Thứ Năm, 25/04/2024 16:09:53 GMT+7

Tin đăng lúc 15-01-2017

Lượt xem: 3417

Chi cục QLTT tỉnh Bắc Giang: Chung tay bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

Bắc Giang là một tỉnh miền núi thuộc Đông Bắc nước ta, có nhiều dân tộc anh em sinh sống. Ở các huyện miền núi như Sơn Động, Lục Ngạn, kinh tế nghèo nàn, cộng với dân trí thấp, ham của rẻ, là một trong những điều kiện thuận lợi để cho hàng giả, hàng nhái có đất tiêu thụ. Chính vì vậy mà trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, việc phòng chống tội phạm vi phạm hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại là một trong những khó khăn đối với lực lượng quản lý thị trường của tỉnh.
Chi cục QLTT tỉnh Bắc Giang: Chung tay bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Lực lượng chức năng tiêu hủy đồ chơi trẻ em

Những thủ đoạn bất lương

 

Vào dịp Tết nguyên đán này, nhu cầu mua sắm Tết của bà con ngày càng tăng nên hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu càng diễn biến phức tạp. Hàng hóa nhập lậu vào thị trường nội địa chủ yếu là: Bánh kẹo, mỹ phẩm, đồ điện gia dụng, điện tử, hoa quả tươi và sấy khô, quần áo, giầy dép… Để qua mắt các đơn vị chức năng, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại càng ngày càng tinh vi hơn khi các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm. Vì lợi nhuận, họ thường kê khai hàng hóa không đúng số lượng, chủng loại, ghi số tiền trong hóa đơn thấp hơn giá trị thực tế của hàng hóa bán trên thị trường để móc túi, lừa đảo người tiêu dùng.

 

Ông Chu Thanh Hiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang cho biết: Hoạt động sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thường là các nhóm hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, bột ngọt, mỹ phẩm, giầy dép, phụ tùng xe máy, xe đạp điện, phân bón, thức ăn chăn nuôi… Các mặt hàng này chủ yếu được làm giả từ nước ngoài và vận chuyển trái phép vào Việt Nam bán cho các cơ sở lén lút gia công, đóng gói. Thủ đoạn của các đối tượng này là tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, kém chất lượng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và bao bì, nhãn mác, nhái các thương hiệu nổi tiếng. Sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền máy móc thô sơ để gia công dán nhãn và cung cấp ra thị trường. Các sản phẩm này được bày bán lẫn với hàng thật, hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ gây nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng.

 

Một điều nguy hiểm nữa là các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm có chiều hướng gia tăng trong các dịp lễ, tết. Đáng chú ý là tình trạng một số tổ chức cá nhân sử dụng trái phép chất phụ gia thực phẩm, vật tư nông nghiệp, bánh kẹo, nước giải khát có dấu hiệu diễn biến phức tạp, gây bất an dư luận, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như: Sử dụng chất phụ gia vàng ô tẩm ướp vào măng, bơm tạp chất nước vào gia súc, sử dụng chất tạo nạc…

 

Điều đáng nói là, mặc dù đã xử phạt, tuyên truyền nhiều lần nhưng tình hình vi phạm về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề vi phạm về nhãn hàng hóa, niêm yết giá vẫn không hề giảm so với năm trước. Đối tượng vi phạm chủ yếu là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi. Các hộ này cố tình không đăng ký kinh doanh, dán nhãn hàng hóa hòng trốn thuế hoặc để làm giả trục lợi. Vì vậy, người tiêu dùng hết sức chú ý tới với việc mua sắm những mặt hàng Tết và hãy là một “người tiêu dùng thông thái”. Khi mua hàng nên chọn những sản phẩm có thương hiệu, có tem chống hàng giả. Mua bán hàng hóa gì cũng cần xem xuất xứ rõ ràng, kiểm tra mã vạch, kiểm tra hóa đơn chứng từ, tem chống hàng giả, thông tin nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu, hình thức sản phẩm, độ bóng đẹp, sắc cạnh của các đường viền, logo, bao bì, nội dung bố cục, thông tin sản phẩm để tránh “tiền mất tật mang” bởi thủ đoạn làm giả của chúng rất tinh vi, có thể giả từ mẫu mã, bao gói đến chất lượng sản phẩm mà ngay cả các cơ quan chức năng còn khó kiểm tra, phát hiện.

 

Hoạt động bán hàng đa cấp được các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn nên đã hạn chế và loại trừ được các trường hợp kinh doanh bán hàng đa cấp bất chính trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như: Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam.

 

Tiêu hủy dược liệu

 

Một số đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm động vật nhập lậu trái phép không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch thú y vẫn diễn ra trên thị trường, tuy không có điểm nóng nhưng một số lượng gia cầm, động vật không qua kiểm dịch vào thị trường cũng đe dọa lớn đến sức khỏe người dân. Vì vậy người dân cần chú ý khi mua các sản phẩm này, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2017 đang cận kề, nhu cầu mua thịt lợn, gà và các loại giá cầm khác ngày càng tăng cao.

 

Những con số ấn tượng

 

Nhận thức được vai trò vị trí của mình, năm 2016, lực lượng quản lý thị trường toàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức kiểm tra 2.086 vụ, thực hiện xử lý 1.826 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng tịch thu và trị giá hàng hóa tiêu hủy lên tới hơn 14 tỷ đồng. Hàng hóa tiêu hủy gồm lợn nhiễm bệnh 140 con bằng 17.000 kg, nầm lợn 2.750 kg; gà con giống 6.350 con; măng tươi ngâm lưu huỳnh 15.060 kg; thuốc bắc 4.600 kg; thịt lợn chết 990 kg; thuốc thú ý các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ 451 kg/lọ/gói; thuốc kích thích tăng trưởng 3.000 ống; thức ăn chăn nuôi các loại 7.800 kg; phân bón giả các loại 23.060 kg; thuốc lá ngoại 77 bao; mỳ chính giả mạo nhãn hiệu 140,2 kg; vỏ túi mỳ chính giả 76.970 cái,.. và nhiều loại hàng hóa khác. Dư luận đặt câu hỏi, nếu số lượng những hàng hóa trên không bị tịch thu xử phạt tiêu hủy thì sẽ đi về đâu? Phải chăng những thứ đó lại lên bàn ăn trong mỗi bữa cơm gia đình và điều gì sẽ xảy ra, ngộ độc tại chỗ hay chết dần chết mòn trong bệnh tật?

 

Thực hiện kế hoạch số 11219/KH – BCĐ 389 ngày 23/11/2016 của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017; Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch số 509/ KH - QLTT ngày 25/11/2016 triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc tổ chức triển khai quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác buôn lậu.

 

Tuy nhiên tình hình cho thấy hàng giả, hàng nhái hiện vẫn tồn tại trên thị trường. Do vậy mỗi người tiêu dùng cần cẩn trọng cân nhắc trong việc mua sản phẩm, hàng hóa, bởi Tết đã đến gần, nếu không cẩn thận mua phải hàng hóa kém chất lượng chính bạn, hoặc người thân trong gia đình mình sẽ bị ngộ độc. Hy vọng rằng, các cơ quan chức năng, không riêng gì lực lượng quản lý thị trường mà các ngành khác như: y tế, công an… cần vào cuộc gắt gao hơn nữa để ngăn chặn những kẻ đầu cơ, trục lợi, sản xuất buôn bán hàng giả hàng nhái, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo điều kiện để người dân đón Xuân mới an lành, với nhiều niềm vui.

 

Chung Hương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang