Thứ Bẩy, 20/04/2024 03:04:10 GMT+7

Tin đăng lúc 23-11-2017

Lượt xem: 6519

“Cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh cần thực chất chứ không phải đưa các con số ra cho đẹp”

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khi đề cập về việc loại bỏ nhiều điều kiện kinh doanh hay còn gọi là giấy phép con, cải cách môi trường kinh doanh.
“Cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh cần thực chất chứ không phải đưa các con số ra cho đẹp”
Giấy phép con đang là gánh nặng của doanh nghiệp

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tới 5.719 điều kiện kinh doanh, trong số đó, nhiều điều kiện kinh doanh được cho là can thiệp quá sâu vào thị trường; không rõ ràng, tạo cơ hội cho sự tùy tiện trong quản lý Nhà nước và sự nhũng nhiễu của một số cán bộ. Điều đó làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

 

Mạnh tay loại bỏ giấy phép con

 

Tại phiên họp xây dựng pháp luật ngày 22/8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ đề xuất loại bỏ 1.930 yêu cầu về điều kiện kinh doanh được cho là giấy phép con cản trở doanh nghiệp (DN) lâu nay. Việc loại bỏ các điều kiện kinh doanh hay còn gọi là giấy phép con không phải là mới, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên số giấy phép con hiện hành được đề nghị loại bỏ với số lượng lớn tới 50% như vậy.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định: "Việc rà soát, loại bỏ nhiều điều kiện kinh doanh gần đây cho thấy sự quyết liệt trong cải cách về kinh tế. Trong quá trình rà soát, chúng tôi nhận thấy nhiều điều kiện kinh doanh không hội tụ đủ các yêu cầu của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, đồng thời can thiệp quá nhiều vào quyền tự do kinh doanh của các DN và người dân nhưng lại nhân danh là vì lợi ích công cộng. Các điều kiện kinh doanh đó làm thui chột ý chí kinh doanh, gây cản trở việc gia nhập thị trường và đặc biệt cản trở việc khởi nghiệp, sáng tạo của các DN. Nó tạo ra lực cản làm ảnh hưởng đến mục tiêu 01 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam. Đồng thời, nó còn ngăn chặn xu hướng liên kết giữa các DN, trong khi đây chính là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Rõ ràng, điều kiện kinh doanh là gánh nặng với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

 

Các DN thì kêu ca rằng, nhiều điều kiện kinh doanh rất phi lý, gây phiền hà cho DN. Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý nhà nước lại có những lập luận của mình và không đồng tình việc cắt bỏ một số giấy phép, đặc biệt là liên quan đến vấn đề sức khỏe hay vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Nhiều tranh luận gay gắt xung quan vấn đề nên duy trì hay bãi bỏ thủ tục cấp phép xác nhận phù hợp quy định VSATTP. Theo số liệu từ các DN thì thủ tục cấp giấy chứng nhận VSATTP đã khiến DN mất tới 28,6 triệu ngày công, 14.300 tỷ đồng để thực hiện trong vòng 5 năm qua. Đối với họ, quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận không khác gì loại hình biến tướng của giấy phép con. Tuy nhiên, Bộ Y tế thì cương quyết bảo vệ quan điểm rằng sẽ không thể kiểm soát được chất lượng VSATTP nếu để DN tự công bố chất lượng sản phẩm.

 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, việc cắt bỏ giấy phép con không có nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước mà chuyển sang một phương thức phù hợp với kinh tế thị trường và đảm bảo hiệu quả của nó. Trong Nghị định 35 và 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đều yêu cầu phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng phương thức quản lý rủi ro, kiểm tra ngẫu nhiên đối với các sản phẩm của các DN. Thay vì đề ra các điều kiện và yêu cầu quá trình sản xuất phải tuân thủ thì tiến hành kiểm tra kết quả của DN là sản phẩm và dịch vụ cuối cùng cung ứng ra thị trường. Việc này không chỉ là của cơ quan nhà nước mà còn là của toàn xã hội, các tổ chức, các hiệp hội DN, hiệp hội người tiêu dùng để tham gia giám sát các hoạt động của DN.

 

Ông Lộc cũng nhấn mạnh, tiền kiểm chỉ là rào cản đối với các DN làm ăn chân chính mà không hề ngăn cản được sự ra nhập thị trường của những DN làm ăn bất chính. Bởi hoạt động kiểm tra này là không thực chất, không mang lại hiệu quả quản lý, gây nhũng nhiễu tiêu cực. Không chỉ gây trở ngại cho DN mà còn đi ngược lại nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Chúng ta không thể xây dựng được một Chính phủ kiến tạo, phục vụ DN nếu đẻ ra quá nhiều quy định bất hợp lý.

 

Cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh phải là thực chất

 

Là một trong những Bộ đi đầu và thực hiện quyết liệt việc cải cách, ngày 22/9 vừa qua, Bộ Công Thương đã công bố cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh (ĐKĐTKD) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, giai đoạn 2017 – 2018, chiếm tới 55,5% tổng các ĐKĐTKD. Con số này được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm.

 

Đây là tin vui đối với cộng đồng DN và được nhiều chuyên gia nhận định là một bước tiến dài trong nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, muốn duy trì được thành quả này và để DN được thực sự thụ hưởng những thay đổi thì phải có cơ chế giám sát thúc đẩy kế hoạch này để nó được thực thi chứ không phải kế hoạch treo. Đồng thời, cần phải có các thể chế đi kèm để kiểm soát, nếu không chỉ sau một thời gian điều kiện kinh doanh sẽ biến tướng dưới những hình thức khác.

 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về kế hoạch cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào? quá trình chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm sẽ triển khai từ bao giờ và thực hiện ra sao?...

 

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm có thể thực hiện được nếu tăng vai trò cũng như trách nhiệm của cấp cơ sở trên cơ sở công khai, minh bạch cùng với công cụ giám sát. Chúng ta không chỉ thay đổi phương thức quản lý mà là thay đổi tư duy quản lý. Nếu không thống nhất từ trên xuống dưới thì nguy cơ “trên cởi, dưới nghẽn” là có thế thấy trước”. Bộ trưởng cũng cho rằng, việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh đừng chỉ nhìn vào con số mà nên nhìn vào thực tế. Bởi con số 675 hay 1.000 điều kiện kinh doanh dự kiến được cắt giảm sẽ chẳng nói lên điều gì nếu như việc cắt giảm ấy không mang lại lợi ích thiết thực cho DN cũng như người tiêu dùng. Việc tháo gỡ khó khăn cho DN cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, gắn liền với công tác cải cách hành chính, cải cách thế chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh mà Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục làm quyết liệt trong thời gian tới.

           

Có thể nói, giấy phép con là công cụ để quản lý nhưng nó cũng đang gây khó khăn và là gánh nặng đè lên vai DN, khiến cho DN Việt Nam mất cơ hội cạnh tranh, mất lòng tin vào bộ máy nhà nước, kìm hãm tăng trưởng, cạnh tranh của nền kinh tế. Nó cũng là nguyên nhân làm hư một bộ phận cán bộ công chức nhà nước. Việc cắt giảm giấy phép con như một “cuộc cách mạng” của Việt Nam. Nếu các Bộ khác cũng đi theo cách tiếp cận như Bộ Công Thương thì nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh sẽ đi được những bước tiến rất dài trong thời gian tới./.

 

Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang