Thứ Bẩy, 20/04/2024 09:58:51 GMT+7

Tin đăng lúc 07-09-2018

Lượt xem: 918

'Chìa khóa' nâng giá trị gia tăng sản phẩm

Năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, mảng sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam chính là sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu (XK). Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) vẫn còn thấp, chưa tạo dựng được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm.
'Chìa khóa' nâng giá trị gia tăng sản phẩm
Chi phí logistics của doanh nghiệp còn cao

47% doanh nghiệp có lợi nhuận

 

Việt Nam có lợi thế về địa chính trị, dân số trẻ, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức, như: Tính cạnh tranh trên thị trường chưa cao; chi phí điều chỉnh, tuân thủ, logistics... cao.

 

Tại Diễn đàn "Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và chiến lược cạnh tranh của DN" được tổ chức mới đây, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cho biết, chỉ 47% DN có lợi nhuận, do chi phí logistics và tài chính rất cao. Hiện, chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức cao nhất so với khu vực Đông Á, chiếm khoảng 21% GDP. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, chi phí này đã xuống thấp hơn nhưng vẫn còn cao, chiếm 16% GDP. Gánh nặng về chi phí logistics chính là rào cản lớn nhất đối với năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam hiện nay.

 

Thực tế cho thấy, các DN Việt Nam chủ yếu hoạt động gia công. Đơn cử, ngành dệt may, da giày, điện tử số lượng lao động nhiều, XK mạnh, nhập khẩu cũng cao; giá trị gia tăng thấp, FDI chi phối và đang bị các nước cạnh tranh. Theo TS. Võ Trí Thành, DN Việt Nam đang bị chi phối bởi nhà sản xuất; còn trong lĩnh vực sản xuất dệt may, da giày, lại do người mua chi phối, khó tăng thêm giá trị.

 

Ứng dụng công nghệ vào quản lý

 

TS. Võ Trí Thành cho rằng, cần đáp ứng nguyên tắc xuất xứ; đầu tư; logistics và hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực quản trị, bởi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, quản trị tốt hơn, năng suất lao động sẽ tăng từ 10 - 15%. Cách khó hơn là tạo giá trị gia tăng theo chức năng, có thể kết nối, lựa chọn đối tác; cuối cùng là sản phẩm. "Dù thực hiện theo cách nào, tối ưu hóa chuỗi cung ứng vẫn là "chìa khóa" để nâng giá trị gia tăng" - TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

 

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, nếu DN không chủ động đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu đơn hàng một cách nhanh nhất, với chất lượng và chi phí cạnh tranh, DN rất dễ tuột mất cơ hội kinh doanh với các đối tác quốc tế. Theo phân tích của ông Phạm Kiên Cường - Phó Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Vinafco - việc tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ đem lại nhiều lợi ích cho DN như góp phần tăng đáng kể năng suất lao động, giảm thiểu rủi ro, sai sót; giảm chi phí vận hành và số lượng lao động… Nhờ ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành kho bãi, Công ty Vinafco đã thu được những lợi ích rất đáng kể: Năng suất lao động sau 6 tháng tăng 15%, chi phí vận hành kho bãi giảm 10%, giảm số nhân sự vận hành kho bãi từ 80 người xuống còn 50 người, độ chính xác trong giao hàng đạt 99,8%, thời gian giao hàng nhanh hơn…

 

PGS-TS. Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và logistics không dễ dàng và cũng không rẻ, nhưng là cơ hội lớn cho hầu hết DN giảm đáng kể chi phí, cải thiện hiệu suất làm việc.

 

Theo báo Công Thương

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang