DN, nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế, cắt giảm các chi phí bất hợp lý cho DN. 

 

Với những quyết tâm của Chính phủ thì mục tiêu cụ thể của Chương trình sẽ phải đạt được bao gồm: Cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh hiện nay; Đến năm 2020, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư đất đai, xây dựng, nộp thuế và BHXH để đạt được điểm số trung bình của ASEAN 4. Đồng thời, giảm một nửa tỷ lệ DN phải trả chi phí không chính thức; Công khai 100% các hoạt động thanh tra kiểm tra và kết quả xử lý trên trang internet của cơ quan có thẩm quyền.

 

Dự thảo chương trình hành động của Chính phủ cũng đề xuất các hành động cụ thể về kiên quyết cắt giảm chi phí không chính thức cho DN đối với các nhóm đối tượng liên quan tham gia hoạt động này. Đầu tiên là các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chính phủ yêu cầu xây dựng các tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn của mình, bảo đảm quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Đồng thời, công khai các tài liệu hướng dẫn giải thích tuân thủ pháp luật trên cổng thông tin điện tử; xây dựng quy tắc đạo đức  của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ phục vụ DN, công dân.

 

Tiếp đó, giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện việc tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của DN về những hành vi nhũng nhiễu, gây khó dễ của cán bộ công chức. Đồng thời, xây dựng cơ chế bảo vệ hỗ trợ đặc biệt đối với những DN dám tố cáo những hành vi này. Đây được coi là điểm đột phá trong cải cách hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí cho DN. 

 

DN mong lời nói phải phải đi với việc làm

 

Quyết tâm của Chính phủ tại Dự thảo chương trình hành động lần này được các DN đánh giá rất cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều DN mong chờ nhất đó là nói và làm phải đi đôi với nhau.

 

Theo Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, để các mục tiêu này “nói được và làm được” cần tập trung vào một số vấn đề sau: Thứ nhất, chương trình chính quyền điện tử phải được ưu tiên hàng đầu và phải do người lãnh đạo đứng đầu chỉ đạo trực tiếp. Thứ hai, cần giải quyết được việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao cho người dân và DN. Đây là một trong những giải pháp thực sự tạo ra đột phá cho DN, giảm đi các loại chi phí. Thứ ba, cần học tập kinh nghiệm từ các nước để rút ngắn thời gian thực hiện tại VN.

 

Với những hành động quyết liệt, tin tưởng rằng mục tiêu tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định, dễ tiên liệu, khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh của Chính phủ sẽ thành công, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà./.

 

Quốc Dân


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang