Thứ Năm, 28/03/2024 16:41:00 GMT+7

Tin đăng lúc 25-11-2016

Lượt xem: 2808

Chi phí logistics Việt Nam đắt đỏ nhất thế giới

Chi phí logistics - vận tải, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác… chiếm 21%-25% GDP của Việt Nam, tương đương 37-40 tỉ USD. Mức chi phí này được xem là đắt đỏ nhất thế giới.
Chi phí logistics Việt Nam đắt đỏ nhất thế giới
Chi phí logistics chiếm rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại Việt Nam.

Đây là thông tin được công bố tại “Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2016” do nhiều cơ quan cùng phối hợp tổ chức ngày 24/11 ở TPHCM.

Hiện nay, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. 

Tuy nhiên, Việt Nam bị tụt hạng trong năm 2016. Có 4 điểm khiến LPI Việt Nam bị tụt hạng, đó là năng lực logistics, kết cấu hạ tầng, ứng dụng công nghệ và kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

 

Một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy chi phí logistics chiếm rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại Việt Nam. Đơn cử với ngành thủy sản chi phí này chiếm hơn 12%, đồ gỗ chiếm 23%, rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến gần 30% trong giá thành.

 

Mức chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, còn so với Singapore thì cao hơn tới ba lần.

 

Nhiều đại biểu nhận định chi phí logistics quá cao đã gián tiếp làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đáng chú ý, trong chi phí logistics thì chi phí vận tải chiếm quá lớn, lên tới gần 60%.

 

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Logistics Việt Nam (VLA), cho hay nhiều hội viên tại TPHCM phản ánh vào những ngày cao điểm, thời gian lưu thông từ trạm thu phí xa lộ Hà Nội đến cảng Cát Lái mất tới ba giờ đồng hồ cho đoạn đường chỉ dài 12 km.

 

Nói thêm về nguyên nhân chi phí logistics Việt Nam quá cao, TS Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT, cho rằng kết nối hạ tầng, khả năng xếp dỡ và trung chuyển container còn hạn chế; chi phí trung chuyển giữa đường sông và đường biển còn cao do mức độ container hóa thấp.

 

Ông Ngọc phân tích: “Kết nối về phương tiện kém vì hầu hết hàng hóa nước ta hiện đang vận chuyển ở dạng hàng rời. Mức độ container hóa thấp do thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ đóng gói, xử lý container. Đặc biệt, kết nối về thông tin tại các cảng biển, cảng sông, ga đường sắt còn rất lạc hậu”.

 

Theo ông Trương Văn Nhất, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại tiếp vận quốc tế FTI, cộng đồng doanh nghiệp trong nước chiếm hơn 80% tổng số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, song hầu hết họ chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam mà thôi. Các hoạt động lớn hơn, mang tính liên vận quốc tế đều do thiểu số các công ty, tập đoàn đa quốc gia đảm trách.

Kế hoạch tạo đột phá

 

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA nhắc tới vụ hãng tàu biển lớn nhất Hàn Quốc là Hanjin phá sản mới đây đã kéo theo nhiều công ty xuất nhập khẩu Việt Nam bị thiệt hại.

 

Theo ông Hiệp, điều này cho thấy vận tải biển hoàn toàn phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài vì không có công ty Việt Nam nào đủ sức có tàu lớn chạy chuyến quốc tế. “Chính sự phụ thuộc này khiến các công ty xuất nhập khẩu Việt Nam chịu chi phí cao và gặp nhiều rủi ro” - ông Hiệp phân tích.

 

Cũng theo ông Hiệp, hiện Singapore đã có những hãng tàu có thể cung ứng quốc tế, Malaysia và Thái Lan cũng vậy. Nhưng đến nay vẫn chưa có đại gia Việt nào đủ tiềm lực làm chủ một hãng tàu lớn, bởi lâu nay các công ty logistics hầu như tự bơi là chính.

 

Thừa nhận ngành logistics của Việt Nam đang còn nhiều vấn đề yếu kém, chính sách quản lý của Nhà nước còn chồng chéo…, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay Bộ đang phối hợp với nhiều bộ, ngành, hiệp hội, DN… xây dựng một kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam.

 

“Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm tạo ra bước đột phá về mặt chính sách, tạo nền cơ chế thuận lợi để các DN logistics Việt Nam củng cố năng lực, thị phần, nhanh chóng gia tăng khối lượng hàng hóa lưu thông, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Thứ trưởng Hải nói.

 

Theo ông Trần Đức Tuân, Tổng giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần OTran Logistics, với cơ sở hạ tầng hiện tại có thể nói ngành logistics Việt Nam cũng không thua kém các nước trong khu vực như: Philippines, Indonesia. Đến nay, hạ tầng ngành đã cải thiện rất nhiều.

 

Ở thời điểm 6 năm trước, khi OTran Logistics mới bắt đầu đầu tư dự án tại Cái Mép, con đường liên cảng rất xấu, nhưng nay đã chỉnh trang hơn. Vì thế, nếu chúng ta làm tốt thì lĩnh vực logistics vẫn có thể phát triển ngang ngửa với các trung tâm logistics trong khu vực.

 

Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý - Tổng cục Hải quan,  cho biết thời gian tới sẽ tập trung cải thiện về cả điểm số và chỉ số xếp hạng về môi trường kinh doanh lẫn chỉ số hoạt động logistics, bãi bỏ những thủ tục hành chính không phù hợp.

 

Cụ thể, đến cuối năm 2016, thời gian thông quan xuất khẩu từ 21 ngày sẽ giảm xuống còn 10 ngày; thủ tục xuất khẩu dự kiến đến năm 2020 chỉ mất 36 giờ. Thời gian thông quan nhập khẩu từ 21 ngày sẽ chỉ còn 12 ngày và đến năm 2020 còn 41 giờ. Bên cạnh đó sẽ thay đổi căn bản phương thức kiểm tra chuyên ngành.

 

Theo Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang